Đang cách ly tại nhà, khám chữa bệnh BHYT như thế nào?
Nhiều bạn đọc thắc mắc nếu bệnh viện có đăng ký BHYT bị phong tỏa thì khám ở đâu, nếu đang cách ly tại nhà thì khám BHYT thế nào…
Những ngày qua, TP.HCM liên tục ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng. Để ngăn chặn kịp thời nguồn lây, các cơ quan chức năng đã thực hiện việc phong tỏa, cách ly ở nhiều địa điểm trên địa bàn TP. Trong đó, có một số bệnh viện, phòng khám phải tạm ngưng hoạt động, không tiếp nhận bệnh nhân khám chữa bệnh (KCB).
Việc những bệnh viện, phòng khám tạm ngưng hoạt động thì người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đã đăng ký KCB ban đầu ở đây sẽ đi KCB ra sao, quyền lợi BHYT có được bảo đảm? Ngoài ra, với những người đang bị cách ly tại nhà trong khu vực bị phong tỏa thì việc KCB diện BHYT sẽ được thực hiện thế nào? Trên đây là những câu hỏi được nhiều bạn đọc quan tâm.
Pháp Luật TP.HCM đã phỏng vấn ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP.HCM, để giải đáp những thắc mắc trên của bạn đọc.
Đến bệnh viện cùng tuyến vẫn được tính BHYT
. Phóng viên: Thưa ông, hiện nay trên địa bàn TP.HCM có một số bệnh viện, phòng khám bị phong tỏa ngưng tiếp nhận bệnh nhân đến KCB. Vậy những người có thẻ BHYT ở các bệnh viện bị phong tỏa sẽ đến đâu để KCB?
+ Ông Phan Văn Mến: Cơ quan BHXH TP.HCM vừa có công văn gửi đến các cơ sở KCB nhằm hướng dẫn thanh toán chi phí KCB liên quan đến dịch COVID-19.
Theo đó, đối với các cơ sở tạm ngưng KCB phải có văn bản gửi cơ quan BHXH và niêm yết thông báo tại trụ sở để hướng dẫn người bệnh đi KCB tại các cơ sở thông tuyến trên địa bàn TP.
Đối với những người có thẻ BHYT ở những cơ sở KCB đang bị phong tỏa, trong thời gian tạm ngưng hoạt động, người dân có thể đến tất cả cơ sở KCB thông tuyến để thực hiện những thủ tục KCB giống như đi khám ở nơi mà mình đăng ký KCB ban đầu.
. Người bệnh đi KCB tại những nơi cùng tuyến với nơi KCB ban đầu thì quyền lợi BHYT sẽ được hưởng như thế nào?
+ Theo Luật BHYT, từ năm 2015 đã thực hiện khám thông tuyến huyện. Vì vậy, người dân có thẻ BHYT ở trạm y tế, các bệnh viện tuyến huyện có thể đi khám ở các bệnh viện huyện, phòng khám đa khoa trên cả nước mà vẫn được xem là đúng tuyến. Từ đầu năm 2021, BHYT có thông tuyến tỉnh nội trú.
Ngoài ra, từ ngày 1-6, người dân trên toàn quốc sẽ được sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID khi đi KCB thay thế cho việc sử dụng thẻ BHYT giấy.
Người trong khu phong tỏa khám chữa bệnh ra sao?
. Đối với những người đang điều trị bệnh và có giấy hẹn tái khám nhưng đang trong khu vực bị phong tỏa, cách ly tại nhà thì sẽ thực hiện KCB như thế nào?
+ Đối với những bệnh nhân đã được KCB, điều trị tại các cơ sở KCB và có giấy hẹn tái khám nhưng do dịch bệnh không đến được thì sẽ được thực hiện như sau: Các cơ sở KCB có giấy hẹn cho bệnh nhân sẽ có trách nhiệm thông tin và hướng dẫn người bệnh lựa chọn các cơ sở KCB phù hợp để khám lại, cấp thuốc, điều trị tiếp.
Đồng thời, nơi KCB có giấy hẹn sẽ hướng dẫn các cơ sở KCB nơi người bệnh đang cách ly y tế hoặc những nơi KCB khác để khám lại, cấp thuốc cho bệnh nhân.
Những trường hợp trên được xác định là KCB diện BHYT đúng tuyến.
Việc này được thực hiện theo Công văn 3100 của Bộ Y tế hướng dẫn việc thanh toán chi phí KCB BHYT liên quan đến dịch COVID-19.
. Đối với những người tham gia BHYT khi thực hiện cách ly y tế trong khu vực bị phong tỏa, nếu họ bị bệnh thì việc KCB sẽ thực hiện như thế nào?
+ Người dân ở khu cách ly, phong tỏa bị bệnh cần vào bệnh viện thăm khám và điều trị thì bệnh viện cũng sẽ có khu điều trị riêng cho những người đang có nghi ngờ nhiễm hoặc những người cách ly.
Đối với những bệnh cần điều trị theo phác đồ điều trị ngoại trú, không cần phải nhập viện thì bệnh nhân được cấp thuốc.
Ngoài ra, những trường hợp người dân đi khám bình thường mà đang phải cách ly thì bắt buộc phải có cách phòng vệ hoặc mời bác sĩ tới khu cách ly khám. Những trường hợp cần vào bệnh viện thăm khám thì BV có khu khám bệnh riêng.
. Xin cảm ơn ông.•
Việc cấp thuốc, điều trị bệnh trong thời gian phòng dịch
Cũng theo Công văn 3100 của Bộ Y tế, việc cấp thuốc điều trị trong thời gian phòng chống dịch COVID-19 sẽ được thực hiện như sau: Bác sĩ, y sĩ kê đơn thuốc căn cứ vào tình trạng người bệnh để có thể kê số lượng thuốc trong đơn cho người bệnh là người cao tuổi, người mắc bệnh cần điều trị dài ngày nhưng tối đa không quá 90 ngày. Các cơ sở KCB phải cung cấp số điện thoại của cơ sở để người bệnh liên lạc khi cần thiết.
Ngoài ra, những trường hợp có thẻ BHYT tự đi KCB mà không phải áp dụng cách ly tập trung thì sẽ được quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB theo quy định.
Ông PHAN VĂN MẾN, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TP.HCM
Nguồn PLO: https://plo.vn/ban-doc/dang-cach-ly-tai-nha-kham-chua-benh-bhyt-nhu-the-nao-989584.html