Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa với công tác xây dựng Đảng về đạo đức qua các thời kỳ cách mạng

Trong di sản của mình, Hồ Chí Minh chưa dùng cụm từ 'xây dựng Đảng về đạo đức'. Trong tác phẩm Thường thức chính trị năm 1953, Người đề cập xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị, tổ chức. Nhưng nhìn một cách tổng thể, gắn Đảng với đạo đức, có thể thấy Người quan tâm tới đạo đức khi bàn về Đảng từ sớm và xuyên suốt cả cuộc đời.

Các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Phạm Thanh Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho các tập thể đã có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2019. Ảnh: Minh Hiếu

Ngay từ khi chuẩn bị các yếu tố cho sự ra đời của Đảng, Người đã đặt lên hàng đầu tư cách của một người cách mạng. Khi bàn về sửa đổi lối làm việc, Người đề cập đến tư cách và đạo đức cách mạng, coi đạo đức cách mạng là phận sự của đảng viên và cán bộ. Người nói đến “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Trong Di chúc, Người khẳng định “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch. Phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”.

Xây dựng Đảng về đạo đức lần đầu tiên chính thức được đề cập trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng (1-2016). Đảng ta khẳng định “Tập trung thực hiện mục tiêu: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”. Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đề cập rõ nội dung xây dựng Đảng về đạo đức.

Căn cứ vào các văn kiện của Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta nhận thức xây dựng Đảng về đạo đức nói chung, của Đảng bộ Thanh Hóa nói riêng với các nội dung cụ thể sau: Một là, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện nghiêm các chỉ thị của đảng bộ về thực hiện các lời dạy của Bác; hai là, Thực hiện, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của đảng bộ; ba là, phát huy vai trò gương mẫu trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp, người đứng đầu gắn với chống suy thoái về đạo đức, lối sống, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng, cơ hội, “lợi ích nhóm”; bốn là, giữ nghiêm kỷ luật, tự phê bình và phê bình, sơ kết, tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến, các phong trào thi đua yêu nước.

Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa ra đời năm 1930 đến năm 2020 tròn 90 năm. Thời kỳ trước đổi mới, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa tiến hành 11 đại hội, bắt đầu từ Đại hội lần thứ nhất (2-1948) đến năm 1986. Thời kỳ từ đổi mới đến nay, Đảng bộ Thanh Hóa tiến hành 7 đại hội. Căn cứ vào các văn kiện của Đảng, đặc biệt Văn kiện Đại hội XII và Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; căn cứ vào tư tưởng Hồ Chí Minh, trở lại với các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, chúng ta có thể nhận thức một số nội dung chủ yếu trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, như sau:

Giai đoạn 1930 - 1954: Đây là giai đoạn Đảng bộ Thanh Hóa tiến hành và thực hiện nghị quyết các Đại hội I, II, III, IV. Nhiệm vụ chính trị xuyên suốt được phản ánh rõ nét trong các nghị quyết các đại hội là thực hiện chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” của Trung ương và Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu”. Đại hội đã ra nghị quyết về “Xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu, thành hậu phương vững mạnh của cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, cung cấp sức người sức của cho chiến trường, tổ chức chiến đấu tại chỗ thắng lợi, bảo vệ vững chắc hậu phương trong mọi tình huống”.

Ngay trong Đại hội II (4-1949), khi nêu phương hướng xây dựng Thanh Hóa thành căn cứ, hậu phương, xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, kinh tế, chính trị, văn hóa, đảng bộ đã nêu giải pháp về xây dựng Đảng, coi đây vừa là nhiệm vụ vừa là phương thức để thực hiện các nhiệm vụ khác. Bởi vì, có xây dựng Đảng vững mạnh, trong đó chất lượng chính trị, đạo đức của đảng viên được nâng cao thì Đảng mới có thể lãnh đạo hoàn thành các nhiệm vụ khác.

Đáng chú ý là khi cuộc kháng chiến của cả dân tộc tiến hành được bốn năm, chuẩn bị bước vào một thời kỳ mới, tại Đại hội lần thứ III (7-1950) và IV (5-1952), Đảng bộ Thanh Hóa trong khi khẳng định tiếp tục nhiệm vụ chính trị xây dựng, bảo vệ, căn cứ địa cách mạng của cuộc kháng chiến với việc phát động phong trào thi đua yêu nước “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng”, đã đề cao việc tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đề ra nhiệm vụ xây dựng hậu phương vững mạnh theo lời Bác dặn khi Người về thăm Thanh Hóa tháng 2-1947.

