Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa: 90 năm truyền thống vẻ vang
Thành lập ngày 29/7/1930, trải qua 90 năm xây dựng, hoạt động và lãnh đạo phong trào cách mạng, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã giành được những thành tựu đáng tự hào.
Chiến khu Ngọc Trạo, một trong những địa chỉ đỏ trong phong trào cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa
Ngày 29/7/1930, tại làng Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân, được sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy Bắc Kỳ, 3 Chi bộ Cộng sản đầu tiên tại Thanh Hóa gồm: Chi bộ Hàm Hạ (Đông Sơn), Chi bộ Thiệu Toán (Thiệu Hóa) và Chi bộ Thọ Lập (Thọ Xuân) đã tổ chức Hội nghị hợp nhất và thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa.
Từ sự kiện này, phong trào cách mạng của tỉnh Thanh Hóa ngày càng phát triển và lớn mạnh, góp sức cùng cả nước làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành chính quyền về tay nhân dân.
Trước đó, thời kỳ tiền khởi nghĩa 1930 - 1945 đã diễn ra các cuộc đấu tranh chống khủng bố, khôi phục Đảng bộ và phong trào cách mạng trong tỉnh, hưởng ứng phong trào Xô- viết Nghệ Tĩnh. Các phong trào đấu tranh đòi quyền thành lập Hội, chống sưu cao thuế nặng của nông dân các phủ huyện khắp trong tỉnh…
Đầu năm 1940, sau đợt khủng bố của chính quyền thực dân, phong kiến, phong trào hoạt động cách mạng trên địa bàn tỉnh dần được khôi phục, các Đảng viên Cộng sản tại Thanh Hóa đã tổ chức thành lập các tổ chức Đảng, cử ra ban lãnh đạo lâm thời hoạt động độc lập. Đầu năm 1940, đồng chí Đào Duy Dếnh - cán bộ Xứ ủy Trung kỳ được cử ra Thanh Hóa, bắt liên lạc với đồng chí Lê Tất Đắc, Lưu Văn Bân, Phạm Đức Nhuận và một số đồng chí khác, tổ chức họp tại Bút Sơn (Hoằng Hóa), tiếp thu Nghị quyết 6 của Trung ương Đảng. Tại đây, đã thành lập Tỉnh ủy lâm thời do đồng chí Phạm Đức Nhuận làm Bí thư.
Cùng thời gian, tại khu vực Thọ Xuân – Thiệu Toán, một số đồng chí là cán bộ Xứ ủy Bắc kỳ vượt ngục Hỏa Lò trở về đã liên lạc với một số cơ sở Đảng khu vực, thành lập Tỉnh ủy lâm thời, đồng chí Trần Bảo được cử làm Bí thư. Sau đó, các tổ chức Đảng đã tổ chức Hội nghị đại biểu các cơ sở Đảng trong tỉnh, thành lập Tỉnh ủy lâm thời do đồng chí Trần Bảo làm Bí thư, lấy tờ báo “Tự Do” làm cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng bộ. Do có sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, phong trào cách mạng của tỉnh ngày càng phát triển. Nhiều huyện trong tỉnh xây dựng Mặt trận Phản đế cứu quốc, thành lập lực lượng vũ trang làng, xã. Trên cơ sở phát triển mạnh của cách mạng, tháng 6/1941, chiến khu du kích Ngọc Trạo được thành lập, cơ quan ấn loát của Tỉnh ủy cũng được chuyển về đây.
Sau một thời gian hoạt động, ngày 19/10/1941, quân Pháp huy động lực lượng mạnh tấn công Ngọc Trạo, do tương quan lực lượng, qua nhiều trận chiến ác liệt, du kích Ngọc Trạo đã phá vòng vây, rút lui về các địa phương. Chiến khu du kích đầu tiên trong cả nước bị tan rã.
Chi bộ Hàm Hạ, Đông Sơn, một trong 3 chi bộ Cộng sản đầu tiên tại Thanh Hóa
Sau chiến khu Ngọc Trạo, cuối năm 1942, Tỉnh ủy lâm thời Thanh Hóa bị địch khủng bố, tan rã. Năm 1942, các chiến sỹ cánh mạng trung kiên tiếp tục hoạt động, thành lập Ban liên lạc để củng cố cơ sở cách mạng. Tháng 7/1942, Tỉnh ủy lâm thời được tái thành lập do đồng chí Lê Tất Đắc làm Bí thư. Từ đây, phong trào cách mạng ngày càng lên cao, cuối năm 1942, Tỉnh ủy Thanh Hóa chuyển “Thanh Hóa ái quốc hội” thành “Mặt trận Việt Minh”, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, chuẩn bị chớp thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền. Các phong trào mua sắm vũ khí, chống vơ vét thóc gạo, chống nhổ lúa trồng đay, chống bắt phu, bắt lính, phá kho thóc… cùng các cuộc khởi nghĩa cục bộ nổi lên ở làng Yên Lộ, Đồn điền Đa Nẫm, Lạch Trường giành thắng lợi.
