Đảng bộ tỉnh thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên mới
Xác định công tác phát triển đảng viên là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng. Thời gian qua, các cấp ủy đảng đặc biệt chú trọng và triển khai nhiều giải pháp trong công tác tạo nguồn, quy hoạch phát triển đảng viên. Kết quả, từ năm 2016 đến nay, năm nào Đảng bộ tỉnh cũng hoàn thành chỉ tiêu phát triển đảng viên mới theo Nghị quyết năm, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra.
Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 11-11-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, thời gian qua, song song với công tác củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới thì công tác kết nạp đảng viên mới được cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm thực hiện tốt, nhằm không ngừng bổ sung đội ngũ kế thừa và phát triển liên tục của Đảng mà còn là một yêu cầu khách quan có tính quy luật trong quá trình hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Những nhân tố tiêu biểu trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước ở MTTQ và các hội, đoàn thể chính trị - xã hội là nguồn bổ sung đội ngũ kế thừa cho tổ chức đảng. Ảnh: H.LAN
Để đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra, cấp ủy các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển đảng viên mới, xây dựng kế hoạch tạo nguồn và thực hiện đầy đủ các bước từ công tác tạo nguồn, bồi dưỡng đến quy trình kết nạp theo đúng quy định, hướng dẫn của Trung ương. Trong quy hoạch, chú trọng lựa chọn những quần chúng ưu tú, nhất là đội ngũ trí thức, người lao động trong các thành phần kinh tế, cán bộ khoa học kỹ thuật, đoàn viên, hội viên ở khu dân cư, người có đạo, nữ, dân tộc… để tạo nguồn kết nạp đảng viên mới. Cụ thể là chỉ đạo các đoàn thể chính trị - xã hội thường xuyên phát động các phong trào thi đua, tạo môi trường thuận lợi để quần chúng rèn luyện, phấn đấu, qua đó lựa chọn những đoàn viên, hội viên ưu tú để giáo dục, chăm bồi, giới thiệu cho Đảng xem xét, kết nạp. Củng cố, phát triển tổ chức công đoàn và đoàn thanh niên trong các trường học, các công ty, doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước nhằm tạo nguồn trong học sinh, sinh viên, người trực tiếp lao động sản xuất, chủ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các cấp ủy thực hiện thẩm tra, xác minh lý lịch của người xin vào Đảng cẩn trọng, chu đáo theo đúng chủ trương, hướng dẫn của trên; mỗi đảng viên cũng được quán triệt đầy đủ, sâu sắc về trách nhiệm nêu gương trong thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước; phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có ý thức kỷ luật và hoàn thành tốt nhiệm vụ… từ đó góp phần nâng cao số lượng, chất lượng nguồn đảng viên mới kết nạp.
Kết quả, tính từ đầu nhiệm kỳ đến tháng 8 năm 2020, các cấp ủy đã kết nạp mới 9.287 đảng viên, nâng tổng số đảng viên của toàn Đảng bộ lên trên 46.000 đảng viên, tăng 7.899 đảng viên so với năm 2015; tăng 5.747 đảng viên so với năm 2016, thời điểm bắt đầu triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU của Tỉnh ủy, trong đó, đảng viên nữ 14.664 đồng chí, dân tộc thiểu số 8.534 đồng chí, tôn giáo 2.847 đồng chí, doanh nghiệp 1.744 đồng chí… Từ những số liệu cụ thể, có thể thấy các cấp ủy chú trọng công tác phát triển đảng viên là người dân tộc, tôn giáo và tại các doanh nghiệp, đã góp phần thay đổi cơ cấu đội ngũ đảng viên trong từng chi, đảng bộ, tăng cường vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên tại những địa bàn có đông đồng bào dân tộc, người có đạo, thể hiện vai trò lãnh đạo của đảng viên trong doanh nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và công tác xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở. Đơn cử như huyện Long Phú, trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ huyện không chỉ thực hiện đạt chỉ tiêu phát triển đảng viên mà còn tăng cường công tác phát triển đảng viên là người Khmer. Hiện tổng số đảng viên của Đảng bộ huyện Long Phú 3.163 đảng viên, trong đó đảng viên người dân tộc thiểu số là 580, trong đó có 553 đảng viên người Khmer, chiếm trên 17% tổng số đảng viên toàn huyện. Hàng năm, thông qua các phong trào thi đua yêu nước, các hội, đoàn thể giới thiệu, chăm bồi các nhân tố điển hình tiêu biểu để giới thiệu cho Đảng xem xét, kết nạp. Do vậy, phần lớn đảng viên đều trưởng thành từ cơ sở, thực tiễn công tác nên có kinh nghiệm và sự nhiệt tình, tâm huyết với công việc và đi đầu gương mẫu trong thực hiện các phong trào của địa phương, nhiều đồng chí được Đảng tin tưởng giao giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các cơ quan Đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội trong huyện, góp phần tích cực trong thực hiện có hiệu quả đề án củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở vùng có đông đồng bào dân tộc.
Qua đánh giá hàng năm, hầu hết đảng viên đều thể hiện được tính tiên phong, gương mẫu trong công tác và cuộc sống; công tác kiểm điểm, tự phê bình, phê bình và đánh giá, thực sự là những hạt nhân chính trị, trung tâm đoàn kết, tấm gương sáng trong cơ quan, đơn vị, khu dân cư.
Tuy nhiên, vẫn còn một số đảng viên có biểu hiện sa sút ý chí chiến đấu, vi phạm tư cách, phẩm chất, đạo đức, lối sống, suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; có việc làm, phát ngôn sai nguyên tắc, trái cương lĩnh, đường lối, Điều lệ Đảng; vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước… Chính những khiếm khuyết, yếu kém đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Vì vậy, trong nhiệm kỳ tới, cùng với triển khai thực hiện các giải pháp phát triển đảng viên đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra thì công tác sàng lọc, loại ra khỏi hàng ngũ của Đảng những đảng viên không đủ tư cách là việc làm cần thiết, cấp bách, nhằm xây dựng tổ chức đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.