Đảng bộ huyện Văn Bàn: Tập trung lãnh đạo đưa nghị quyết vào cuộc sống

Đảng bộ huyện Văn Bàn có 58 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, trong đó 30 chi bộ, 28 đảng bộ, với 5.865 đảng viên. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp trọng tâm, xuyên suốt và đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, hoàn thành toàn diện 25/25 mục tiêu, nhiều chỉ tiêu quan trọng hoàn thành ở mức cao. Tăng trưởng kinh tế đạt trung bình 12,04 %/năm, GRDP bình quân đạt 78 triệu đồng/người/năm (tăng gần 2 lần so với năm 2015), cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 34,9% xuống còn 20,8%; công nghiệp, xây dựng tăng lên 52%. Đến hết năm 2020, toàn huyện có 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 200% mục tiêu Nghị quyết Đại hội...

Đồng chí Nguyễn Thành Sinh, Bí thư Huyện ủy Văn Bàn (thứ 3 từ phải sang) thăm mô hình trồng cây ăn quả ở xã Khánh Yên Trung.

Đồng chí Nguyễn Thành Sinh, Bí thư Huyện ủy Văn Bàn (thứ 3 từ phải sang) thăm mô hình trồng cây ăn quả ở xã Khánh Yên Trung.

Văn hóa, giáo dục, y tế được quan tâm, đời sống tinh thần của Nhân dân được nâng lên, hoạt động thể dục - thể thao phát triển, đạt nhiều thành tích. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, hiện còn 9,5%. Quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có nhiều đổi mới, sáng tạo; hoạt động của chính quyền các cấp hiệu lực, hiệu quả; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đạt hiệu quả thiết thực...

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ huyện Văn Bàn đặt mục tiêu đưa Văn Bàn trở thành huyện phát triển khá của tỉnh. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu này, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện xác định các nhiệm vụ trọng tâm là chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động trong từng ngành, lĩnh vực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị gắn với phát triển thương mại, các chợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư kinh doanh tại khu vực nông thôn, vùng khó khăn. Khai thác tiềm năng phát triển du lịch với các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp. Cùng với đó là tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; duy trì và nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, phát huy tốt tiềm năng lợi thế tài nguyên rừng để phát triển kinh tế.

Đối với lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế là chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân; làm tốt công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, phát huy giá trị của các khu di tích văn hóa, lịch sử; coi trọng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân và chất lượng dân số, bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện tốt chính sách lao động, việc làm, thu nhập, chính sách với người có công và giải quyết tốt các vấn đề xã hội.

Tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh; phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, đảm bảo quyền làm chủ của Nhân dân; nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tham gia xây dựng Đảng và chính quyền các cấp; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII...

Để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của địa phương là tiếp tục đẩy mạnh quán triệt, triển khai nghị quyết, chương trình hành động thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tới các chi bộ, đảng viên và Nhân dân.

Văn Bàn hoàn thiện việc cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội bằng 8 đề án, 4 nghị quyết, 5 kế hoạch trọng tâm.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện tập trung lựa chọn bộ giống tốt, thực hiện cánh đồng một giống, khai thác triệt để diện tích đất trống, mở rộng vùng trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Huyện cũng khuyến khích nông dân chăn nuôi theo quy mô trang trại, chăn nuôi hữu cơ an toàn để kiểm soát dịch bệnh; tập trung phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật để tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên phát triển giao thông liên kết vùng, giao thông nông thôn, điện dân sinh, hạ tầng đô thị, khu dân cư.

Về chính trị, Đảng bộ tích cực đổi mới công tác tư tưởng, phát huy tính tự giác, tinh thần trách nhiệm, thường xuyên tự học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của địa phương. Triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Trung ương và các quy định về trách nhiệm nêu gương; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Thường xuyên tổ chức các đợt sinh hoạt chuyên đề gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, thực sự tiên phong, gương mẫu, nhất là trong đấu tranh tự phê bình và phê bình.

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng và đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy các cấp; đảm bảo đúng quan điểm chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh ủy về “giám sát phải mở rộng”, “kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm”.

Dưới sự lãnh đạo toàn diện của Tỉnh ủy, Đảng bộ và Nhân dân huyện Văn Bàn tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện tốt mục tiêu đưa Văn Bàn trở thành huyện phát triển khá của tỉnh.

Nguyễn Thành Sinh
Bí thư Huyện ủy Văn Bàn

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/chinh-tri/dang-bo-huyen-van-ban-tap-trung-lanh-dao-dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song-z1n20200927151450058.htm