Đảng bộ quận Thanh Xuân: Đoàn kết, đổi mới, xây dựng quận phát triển toàn diện, bền vững
Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ quận Thanh Xuân đã phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận lần thứ V; chủ động khai thác tiềm năng, thế mạnh, tập trung nguồn lực xây dựng quận phát triển nhanh, toàn diện, bền vững.
Tạo đột phá trong công tác quản lý đô thị
Với các giải pháp đồng bộ, toàn diện, nhiệm kỳ 2015 - 2020, quận Thanh Xuân đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt tạo đột phá trong công tác quản lý đô thị, khẳng định dấu ấn của một quận trẻ trung, năng động và tràn đầy sức sống.
Xác định công tác quản lý đô thị, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội là khâu đột phá, nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, Quận ủy Thanh Xuân đã xây dựng và lãnh đạo triển khai thực hiện Đề án số 02-ĐA/QU về “Tăng cường công tác quản lý đô thị, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị quận Thanh Xuân, giai đoạn 2015 - 2020”, Nghị quyết số 06-NQ/QU về “Công tác đảm bảo trật tự đô thị, quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn quận”; chỉ đạo HĐND quận ban hành Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐND ngày 30/6/2016, UBND quận ban hành Kế hoạch số 136/KH-UBND ngày 23/6/2016 về quản lý, chống lấn chiếm đất công, đất nông nghiệp trên địa bàn.
Cùng đó, quận chủ động phối hợp với các sở, ngành hoàn thành lập, công bố và bàn giao các đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng, cải tạo, chỉnh trang hai bên các tuyến đường: Lê Văn Lương, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển và Quy hoạch phân khu H2-2, H2-3, H2-4; lập thiết kế đô thị hai bên bờ sông Lừ và sông Sét, hai bên tuyến đường: Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Ngụy Như Kon Tum; chấp thuận 62 tổng mặt bằng, phương án kiến trúc và Giấy phép quy hoạch. Ban hành Quy định tạm thời quản lý, cải tạo, chỉnh trang các công trình kiến trúc hai bên tuyến đường Lê Trọng Tấn; Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc quận Thanh Xuân làm cơ sở để cấp phép xây dựng và quản lý quy hoạch.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ qua, đó là quận chú trọng đầu tư phát triển có trọng điểm hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội đô thị; từng bước giải quyết nhu cầu dân sinh; cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển của quận. Trong đó, tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới các công trình giao thông đô thị, thoát nước; nhà hội họp, sân chơi; công viên hồ điều hòa, các công trình về giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao; nhà ở tái định cư; trụ sở làm việc các cơ quan quận, phường...
Bên cạnh đó, tập trung cao chỉ đạo công tác GPMB đạt kết quả tốt, nhất là các công trình, dự án trọng điểm, như: Đường Vành đai 2 (Đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng), dự án hồ Khương Trung I, hồ Hạ Đình, hồ Đầm Chuối, hạng mục cải tạo mương Kim Giang T8A, đường Lê Trọng Tấn, đường Vũ Trọng Phụng, công viên Nhân Chính, trường THPT Khương Đình. Quận đã GPMB trên 33,5 ha đất và hỗ trợ, đền bù, bố trí tái định cư cho 625 hộ dân...
Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển
Thanh Xuân là quận có tốc độ đô thị hóa nhanh, số lượng dân cư tăng cao, số học sinh ngày càng tăng gây áp lực cho các trường trong công tác tuyển sinh đầu năm học mới. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận Thanh Xuân lần thứ V với phương châm: “Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả GD&ĐT”, quận đã xây dựng Đề án “Phát triển GD&ĐT quận Thanh Xuân giai đoạn 2016 - 2020”; trong đó, chú trọng việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ cho các nhà trường, từng bước xây dựng hệ thống các trường của các cấp học theo hướng chất lượng cao.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu cho biết, với quan điểm đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển, tập trung vào 3 thành tố: cơ sở vật chất, giáo viên và học sinh. Trong những năm qua, quận luôn quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng, cải tạo, sửa chữa các trường học, mua sắm trang thiết bị dạy học đồng bộ theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa (cơ cấu vốn đầu tư cho giáo dục đạt 55% trên tổng số vốn đầu tư ngân sách quận). Đồng thời, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, tạo môi trường phát triển toàn diện cho học sinh, qua đó góp phần xây dựng sự nghiệp GD&ĐT quận Thanh Xuân ngày càng phát triển.
Bên cạnh đó, nhiều mô hình mới được quận triển khai thực hiện, phát huy hiệu quả, được TP ghi nhận, đánh giá cao và chỉ đạo nhân rộng. Cơ sở vật chất trường, lớp học được quận quan tâm đầu tư, thành lập 8 trường mới (nâng tổng số trường học công lập trên địa bàn là 45 trường).
Ngày 25/7 vừa qua, UBND quận Thanh Xuân phối hợp với Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức lễ gắn biển công trình trường THPT Khương Đình chào mừng Đại hội Đảng bộ quận Thanh Xuân lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đây là công trình mà UBND quận đã chủ động đề xuất báo cáo UBND TP cho phép quận lập dự án mới đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách quận, triển khai thực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Việc hoàn thành và đưa vào sử dụng công trình trường THPT Khương Đình bắt đầu từ năm học 2020 - 2021 có ý nghĩa quan trọng, góp phần phát triển mạng lưới trường, lớp học, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác GD&ĐT và nguyện vọng của Nhân dân trên địa bàn, thiết thực chào mừng Đại hội Đảng bộ quận Thanh Xuân lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.Với sự quan tâm, xác định đúng hướng và tập trung đầu tư của quận, ngành GD&ĐT quận Thanh Xuân đã đạt thành tích tăng vượt bậc so với giai đoạn 2010 - 2015; 5 năm liên tiếp giữ vững vị trí thứ nhất trong 30 quận, huyện của TP, 7 năm liền được UBND Thành phố tặng Cờ “Đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua”. Kết quả này khẳng định vị thế giáo dục Thanh Xuân trong toàn TP, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của quận.
Đại hội đại biểu Đảng bộ quận Thanh Xuân lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 diễn ra trong 3 ngày 30 - 31/7 và 1/8/2020.