Đảng Cộng sản Việt Nam đóng vai trò quyết định trong quá trình đổi mới đất nước
Học giả Trung Quốc nhận định thông qua quyết sách khoa học, sự lãnh đạo sáng suốt và thực hiện chính sách hiệu quả, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thúc đẩy sự phát triển toàn diện của xã hội Việt Nam.
![Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chúc Tết Ất Tỵ 2025. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_293_51447448/f730ccd7f99910c74988.jpg)
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chúc Tết Ất Tỵ 2025. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Trả lời phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Giáo sư Lưu Anh - Viện nghiên cứu Tài chính Trùng Dương, Đại học Nhân dân Trung Quốc - khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam đóng vai trò quyết định, dẫn đầu, chủ đạo trong quá trình đổi mới đất nước hiện nay.
Theo Giáo sư Lưu Anh, thông qua quyết sách khoa học, sự lãnh đạo sáng suốt và thực hiện chính sách hiệu quả, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thúc đẩy sự phát triển toàn diện của xã hội Việt Nam.
Đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thực hiện thành công đường lối cải cách, mở cửa, đưa Việt Nam từ một nước nông nghiệp trở thành nền kinh tế quan trọng ở Đông Nam Á.
Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là bảo đảm chính trị vững chắc cho sự phát triển bền vững và tiến bộ của đất nước, bảo đảm đất nước luôn duy trì được sự ổn định và phát triển trong quá trình đổi mới.
Giáo sư Lưu Anh cho rằng về định hướng chính sách và đổi mới lý luận, chính sách “Cải cách và mở cửa” do Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra và thực hiện đã đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển của đất nước.
Các chính sách mà Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra linh hoạt và hướng tới tương lai, giúp Việt Nam tận dụng hiệu quả các nguồn lực và thị trường quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa, đồng thời vẫn giữ vững bản sắc văn hóa truyền thống và độc lập dân tộc.
Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong cải cách kinh tế, đặc biệt là trong việc kiên trì và hoàn thiện nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, đã giúp Việt Nam duy trì được sự ổn định chính trị trong quá trình cải cách.
Về ổn định chính trị và xây dựng đất nước, đất nước Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo luôn coi trọng sự ổn định chính trị, đây chính là bảo đảm vững chắc cho phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam không chỉ thúc đẩy mạnh mẽ cải cách mở cửa, đổi mới mà còn quản lý hiệu quả những mâu thuẫn xã hội và những bất ổn có thể phát sinh trong quá trình cải cách.
Đảng đã bảo đảm sự vận hành ổn định của hệ thống chính trị, tạo điều kiện thuận lợi cho đất nước phát triển bền vững thông qua việc điều chỉnh hệ thống lãnh đạo, tăng cường hệ thống pháp luật và đi sâu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
![Cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu), một trong hai cảng đặc biệt của Việt Nam, là 1 trong 19 cảng trên thế giới có khả năng tiếp nhận tàu siêu trọng và nằm trong nhóm 50 cảng biển có sản lượng khai thác container cao nhất thế giới hiện nay. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_293_51447448/7ddf39380c76e528bc67.jpg)
Cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu), một trong hai cảng đặc biệt của Việt Nam, là 1 trong 19 cảng trên thế giới có khả năng tiếp nhận tàu siêu trọng và nằm trong nhóm 50 cảng biển có sản lượng khai thác container cao nhất thế giới hiện nay. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thúc đẩy thành công sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam thông qua chính sách cải cách và mở cửa.
Việt Nam đã chuyển đổi từ nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp sang nền kinh tế có năng lực sản xuất và xuất khẩu mạnh mẽ.
Bằng cách thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển các ngành công nghiệp hướng tới xuất khẩu và thu hút thị trường toàn cầu, Việt Nam không chỉ nâng cao trình độ công nghiệp hóa mà còn định vị thành công mình là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Về thúc đẩy cải cách xã hội và cải thiện đời sống nhân dân, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản, Việt Nam đã từng bước nâng cao mức sống của người dân, đặc biệt là về giáo dục, y tế và an sinh xã hội.
Bên cạnh việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Đảng cũng chú trọng xây dựng chính sách xã hội, bảo đảm phân phối công bằng thành quả cải cách, giúp các vùng khó khăn, nhóm yếu thế trong xã hội từng bước cải thiện đời sống. Đồng thời, Đảng cũng đã có những biện pháp tích cực nhằm thúc đẩy bình đẳng và toàn diện phúc lợi xã hội.
Đánh giá về ý nghĩa của việc phòng, chống tham nhũng, tinh gọn bộ máy đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự phát triển của đất nước, Giáo sư Lưu Anh khẳng định các biện pháp như chống tham nhũng và tinh giản bộ máy có ý nghĩa sâu rộng đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự phát triển của đất nước.
Những biện pháp này không chỉ giúp nâng cao uy tín và hiệu quả hoạt động của Đảng và Chính phủ, mà còn thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống quản trị quốc gia và năng lực quản trị, đồng thời thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội.
Thứ nhất, nâng cao uy tín lãnh đạo của Đảng và lòng tin của quần chúng. Tham nhũng luôn là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến Đảng và Chính phủ mất đi lòng tin đối với nhân dân.
Tham nhũng không chỉ làm xói mòn uy tín của Đảng và chính quyền, mà còn phá hoại mối quan hệ huyết mạch giữa Đảng và nhân dân, càng làm xói mòn công bằng và chính nghĩa xã hội, ảnh hưởng đến sự ổn định xã hội, đặc biệt là phá hoại triển vọng tươi sáng của sự phát triển đất nước.
