Đảng bộ xã Ngọc Đồng: Dấu ấn chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển
Ngọc Đồng là xã miền núi khu vực III của huyện Yên Lập. Trải qua các giai đoạn lịch sử, địa danh, địa giới hành chính của xã đã có nhiều thay đổi. Trong đó, dấu mốc quan trọng nhất đối với Ngọc Đồng là từ ngày 19/5/1954, Chính phủ quyết định chia tách xã Đại La thành hai xã là Địch Quả (huyện Thanh Sơn) và Ngọc Đồng (huyện Yên Lập).
Cùng với sự chia tách về địa giới hành chính, 16 đảng viên thuộc xã Ngọc Đồng, trước kia sinh hoạt ở Chi bộ Đại La được tách ra để thành lập Chi bộ Ngọc Đồng trực thuộc Đảng bộ huyện Yên Lập. Từ đó đến nay, trên chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ và Nhân dân xã Ngọc Đồng đã phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, vượt qua nhiều khó khăn, giành nhiều thành quả quan trọng, tạo chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Ngay từ khi thành lập, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Yên Lập, Chi bộ Ngọc Đồng đã lãnh đạo chính quyền, đoàn thể và Nhân dân tích cực thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ, vừa là hậu phương vững chắc chi viện cho tiền tuyến, vừa tập trung phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Ngày 10/10/1976, Chi bộ Ngọc Đồng tổ chức Đại hội lần thứ XV, thông qua quyết định của Huyện ủy về việc thành lập Đảng bộ xã Ngọc Đồng và bầu BCH Đảng bộ khóa mới với 9 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Đình Khoa là Bí thư Đảng ủy.
Trải qua các kỳ đại hội, Đảng bộ xã Ngọc Đồng đã đề ra các chủ trương, nghị quyết để lãnh đạo phong trào cách mạng phù hợp với thực tiễn địa phương, đưa xã phát triển vững chắc. Trong quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, Đảng bộ xã luôn xác định: Lấy phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, lấy văn hóa tinh thần làm mục tiêu. Trên cơ sở đó, Đảng bộ đề ra nhiều nghị quyết, giải pháp phù hợp để phát huy tốt tiềm năng lợi thế của địa phương, tranh thủ thời cơ, sự giúp đỡ của lãnh đạo huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội như: Tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, cải cách thủ tục hành chính, đầu tư kinh doanh, khuyến khích phát triển ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ có lợi thế; từng bước xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.
Một trong những thành tựu nổi bật của xã đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua đó là: Giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm đạt 7,5%. Trong đó nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 60%; công nghiệp - xây dựng 25%; dịch vụ - thương mại chiếm 15%. Tổng sản lượng lương thực đạt 1.206,1 tấn; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 42,5 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Xã đã tập trung chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn liền với sản xuất hàng hóa với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Phát triển kinh tế tổng hợp giữa sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản với thị trường tiêu thụ, xản xuất chế biến chè. Hiện nay, tổng diện tích chè toàn xã là 266,54ha, 100% đã cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt 135 tấn/ha, sản lượng chè búp tươi ước đạt 3.598,3 tấn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Đường giao thông nông thôn được bê tông hóa và đang tích cực triển khai hoàn thiện các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. Đến cuối năm 2023, xã đạt 11/19 tiêu chí nông thôn mới. Toàn xã có 95% hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; 100% khu dân cư đạt tiêu chuẩn khu dân cư văn hóa.
Công tác giáo dục và đào tạo tiếp tục đổi mới và nâng cao. Quy mô trường, lớp được duy trì ở các cấp học, bậc học. Công tác y tế tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân. Văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số được gìn giữ và phát huy, các hủ tục lạc hậu bị loại bỏ, các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian được khôi phục và bảo tồn.
Công tác xây dựng Đảng được đặc biệt quan tâm và tăng cường; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ được nâng lên. Công tác phát triển đảng viên được quan tâm cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, Đảng bộ xã đã có 233 đảng viên, sinh hoạt tại 15 chi bộ trực thuộc. Đảng bộ xã Ngọc Đồng hàng năm được Huyện ủy Yên Lập công nhận Đảng bộ Hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
Trong thời gian tới, Đảng bộ xã Ngọc Đồng xác định mục tiêu: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; phát huy sức mạnh đoàn kết, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế; thu hút các nguồn lực đầu tư đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, chú trọng làm tốt công tác giải phóng mặt bằng; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. Giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh, của huyện, của xã.
Phấn đấu tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt từ 210 triệu đồng trở lên, giảm tỉ lệ hộ nghèo bình quân 1,7%/năm; hộ cận nghèo giảm ít nhất 1%/năm. Phấn đấu từ nay đến năm 2025, có 3/8 khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ khu dân cư được công nhận khu dân cư văn hóa là 100%.
Phát huy những kết quả đã đạt được trong 70 năm qua, trong thời gian tới, mặc dù nhiệm vụ trước mắt còn nhiều khó khăn thách thức; song với bề dày truyền thống, với những kinh nghiệm quý báu đã được rút ra từ thực tiễn cách mạng, với sự quan tâm lãnh chỉ đạo trực tiếp của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Yên Lập, Đảng bộ xã Ngọc Đồng sẽ tiếp tục nỗ lực để giành được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong những năm tới đây, từng bước xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần xây dựng huyện Yên Lập trở thành huyện khá của tỉnh.
Phạm Văn Thúy
Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Đồng