Đảng bộ xã Mường Giàng lãnh đạo phát triển kinh tế

Cùng với nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, Đảng bộ xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai đã tập trung lãnh đạo nhân dân khai thác tiềm năng, thế mạnh địa phương để nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, phát triển kinh tế theo hướng bền vững.

Người dân xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai phát triển cây cà phê.

Người dân xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai phát triển cây cà phê.

Đồng chí Bạc Thị Như, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Mường Giàng, nói: Đảng bộ xã có 898 đảng viên, sinh hoạt ở 23 chi bộ trực thuộc. Đảng ủy xã đã xây dựng và ban hành nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh phát triển KT-XH; tranh thủ và sử dụng lồng ghép hiệu quả nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Chú trọng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng đầu tư phát triển kinh tế; đảng viên nêu cao tinh thần gương mẫu đi đầu trong việc áp dụng KH-KT vào sản xuất, nâng cao đời sống để người dân học, làm theo. Bám sát vào nghị quyết của cấp ủy, mỗi cán bộ, đảng viên trong xã luôn nhận thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm của mình trong nhiệm vụ lãnh đạo nhân dân thực hiện thành công các mục tiêu nghị quyết đề ra.

Bản Mường Giàng có nhiều mô hình kinh tế đa dạng, từ chăn nuôi gia súc, trồng cây ăn quả. Ông Lò Văn Phánh, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản, thông tin: Bản có 152 hộ, hầu như hộ nào trong bản cũng nuôi trâu, bò nhốt chuồng, hộ ít thì 2-3 con, nhiều có cả chục con, tổng đàn trâu, bò đang có gần 400 con. Ngoài chăn nuôi, người dân tập trung thâm canh hơn 90 ha ngô, sắn, gần 10 cà phê, cây ăn quả; 16 ha lúa nước 2 vụ. Năng động trong phát triển kinh tế, nhiều hộ có thu nhập gần 200 triệu đồng/năm, hiện cả bản chỉ còn 4 hộ nghèo.

Đảng viên Tòng Văn Thưởng, Chi bộ bản Mường Giàng, cho biết: Trước đây, gia đình có gần 3 ha đất, chủ yếu là trồng ngô, sắn, lúa nương. Do kỹ thuật canh tác lạc hậu, nên hiệu quả kinh tế không cao. Phát huy vai trò tiên phong của đảng viên, tôi đã vận động, gia đình đưa giống mới vào sản xuất và chuyển đổi một số diện tích sang trồng cây ăn quả. Đến nay, gia đình có 1,7 ha ngô, sắn và 1 ha cây ăn quả; nuôi 4 con bò, 3 con lợn nái, mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng.

Ở xóm 5, do điều kiện diện tích đất sản xuất hạn chế, bà con chủ yếu làm kinh doanh dịch vụ, Chi bộ xóm 5 đã tập trung tuyên truyền vận động bà con tích cực phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp, xây dựng đời sống văn hóa, phấn đấu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu... Ông Điêu Chính Hoàng, Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm 5, cho biết: Xóm có trên 70% số hộ làm kinh doanh, dịch vụ; thu nhập đạt 36 triệu đồng/người/năm; hiện chỉ còn 5 hộ cận nghèo. Bám sát 12 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, Chi bộ, Ban quản lý xóm đã tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Đến nay, 100% số hộ chăn nuôi có chuồng, trại đảm bảo vệ sinh môi trường; 100% ngõ xóm đều có hệ thống điện chiếu sáng công cộng; duy trì 1.000 m² chiều dài tuyến đường hoa tạo không gian xanh mát; 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường; 98% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Qua rà soát, đánh giá, xóm đạt 9/12 tiêu chí xây dựng NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025.

Hiện nay, xã Mường Giàng đang chăm bón trên 55 ha sa nhân, hơn 200 ha cây ăn quả, 4 ha sả java; có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3, 4 sao OCOP cấp tỉnh (cá tép dầu, trà cỏ ngọt). Đồng thời, duy trì hoạt động 17 HTX trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; khai thác hiệu quả 16,5 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản với 223 lồng cá, sản lượng đánh bắt trên 70 tấn/năm; chăn nuôi hơn 3.100 con trâu, bò; quản lý, bảo vệ 3.094 ha rừng. Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo trong xã giảm xuống còn 2,25%.

Tạo đà xây dựng xã đạt NTM nâng cao, Đảng bộ xã Mường Giàng tiếp tục lãnh đạo nhân dân huy động nguồn lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thương mại dịch vụ; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với chuỗi giá trị, sản xuất, hình thành vùng hàng hóa tập trung. Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm với các loại giống chất lượng, quy mô tổng đàn phù hợp, đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường; tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân phát triển kinh doanh thương mại và các loại hình dịch vụ, quyết tâm đưa kinh tế của địa phương phát triển nhanh, bền vững.

Trần Hiền

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/dang-bo-xa-muong-giang-lanh-dao-phat-trien-kinh-te-54471