Ngày 24/7/1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thành công tại huyện Hoằng Hóa đã mở ra thời cơ lớn cho cách mạng. Sau sự kiện Nhật đầu hàng đồng minh, thực hiện chỉ thị của Trung ương, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã nắm thời cơ, phát động tổng khởi nghĩa trên toàn tỉnh, giành chính quyền vào ngày 18 và 19/8/1945.
Sau khi cách mạng thành công, cùng với cả nước Đảng bộ Thanh Hóa đã lãnh đạo nhân dân, bước vào thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước (1945 - 1975). Trải qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa đã có những đóng góp to lớn về sức người, sức của cho tuyền tuyến. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa là hậu phương lớn, đóng góp sức người sức của, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, được Bác Hồ khen ngợi: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”. Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Thanh Hóa vừa là hậu phương lớn vừa là trận địa chống chiến tranh phá hoại của kẻ thù. Những địa danh như Hàm Rồng, Lạch Trường, Nam Ngạn, Phà Ghép đã trở thành địa chỉ đỏ trong phong trào đấu tranh cách mạng của quân và dân ta. Chỉ tính riêng trong kháng chiến chống Mỹ, đã có 47.227 người con xứ Thanh nằm lại chiến trường và hơn 62.000 người là thương, bệnh binh.
Phát huy truyền thống của Đảng bộ trên quê hương anh hùng, bước vào thời kỳ đổi mới, xây dựng đất nước, đảng bộ, chính quyền và nhan dân các dân tộc Thanh Hóa lại tiếp tục đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu đạt được những thành quả to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Trong giai đoạn từ 2011 đến nay, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã phát huy nội lực, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh, tranh thủ thu hút đầu tư, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đạt được những thành quả to lớn, đồng bộ trên mọi lĩnh vực.
Diện mạo Thanh Hóa ngày càng khởi sắc
Trong đó, năm 2019 đã ghi dấu ấn với hàng loạt con số ấn tượng như: lần đầu tiên tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 17,15%, thuộc nhóm có tốc độ cao nhất cả nước. Thu ngân sách đạt 28.806 tỷ đồng, gấp 2,5 lần năm 2015 và gấp 6,5 lần năm 2010. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao, đến nay có 6 huyện, 367 xã và 917 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới, vượt mục tiêu đề ra; sản xuất công nghiệp, dịch vụ tiếp tục tăng trưởng mạnh, giá trị xuất khẩu đạt 3,72 tỷ USD, tăng 27,6%, huy động vốn đầu tư phát triển đạt 125.000 tỷ đồng, tăng 22,6%.
Chương trình xây dựng nông thôn mới của Thanh Hóa nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước, đã có 8 huyện, TP, gần 376 xã (đạt 64,4%), gần 1.000 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới (vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra). Tỉnh cũng thực hiện sắp xếp xong 143 đơn vị hành chính cấp xã thành 67 đơn vị (giảm 76 xã).
Nhờ hội tụ được các điều kiện, cơ hội mà trong nhiệm kỳ 2015-2020, tỉnh Thanh Hóa đã có những phát triển vượt bậc, có thể nhìn thấy rõ qua số thu ngân sách nhà nước tăng không ngừng qua từng năm. Cụ thể, năm 2015 Thanh Hóa thu ngân sách mới đạt 11.000 tỉ đồng; năm 2016 là 11.300 tỉ đồng; năm 2017 là 13.300 tỉ đồng. Đặc biệt, năm 2018, lần đầu tiên Thanh Hóa thu ngân sách cao kỷ lục, lên tới 23.464 tỉ đồng; năm 2019 là hơn 28.000 tỉ đồng; năm 2020, ước tính gần 29.000 tỉ đồng (đứng thứ 11 cả nước). Ngoài ra, quy mô nền kinh tế lớn gấp 4,5 lần so với năm 2010, từng bước trở thành một cực tăng trưởng mới của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước. Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2018 là 15,16%, năm 2019 là 17,15% (toàn nhiệm kỳ là 12,1%), đứng đầu Bắc Trung Bộ và thuộc nhóm các tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất nước.
Đặc biệt, ngày 17/7/2020, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa, chính thức thông qua đề án "Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Tại cuộc họp, Bộ Chính trị nhất trí ban hành Nghị quyết về "Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", khẳng định quan điểm của Đảng về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Thanh Hóa đối với khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước, tạo sự thống nhất cao trong tư tưởng và nhận thức của các cấp, các ngành, từ đó xác định những giải pháp mới, đột phá, thu hút mọi nguồn lực vật chất và tinh thần để tỉnh hiện thực hóa mục tiêu đã đề ra.
Ngày 17/7/2020, Bộ Chính trị đã nhất trí ban hành Nghị quyết về "Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Trong nhiệm kỳ tới, Thanh Hóa sẽ tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử, khát vọng thịnh vượng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở tập trung phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 5 trụ cột tăng trưởng, 6 hành lang kinh tế và 6 vùng liên huyện; tiếp tục coi phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là nền tảng, công nghiệp là then chốt, dịch vụ là quan trọng..., phấn đấu đến năm 2025 vào nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.