Có thể khẳng định qua bốn kỳ đại hội, trong khi cùng cả nước thực hiện nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân, Đảng bộ Thanh Hóa đã hoàn thành trọng trách của một tỉnh được xác định là căn cứ địa, hậu phương của cả nước, góp phần cùng toàn dân làm nên chiến thắng lẫy lừng trong cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược. Nổi bật nhất của đảng bộ trong giai đoạn này, xét dưới công tác xây dựng Đảng về đạo đức - là xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm của đảng bộ, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự giác, nêu gương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đảng bộ đã giáo dục đảng viên, cán bộ thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về những nội dung xây dựng Thanh Hóa kiểu mẫu và sớm đề ra các giải pháp về xây dựng Đảng trong đó có những khía cạnh về đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên.

Giai đoạn 1954 - 1975: Đây là giai đoạn Đảng bộ Thanh Hóa cùng Nhân dân miền Bắc xây dựng CNXH và cùng đồng bào miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Giai đoạn này, Đảng bộ Thanh Hóa tiến hành 4 kỳ đại hội, đó là các Đại hội V, VI, VII, VIII. Mỗi một đại hội có nhiệm vụ cụ thể, nhưng nhìn chung nhiệm vụ chính trị xuyên suốt của Đảng bộ Thanh Hóa hơn 20 năm là tiến hành cách mạng XHCN, xây dựng quan hệ sản xuất mới, thực hiện nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước.

Thành công nổi bật trong nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức giai đoạn này là đảng bộ bám sát nhiệm vụ chính trị chung của đất nước được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9-1960), đó là xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà. Làm rõ nội dung của Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài Diễn văn khai mạc và bế mạc đại hội.

Ngay tại Đại hội lần thứ V (3-1961), Đảng bộ Thanh Hóa khi đề ra kế hoạch 5 năm 1961 - 1965 đã xác định đảng bộ phải lãnh đạo chính trị, tư tưởng, tổ chức. Tại Đại hội VI (7-1963), khi đề ra kế hoạch 3 năm 1963 - 1965, đảng bộ đã khẳng định nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và thông qua lời kêu gọi cán bộ, đảng viên, Nhân dân thi đua thực hiện và hoàn thành tốt kế hoạch 5 năm 1961 - 1965.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, tại Đại hội VII (11-1969), đảng bộ đã nêu quyết tâm phấn đấu thực hiện tốt Di chúc của Người. Tiếp đó, sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, trong Đại hội VIII (5 - 1975), cùng với việc khẳng định tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học - kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hóa, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt, đảng bộ chỉ đạo thực hiện hai phong trào lớn, đó là phong trào lao động sản xuất, cần kiệm xây dựng CNXH và phong trào học tập. Đại hội đã phát động đợt hoạt động 55 ngày “Tiến vào thời kỳ mới”.

Điểm nhấn trong giai đoạn này, với các nghị quyết của đại hội đảng bộ, sự tham mưu của ban tuyên giáo, các cấp ủy đảng đã ban hành nhiều chủ trương, biện pháp về công tác chính trị tư tưởng, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên nâng cao chất lượng mọi mặt, để thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được thông qua tại Đại hội Đảng bộ lần thứ VII.

Giai đoạn 1975 - 1985: Giai đoạn mười năm sau khi đất nước thống nhất, Thanh Hóa cùng Nhân dân hai miền Nam - Bắc bắt tay vào xây dựng CNXH trên phạm vi cả nước. Đây là giai đoạn từ đỉnh cao của niềm vui chiến thắng, chúng ta từng bước “trượt dốc” bởi những khó khăn về mọi mặt. Đảng ta tiến hành Đại hội IV (12 - 1976) “khi đất nước ta bước vào kỷ nguyên chưa từng có trong lịch sử dân tộc. Đó là kỷ nguyên một nước Việt Nam độc lập, thống nhất hoàn toàn và vĩnh viễn, một nước Việt Nam XHCN đang tiến tới giàu mạnh, văn minh”. Đại hội nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng, củng cố Đảng trong Di chúc; khẳng định quyết tâm xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Hồ Chủ tịch hằng mong ước. Đại hội V (3-1982) sau khi khẳng định những thành quả đạt được từ Đại hội IV, đã thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm, sai lầm về lãnh đạo và quản lý; về tổ chức và chỉ đạo thực hiện; chủ quan, nóng vội, bảo thủ, trì trệ, tóm lại do chưa nắm chắc quy luật của quá trình tiến từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn XHCN.

