Đảng bộ tỉnh Gia Lai qua các kỳ đại hội - Kỳ 10: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX
Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai-Kon Tum lần thứ IX diễn ra từ ngày 21 đến ngày 26-10-1986 tại Pleiku.
Về dự và chỉ đạo Đại hội có đồng chí Trần Xuân Bách-Bí thư Trung ương Đảng. Tham dự Đại hội còn có đồng chí Bùi San-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng Đoàn Ủy ban MTTQ Việt Nam; đồng chí Võ Đông Giang-Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và 453 đại biểu chính thức thay mặt cho hơn 12.600 đảng viên của 14 Đảng bộ huyện, thị xã và 8 Đảng bộ trực thuộc tỉnh.
Đại hội đã kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội 5 năm qua, đánh giá kết quả đạt được, những khuyết điểm, nguyên nhân và đề ra mục tiêu, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 1986-1990.
Trong nhiệm kỳ 1981-1985, được sự quan tâm chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, sự hỗ trợ tích cực của các ngành Trung ương và sự giúp đỡ của các tỉnh bạn trong cả nước, đặc biệt là sự nỗ lực của Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh với tinh thần quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, cơ bản hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, giữ vững an ninh-quốc phòng, bảo vệ trật tự trị an do Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII đề ra.
Trên cơ sở nghiên cứu các quan điểm mới của Trung ương và kiểm điểm tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII của Đảng bộ tỉnh, Đại hội đã đề ra 5 mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh giai đoạn 1986-1990:
1. Ổn định và phát triển sản xuất nông, lâm, công nghiệp, trước hết là phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện. Đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm và phát triển cây công nghiệp nhằm tăng nhanh tốc độ sản xuất hàng hóa, phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Ổn định và từng bước cải thiện đời sống nhân dân, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang.
2. Hoàn thành định canh, định cư cho đồng bào dân tộc tại chỗ, gắn với tiếp nhận dân kinh tế mới. Đến năm 1990, đưa các hộ nông dân vào làm ăn tập thể dưới nhiều hình thức và bước đi thích hợp. Củng cố và tăng cường kinh tế quốc doanh và tập thể, giữ được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, coi trọng phát triển kinh tế hộ gia đình, sử dụng có hiệu quả các thành phần kinh tế khác.
3. Phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, xây dựng nếp sống văn hóa mới, con người mới xã hội chủ nghĩa. Tạo bước chuyển biến đáng kể về mặt xã hội, bảo đảm cho người lao động có việc làm và được phân phối công bằng, hợp lý, giảm hẳn sự chênh lệch quá đáng về mức sống giữa các tầng lớp dân cư. Khắc phục có hiệu quả những biểu hiện tiêu cực, những tệ nạn xã hội và tập tục lạc hậu ảnh hưởng xấu đến sản xuất và đời sống. Nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, làm cho đời sống ngày càng tốt hơn.
4. Sử dụng vốn tự có và vốn hỗ trợ của Trung ương, tiếp tục xây dựng một số cơ sở vật chất-kỹ thuật cần thiết phục vụ sản xuất và đời sống. Ưu tiên đầu tư nông nghiệp, nhất là sản xuất lương thực, thực phẩm, đồng thời đầu tư thỏa đáng phát triển cây công nghiệp và công nghiệp chế biến, nhằm tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Quan tâm đầu tư phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến cũ.
5. Tăng cường công tác an ninh, quốc phòng, giải quyết dứt điểm FULRO. Đánh bại chiến tranh phá hoại nhiều mặt và các âm mưu khác của địch trên địa bàn. Nhanh chóng xây dựng lực lượng vũ trang, công an đủ mạnh, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng pháo đài huyện, xã đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa IX gồm 58 đồng chí; trong đó có 45 đồng chí ủy viên chính thức và 13 đồng chí ủy viên dự khuyết. Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ nhất bầu Ban Thường vụ gồm 15 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Văn Sỹ (Ksor Krơn)-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được bầu lại làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum. Các đồng chí: Sô Lây Tăng, Nguyễn Văn Tiềm, Ngô Thành (Chinh) được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.