Đảng bộ thành phố Hà Nội quyết tâm, quyết liệt xây dựng Đảng mạnh từ chi bộ-Bài 1: Đảng mạnh là do chi bộ tốt

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh: 'Tổ chức gốc rễ của Đảng là chi bộ'; 'các chi bộ mạnh tức là Đảng mạnh'; 'các chi ủy vững tức là chi bộ mạnh'. Thấu triệt quan điểm của Người, những năm qua, Đảng bộ TP Hà Nội triển khai nhiều đề án, kế hoạch, đặc biệt là Đề án số 11-ĐA/TU, ngày 6-12-2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về 'Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thuộc Đảng bộ TP Hà Nội trong tình hình mới' (Đề án số 11) với nhiều giải pháp đồng bộ, thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt xây dựng Đảng mạnh từ những chi bộ.

Chăm lo củng cố chi bộ giống như việc “muốn làm nhà cho tốt phải xây nền cho vững”, đó cũng là quyết tâm của Đảng bộ TP Hà Nội trong những năm qua.

Nhận thức rõ vị trí của “tế bào Đảng”

Những ngày này, đi trên từng tuyến phố trong nội thành hay từng ngõ xóm ở ngoại thành Hà Nội, đâu đâu cũng thấy cờ hoa tung bay phất phới, chào đón 70 năm giải phóng Thủ đô. Diện mạo Thủ đô Hà Nội – trái tim của cả nước từng ngày vươn mình phát triển, trở thành thành phố văn minh, hiện đại, thành phố vì hòa bình. Trong hành trình xây dựng Thủ đô có được như ngày hôm nay, có đóng góp hết sức quan trọng từ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các chi bộ thuộc Đảng bộ TP Hà Nội.

Quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Chi bộ là tế bào của Đảng. Nơi nào chi bộ tốt, công việc trôi chảy; chỗ nào chi bộ yếu, công việc xộc xệch. Đối với Đảng ta, xây dựng chi bộ cho tốt, cho vững mạnh là một việc vô cùng quan trọng. Nhắc lại những lời chỉ dạy của Người, đảng viên Nguyễn Phương Khánh (sinh năm 1941), ở Chi bộ tổ dân phố số 6, phường Bưởi, quận Tây Hồ chia sẻ: 94 năm qua, Đảng ta luôn quan tâm đặc biệt đến xây dựng, củng cố các chi bộ, coi chi bộ là tế bào, là hạt nhân chính trị, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở; nơi giáo dục và rèn luyện đảng viên; sợi dây gắn bó giữa Đảng với quần chúng nhân dân. Xây dựng chi bộ tốt là nền móng xây dựng Đảng vững chắc.

 Một buổi sinh hoạt Chi bộ 14, phường Đức Thượng (Tây Hồ, Hà Nội).

Một buổi sinh hoạt Chi bộ 14, phường Đức Thượng (Tây Hồ, Hà Nội).

Nhận thức rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng trong xây dựng chi bộ tốt, tạo nền móng vững chắc cho công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Thành ủy Hà Nội xác định rõ: Trong xây dựng chi bộ tốt thì chất lượng sinh hoạt chi bộ là một trong những yếu tố quyết định sức sống, sự tồn tại, phát triển của chi bộ.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI, XII); kết luận Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII đều xác định, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến những hạn chế, yếu kém của công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng thời gian qua là chưa quan tâm đến việc nâng cao được chất lượng sinh hoạt chi bộ; vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên không được phát huy, kỷ luật lỏng lẻo, các hiện tượng tiêu cực nảy sinh, mối liên hệ gắn bó giữa Đảng và quần chúng bị suy giảm. Trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025 chỉ rõ: Sinh hoạt chi bộ ở một số đơn vị còn hình thức, hiệu quả thấp. Tính chiến đấu, tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình ở một số nơi hạn chế; có cấp ủy đã có biểu hiện mất đoàn kết nội bộ ảnh hưởng không tốt đến phong trào của địa phương.

Trong bối cảnh trên, Đề án số 11 được Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành nhằm khắc phục hạn chế, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, bí thư chi bộ và đảng viên; thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt định kỳ, sinh hoạt chuyên đề theo quy định của Điều lệ Đảng, các hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương và Thành ủy Hà Nội.