Trong bối cảnh đó, đảng bộ các địa phương, ở các mức độ và tính chất khác nhau, cũng không thoát khỏi cái say sưa thắng lợi, vừa chủ quan, vừa trì trệ. Đảng bộ Thanh Hóa tiến hành 4 đại hội: IX (11-1976 và 5-1977), X (10-1979), XI (11-1982 và 4-1983) và XII (10-1986). Những nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức được phản ánh trong các đại hội rõ nét nhất là Đảng bộ Thanh Hóa đã phát động phong trào thi đua yêu nước ngay từ những năm đầu sau giải phóng miền Nam. Đó là phong trào thi đua yêu nước năm 1976 và quý I-1977 được nêu lên trong Đại hội Đảng bộ lần thứ IX. Các đại hội đảng bộ tỉnh tiếp theo, để thực hiện nhiệm vụ chung của Đảng được xác định ở Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV và V, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã ra Lời kêu gọi đảng viên, đoàn viên, đồng bào, chiến sĩ lực lượng vũ trang đẩy mạnh mọi mặt hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, làm cho Thanh Hóa vững về chính trị, kinh tế, quốc phòng. Dưới ánh sáng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V, tại vòng II Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (4-1983), Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa tiếp tục phát động phong trào thi đua 3 tốt: Sản xuất, tiết kiệm tốt; đảm bảo đời sống Nhân dân tốt; đóng góp cho Nhà nước, đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự tốt, chặn đứng, đẩy lùi tiêu cực tốt. Những chỉ đạo của Đảng bộ Thanh Hóa đã thể hiện và góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ Thanh Hóa, cùng toàn Đảng, toàn dân cả nước bước vào thời kỳ mới.

Giai đoạn 1986 - 2020: Dưới ánh sáng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (12-1986), luồng gió mới thổi tới các địa phương. Sau Đại hội XII (10-1986), Đảng bộ Thanh Hóa tiến hành 6 đại hội dưới ánh sáng các Đại hội VII, VIII, IX, X, XI, XII của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Công tác xây dựng đảng bộ về đạo đức vẫn tập trung xuyên suốt ở việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh, nói ngắn gọn là nhiệm vụ chính trị hiểu theo nghĩa rộng, tức là thực hiện sứ mệnh chính trị của đảng bộ, nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của Nhân dân toàn tỉnh. Với trục xuyên suốt đó, từ Đại hội XV (1-2001), đảng bộ đã nêu khẩu hiệu - chủ đề của đại hội là “Trí tuệ - Dân chủ - Đoàn kết - Đổi mới”. Để thực hiện tốt, có hiệu quả đường lối của Đảng, Đảng bộ Thanh Hóa xuất phát từ tình hình, nhiệm vụ thực tế của địa phương, lấy những lời dạy của Hồ Chủ tịch làm nền tảng tư tưởng để xây dựng đảng bộ. Trong chỉ đạo chung thực hiện đường lối đổi mới, từ năm 2001, Đảng bộ Thanh Hóa đề ra chủ trương xây dựng quê hương Thanh Hóa nhanh chóng thành tỉnh giàu đẹp, kiểu mẫu theo lời Bác Hồ dạy. Trên cơ sở đó, bắt đầu từ Đại hội XVI (12-2005), Đảng bộ Thanh Hóa đẩy mạnh việc thực hiện nhiệm vụ chính trị trên cơ sở vận dụng sáng tạo lời dạy của Bác. Đảng bộ Thanh Hóa quyết tâm xây dựng tỉnh thành tỉnh phát triển khá khu vực Bắc Trung bộ, đến năm 2020 cơ bản thành tỉnh công nghiệp với 5 chương trình trọng tâm.

