Đảng bộ thành phố Hà Nội: Thực hiện tốt dân chủ cơ sở, phát huy sức mạnh nhân dân
Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền TP Hà Nội luôn quan tâm, coi trọng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, mở rộng dân chủ, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị của Thủ đô.
Dân chủ thực chất để nhân dân làm chủ
Báo cáo chính trị số 735-BC/TU ngày 25-9-2020 của Thành ủy Hà Nội khóa XVI, tại Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ TP Hà Nội đã nêu lên 5 bài học kinh nghiệm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, trong đó có bài học: “Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; phát huy dân chủ trong Đảng và trong xã hội gắn liền với kỷ cương, gắn bó mật thiết, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; lắng nghe, tiếp thu ý kiến xây dựng và phản biện của nhân dân để kịp thời bổ sung, điều chỉnh chủ trương, chính sách, biện pháp phù hợp...”
Bài học đó được đúc rút từ thực tiễn triển khai các giải pháp tăng cường việc tiếp thu ý kiến của nhân dân, thắt chặt mối quan hệ mật thiết, bền chặt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Theo đó, trong thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền TP Hà Nội đã lãnh đạo, chỉ đạo duy trì tốt các hội nghị tiếp xúc, đối thoại dân chủ, luôn cầu thị, lắng nghe, xây dựng các chủ trương, chính sách xuất phát từ chính nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, lợi ích hợp pháp của nhân dân. Đề cập đến vấn đề này, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, khẳng định: “Các chủ trương, nghị quyết, chính sách được xây dựng, ban hành trên cơ sở kết quả phát huy dân chủ, kết tinh trí tuệ tập thể, ý chí, nguyện vọng của nhân dân Thủ đô; thể hiện tính đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn, được cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô đồng thuận ủng hộ, nghiêm túc chấp hành, chung sức, đồng lòng thực hiện nhiệm vụ; góp phần xây dựng và phát triển Thủ đô hướng tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững”.
Theo thống kê, từ năm 2017 đến nay, các đồng chí lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã tổ chức được 18 hội nghị tiếp xúc, đối thoại với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Ở cấp quận, huyện định kỳ tổ chức được 210 hội nghị với sự tham gia của 47.674 lượt người, đóng góp 8.540 lượt ý kiến, kiến nghị; trong đó có 8.403 lượt ý kiến được cấp ủy, chính quyền tiếp thu, trả lời theo quy định (chiếm 98,4%). Cấp xã, phường, thị trấn tổ chức 2.984 hội nghị, với 281.764 lượt người tham gia, đóng góp 42.591 lượt ý kiến, kiến nghị; trong đó có 41.423 lượt ý kiến được cấp ủy, chính quyền tiếp thu, trả lời (chiếm 97%).
Bà Nguyễn Thị Hiền, ở phường Nhật Tân (Quận Tây Hồ, TP Hà Nội) phấn khởi: “Khi có những vấn đề bức xúc, tôi thường đến Đảng ủy, UBND phường để đóng góp ý kiến và đều được các đồng chí lãnh đạo phản hồi nhanh chóng, chính xác, có tình, có lý. Tôi rất yên tâm, tin tưởng vào Đảng bộ, chính quyền địa phương”.
Tại huyện Thường Tín, với tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, sau khi UBND huyện xây dựng, triển khai Đề án 02 (sau là Đề án 04) về bê tông hóa các đường ngõ, xóm, nhân dân trực tiếp được tham gia xây dựng phương án làm đường, kiểm tra, giám sát thi công; huyện và xã hỗ trợ kinh phí làm mặt đường, nhân dân đóng góp ngày công, hiến đất và kinh phí để làm nền và hệ thống thoát nước. Nhờ thấy được lợi ích từ việc đường làng, ngõ xóm khang trang, sạch đẹp, lại được trực tiếp tham gia vào quá trình thi công, bảo đảm dân chủ, công khai nên nhân dân rất ủng hộ. Đề án đã đi vào cuộc sống, đến năm 2020, 100% đường ngõ, xóm trên địa bàn huyện Thường Tín đã được bê tông hóa, nguồn lực huy động từ nhân dân là rất lớn.
Có thể thấy, chính việc thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc dân chủ ở cơ sở trên địa bàn Thủ đô đã tạo ra bầu không khí dân chủ, cởi mở, phát huy tốt quyền làm chủ của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Qua đó, nhân dân ngày càng tích cực phát huy vai trò của mình trong xây dựng và củng cố chính quyền các cấp trên địa bàn TP Hà Nội; tham gia bàn bạc những công việc của địa phương, góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật, xây dựng Đảng, chính quyền và giám sát hoạt động của cán bộ, công chức, đảng viên khu dân cư; niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân ngày càng được củng cố, sự đồng thuận trong xã hội được nâng lên.
Còn nhiều việc cần làm
Trong các tham luận gửi về hội thảo khoa học với chủ đề “Phát huy dân chủ nhằm tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn Thủ đô Hà Nội” vừa diễn ra mới đây, các đại biểu tập trung làm rõ thực trạng phát huy dân chủ nhằm tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn Thủ đô Hà Nội trong thời gian qua và những vấn đề đặt ra; chỉ rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, đề xuất các biện pháp khắc phục.
Đồng chí PGS, TS Nguyễn Chí Hiếu, Trưởng ban Xây dựng Đảng, Tạp chí Cộng sản, cho rằng: “Để phát huy dân chủ ở cơ sở gắn với tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Các địa phương tiếp tục đẩy mạnh đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân để qua đó, phát huy dân chủ gắn với thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật, thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra”.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học cũng đề xuất một số biện pháp hiệu quả nhằm tăng cường dân chủ ở cơ sở, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tiêu biểu như: Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trình độ hiểu biết của cán bộ, đảng viên và nhân dân về dân chủ; làm tốt việc thể chế hóa, cụ thể hóa phương châm của Đảng thành các quy định chặt chẽ, đồng bộ, cụ thể trong hệ thống pháp luật; tăng cường công khai, minh bạch, dựa vào nhân dân để kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện công tác cán bộ; phát huy dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và trong xã hội, chống các biểu hiện cực đoan, dân chủ hình thức.
Đặc biệt, cần thực hiện hiệu quả mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn Thủ đô Hà Nội; nhanh chóng xây dựng Hướng dẫn việc sử dụng, quản lý và chế độ, chính sách đối với cán bộ khối Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội ở phường theo mô hình chính quyền đô thị để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, liên thông giữa quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; có hướng dẫn cụ thể thực hiện cơ chế tài chính của khối Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể phường khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị. Thông qua đó, dù không tổ chức HĐND ở cấp phường nhưng quyền dân chủ và giám sát của nhân dân vẫn được duy trì và ngày càng được nâng cao thông qua các hoạt động của một bộ máy chính quyền gọn nhẹ hơn, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn, cơ quan hành chính phường đã tích cực, chủ động điều hành quyết định nhanh những vấn đề cấp bách tại địa bàn trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm.
Có như vậy mới tăng cường được khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, huy động sự vào cuộc có trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của xã hội để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị TP Hà Nội ngày càng trong sạch, vững mạnh, phát triển Thủ đô Hà Nội nhanh và bền vững trong thời gian tới.