Do đó, thông qua việc đấu tranh, phòng chống tham nhũng, đề cao liêm chính, Đảng có thể xây dựng hình ảnh vẻ vang về đấu tranh, phòng chống tham nhũng, đề cao liêm chính, nâng cao lòng tin và sự ủng hộ của nhân dân đối với Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và quản lý của Đảng.
Cho dù đó là nỗ lực chống tham nhũng trong Đảng hay tạo ra bầu không khí chống tham nhũng trong toàn xã hội, điều đó sẽ nâng cao ý thức về công lý và sự công bằng của Đảng trong lòng nhân dân.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả và trình độ quản lý nhà nước. Việc tinh giản bộ máy sẽ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của Chính phủ, tránh tình trạng trùng lặp, chồng chéo công việc, đồng thời cho phép Chính phủ tập trung nhiều hơn vào các chức năng cốt lõi của mình.
Các cơ quan chính phủ quá lớn hoặc có quá nhiều tầng, điều này dễ dẫn đến tình trạng phân cấp quyền lực, trách nhiệm không rõ ràng và hoạt động kém hiệu quả.
Việc tinh giản bộ máy và quy trình hành chính có thể cải thiện tính khoa học và năng lực thực hiện các quyết sách, để các chính sách có thể bắt kịp nhanh chóng với nhu cầu xã hội, giảm chi phí hành chính, cải thiện hiệu quả phân bổ nguồn lực và đảm bảo việc thực hiện chính sách diễn ra suôn sẻ.
Thứ ba, nâng cao công tác quản lý nội bộ và xây dựng hệ thống trong Đảng. Chống tham nhũng không chỉ là trừng trị những phần tử tham nhũng, mà còn là không ngừng hoàn thiện hệ thống quản lý nội bộ của Đảng.
Thông qua đấu tranh, phòng chống tham nhũng không ngừng nghỉ, Đảng có thể tăng cường hơn nữa sự quản lý trong sạch, làm trong sạch phong cách Đảng, thúc đẩy quản lý theo thể chế và chuẩn mực.
Thông qua các cơ chế phòng, chống tham nhũng được thể chế hóa, có thể ngăn chặn hiệu quả tình trạng lạm dụng quyền lực và bảo đảm công tác của Đảng và chính quyền minh bạch và công bằng hơn.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_293_51447448/1d9e5d7968378169d826.jpg)
Ngoài ra, tinh giản bộ máy cũng là một phần trong cuộc cách mạng tự thân của Đảng, góp phần nâng cao sự đoàn kết, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, giúp Đảng luôn giữ vững sức sống và vai trò lãnh đạo.
Đề cập đến những mục tiêu mà Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Giáo sư Lưu Anh bày tỏ tin tưởng về những mục tiêu lớn lao mà Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra trong kỷ nguyên vươn mình.
Những mục tiêu này chủ yếu tập trung vào chuyển đổi và tăng trưởng kinh tế, nâng cao vị thế quốc tế, phúc lợi xã hội và nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng hệ thống chính trị và pháp quyền.
Giáo sư Lưu Anh cho rằng Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội trong quá trình thực hiện các mục tiêu này.
Một là, cơ hội to lớn trong hợp tác Trung Quốc-Việt Nam. Sự phát triển của Trung Quốc đã mang lại không gian phát triển to lớn cho sự phát triển của Việt Nam. Trung Quốc và Việt Nam học hỏi lẫn nhau, thúc đẩy lẫn nhau, cùng phát triển, cùng thịnh vượng và cùng tiến bộ.
Hai là, toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập khu vực. Với sự tiến triển của toàn cầu hóa kinh tế, Việt Nam có thể tận dụng lợi thế về vị trí địa lý và nền tảng kinh tế để trở thành mắt xích quan trọng trong hợp tác kinh tế khu vực, đặc biệt là thông qua các hiệp định thương mại song phương và đa phương như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Khu vực thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN…, nhằm tăng cường quan hệ thương mại với các nền kinh tế lớn khác ở châu Á và thế giới, đồng thời hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu.
![Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_293_51447448/9d38d0dfe5910ccf5580.jpg)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)
Ba là, chuyển đổi và nâng cấp cơ cấu công nghiệp. Trung Quốc và Việt Nam tăng cường bổ sung ưu thế, tăng cường hợp tác công nghiệp, tăng cường hợp tác trong chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng.
Việt Nam cũng đang trong giai đoạn phát triển kinh tế quan trọng, có lợi thế về nhân số và nhân tài. Tăng cường hợp tác giữa các ngành công nghiệp Trung Quốc và Việt Nam sẽ giúp thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực.
Bốn là, tăng cường tiến bộ công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trung Quốc và Việt Nam có thể thúc đẩy tiến bộ công nghệ và nâng cấp công nghiệp của Việt Nam bằng cách tăng cường đổi mới khoa học và công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài và hợp tác với các doanh nghiệp tiên tiến quốc tế.
Với việc tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ, Việt Nam kỳ vọng sẽ đạt được những đột phá trong các lĩnh vực kinh tế số, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin...
Năm là, thực hiện sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu và sự thịnh vượng chung. Với sự tăng trưởng kinh tế liên tục và mức thu nhập của người dân được cải thiện, tầng lớp trung lưu của Việt Nam đang tăng nhanh chóng, thúc đẩy mở rộng thị trường tiêu dùng trong nước, sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế Việt Nam.
Cùng với những cơ hội, Giáo sư Lưu Anh cũng chỉ ra những thách thức mà Việt Nam sẽ gặp phải trong quá trình thực hiện các mục tiêu đã đề ra, đó là những khó khăn trong chuyển đổi kinh tế, vấn đề về đổi mới công nghệ, cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt…/.