Đảng bộ xã Mường Khiêng lãnh đạo phát triển kinh tế

Những năm qua, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở Đảng bộ xã Mường Khiêng, huyện Thuận Châu được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc và đi vào nề nếp. Cùng với tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, Đảng bộ xã đã ban hành nhiều nghị quyết, lãnh đạo nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác tiềm năng, thế mạnh địa phương để phát triển kinh tế theo hướng bền vững.

Mô hình nuôi cá lồng của người dân bản Huổi Pản.

Mô hình nuôi cá lồng của người dân bản Huổi Pản.

Là xã vùng III còn nhiều khó khăn của huyện Thuận Châu, Mường Khiêng có 2.119 hộ, gần 10.000 nhân khẩu sinh sống tại 26 bản, trong đó có 19 bản đặc biệt khó khăn, 5 bản tái định cư thủy điện Sơn La. Đảng bộ xã có 321 đảng viên, sinh hoạt tại 32 chi bộ. Đảng bộ xã đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế, đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. UBND xã, các đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và đưa những cây, con giống mới năng suất cao vào sản xuất; tạo điều kiện để người dân được tiếp cận với các nguồn vốn phát triển kinh tế. Đến nay, các tổ chức, đoàn thể nhận ủy thác với các ngân hàng cho 931 hộ#dân vay vốn với tổng dư nợ gần 31 tỷ đồng. Nhờ đó, toàn xã hiện có trên 380 ha cây ăn quả; trong đó 37 ha xoài được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu. Ngoài ra, bà con khai thác lợi thế vùng lòng hồ để phát triển hơn 14 ha cá; chăn nuôi hơn 4.700 con trâu, bò.

Đồng chí Lò Văn Thoa, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã, cho biết: Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế, Đảng ủy phân công các đồng chí đảng ủy viên hàng tháng về dự sinh hoạt cùng chi bộ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, tìm ra tiềm năng, lợi thế của cơ sở để kịp thời đưa ra giải pháp phù hợp trong chỉ đạo phát triển kinh tế. Các đảng viên trong xã nêu cao tinh thần gương mẫu, đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm.

Chúng tôi đến thăm bản Huổi Pản, là bản tái định cư thủy điện Sơn La. Bản có 74 hộ, trên 350 nhân khẩu, sau 16 năm an cư trên quê mới, Ban quản lý bản đã phối hợp với cán bộ khuyến nông xã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, khai thác tiềm năng vùng lòng hồ để nuôi cá lồng.

Anh Vì Văn Nghiêm, người dân trong bản, cho biết: Năm 2016, gia đình tôi đã đầu tư 200 triệu đồng làm 8 lồng cá, mỗi năm xuất bản hơn 3 tấn, thu nhập bình quân mỗi lồng trên 40 triệu đồng. Chúng tôi được xã tạo điều kiện thành lập HTX Huổi Pản, với 32 thành viên để liên kết các hộ tham gia nuôi tập trung và tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm; tổng thu nhập của HTX đạt trên 2 tỷ đồng/năm.

Còn anh Cà Văn Yên, Phó Bí thư Chi bộ bản Bon, chia sẻ: Thực hiện định hướng phát triển kinh tế của Đảng bộ xã, đầu năm 2017, chúng tôi đã vận động bà con thành lập HTX Bản Bon để liên kết các hộ trồng xoài. Đến nay, HTX có 74 thành viên, trồng 65 ha xoài Đài Loan, sản lượng vụ vừa qua đạt hơn 200 tấn, trong đó xuất khẩu 50 tấn sang thị trường Trung Quốc, thu nhập của các thành viên đạt 50 triệu đồng/năm.

Dẫu còn khó khăn nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân, xã Mường Khiêng đã đạt được nhiều kết quả trong phát triển kinh tế, xã hội, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 3-4%/năm, đến nay, xã đạt 9/19 tiêu chí về nông thôn mới. Đây là những điều kiện quan trọng để xã thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.

Trung Hiếu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/dang-bo-xa-muong-khieng-lanh-dao-phat-trien-kinh-te-45428