Từ Đại hội XVII (10-2010), tiếp tục bám sát quan điểm thực hiện tốt lời Bác dặn năm 1947, Đảng bộ Thanh Hóa có những điều chỉnh theo hướng mở rộng chiều rộng và chú trọng chiều sâu 5 chương trình trọng tâm, đồng thời về mặt xây dựng Đảng về đạo đức, đưa ra những chỉ tiêu cụ thể về xây dựng Đảng và đội ngũ đảng viên, cán bộ. Cụ thể: 80% tổ chức cơ sở đảng hằng năm trong sạch, vững mạnh, phấn đấu không có tổ chức cơ sở nào yếu kém.

Đáng chú ý là trong giai đoạn từ năm 2001 (Đại hội XV) trở đi, Đảng bộ Thanh Hóa tích cực chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 23-CT/TW ngày 27-3-2003 về Đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới; Chỉ thị 06-CT/TW, ngày 7- 11-2006 về tổ chức cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Chỉ thị 03-CT/TW ngày 14-5-2011 về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị của Bộ Chính trị là một nội dung trọng yếu trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức được Đảng bộ Thanh Hóa hết sức chú trọng. Trong nhiệm kỳ Đại hội XIV, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU, ngày 21-7-2014 về tiếp tục đổi mới, nâng cao công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh tiên tiến vào năm 2020.

Thực hiện Quy định 101-QĐ/TW của Ban Bí thư, Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định 1089-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, góp phần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương.

Đại hội XVIII (9-2015) của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa có ý nghĩa quan trọng, không chỉ góp phần vào Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam (4-2016) mà còn lập thành tích kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng bộ Thanh Hóa. Tại đại hội này, đảng bộ đưa ra chủ đề: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng bộ, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tranh thủ thời cơ, vận hội mới, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh khá của cả nước, đến năm 2030 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại”. Đại hội cũng kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI.

Triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVIII, từ tháng 9-2015 đến nay, trong khi chỉ đạo nhiệm vụ xuyên suốt về phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ Thanh Hóa đặc biệt chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức, xác định cùng với tư tưởng, chính trị, tổ chức, đảng bộ có trong sạch, vững mạnh về đạo đức thì mới đủ sức lãnh đạo. Vì vậy trong các nghị quyết, quyết định, Tỉnh ủy rất chú trọng đổi mới nội dung, phương thức học tập Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo tổ chức học tập, hằng năm đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Gắn với nhiệm vụ này, Đảng bộ Thanh Hóa đã chú trọng biểu dương điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; có những chỉ đạo cách làm sáng tạo như phát hành bộ sách “Những điển hình trong học tập và làm theo Bác Hồ”, từ đó có điều kiện nhân rộng, tuyên truyền điển hình tiên tiến. Gắn với việc nêu gương “người tốt, việc tốt”, “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, đảng bộ chú trọng chỉ đạo thực hiện nghiêm việc đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, ‘tự chuyển hóa” trong Đảng, kịp thời nắm bắt dư luận, phát hiện, xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm; giáo dục, khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên Thanh Hóa. Đảng bộ Thanh Hóa chú trọng, tăng cường công tác kiểm tra việc triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của đảng bộ ở cơ sở.

Nhìn chung lại, qua các thời kỳ cách mạng với các nhiệm vụ khác nhau, Đảng bộ Thanh Hóa đã thể hiện rõ trách nhiệm của mình trong việc xây dựng Đảng về mọi mặt, trong đó chú trọng nội dung đạo đức. Các nội dung về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên bao gồm tự phê bình và phê bình trong Đảng, biểu dương người tốt, việc tốt, kỷ luật đảng viên; thực hiện kiểm tra trong Đảng... đều phục vụ thực hiện nhiệm vụ chính trị xuyên suốt là xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu theo mong muốn của Bác Hồ kính yêu, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

PGS.TS Bùi Đình Phong

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/bao-hang-thang/dang-bo-tinh-thanh-hoa-voi-cong-tac-xay-dung-dang-ve-dao-duc-qua-cac-thoi-ky-cach-mang/122214.htm