Theo đồng chí Vũ Đức Bảo, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội thì Đề án số 11 được ban hành nhằm đạt 5 mục tiêu cụ thể với 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp bài bản, khoa học. Trong đó, nhiệm vụ số một là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên về vị trí, vai trò của sinh hoạt chi bộ và việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ gắn với nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Đánh giá cao về chủ trương này, đồng chí Nguyễn Xuân Trường, Bí thư chi bộ thôn Hạc Sơn, xã Châu Sơn, huyện Ba Vì cho rằng: Đề án số 11 được ban hành rất trúng và đúng, là cơ sở để cấp ủy cấp trên quan tâm, các chi bộ triển khai tích cực nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.

Triển khai quyết liệt, đồng bộ

Đảng bộ TP Hà Nội hiện có 50 đảng bộ cấp trên cơ sở, gồm 30 quận, huyện, thị ủy, 20 đảng ủy trực thuộc với 2.351 tổ chức cơ sở Đảng, 17.217 chi bộ và trên 460.000 đảng viên. Riêng 30 đảng bộ quận, huyện, thị xã có 13.158 chi bộ với hơn 393.000 đảng viên.

Ngay sau khi Đề án số 11 ban hành, các cấp ủy đảng trong toàn Đảng bộ TP Hà Nội đã kịp thời triển khai quán triệt đến các tổ chức đảng và đảng viên trong toàn đảng bộ bằng nhiều hình thức, như: Tổ chức hội nghị đảng bộ, chi bộ; đăng tải nội dung Đề án trên phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử, Cổng thông tin điện tử, Bản tin thông tin nội bộ, các trang thông tin chính danh khác của địa phương. Do làm tốt công tác học tập, quán triệt, các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên đều nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc sinh hoạt chi bộ, xác định rõ được những mục tiêu, giải pháp chủ yếu về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ nêu trong Đề án số 11 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.

Đồng chí Nguyễn Hồng Nhật, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội cho biết: Các cấp ủy trực thuộc Thành ủy đã kịp thời ban hành 301 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa đồng bộ 5 mục tiêu và 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Đề án 11; ban hành 138 văn bản thực hiện công tác kiểm tra, giám sát. Đồng thời, chỉ đạo cấp ủy cơ sở xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong toàn đảng bộ. Một số cấp ủy cơ sở cụ thể hóa các mẫu phiếu đánh giá, xếp loại chất lượng sinh hoạt chi bộ và biểu chấm điểm chi tiết, định kỳ hằng tháng tổ chức đánh giá chấm điểm các chi bộ.

 Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội trao Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tặng các tập thể trong thực hiện Đề án số 11.

Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội trao Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tặng các tập thể trong thực hiện Đề án số 11.

Sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án số 11, các cấp ủy, tổ chức đảng từ Thành phố đến cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có kết quả việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; cán bộ, đảng viên ngày càng nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sinh hoạt chi bộ và sự cần thiết phải nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.

Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định: Các cấp ủy, trực tiếp là bí thư cấp ủy, chi bộ đã lãnh đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp của đề án, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị. Chế độ sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ được duy trì nền nếp, phương pháp điều hành, kỹ năng tổ chức sinh hoạt của bí thư chi bộ có nhiều tiến bộ, chất lượng sinh hoạt chi bộ trong toàn Đảng bộ thành phố Hà Nội được nâng lên rõ rệt; nguyên tắc tập trung dân chủ được phát huy, nhất là việc thảo luận, quyết định những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của chi bộ; trách nhiệm, quyền hạn của đảng viên được mở rộng, tạo không khí cởi mở, thẳng thắn trong sinh hoạt.

Qua khảo sát trên diện rộng ở các địa phương trên địa bàn TP Hà Nội, chúng tôi cảm nhận đầy đủ sự chuyển biến từ những chi bộ.

Bài và ảnh: VIỆT HÀ – ANH MINH – DUY THÀNH

(Còn nữa)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/dua-nghi-quyet-cua-dang-vao-cuoc-song/dang-bo-thanh-pho-ha-noi-quyet-tam-quyet-liet-xay-dung-dang-manh-tu-chi-bo-bai-1-dang-manh-la-do-chi-bo-tot-797581