Đảng cộng sản việt nam qua các kỳ đại hội

LTS: Kể từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã trải qua 12 kỳ đại hội. Mỗi kỳ đại hội Đảng là một mốc lịch sử quan trọng ghi nhận, đánh dấu những thắng lợi, thành tựu, bài học kinh nghiệm của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày 6/1 - 7/2/1930 tại Cửu Long (Trung Quốc) mang tầm vóc lịch sử của Đại hội thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hội nghị đã đề ra Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng và Lời kêu gọi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản, Đảng Cộng sản Việt Nam gửi đến công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, học sinh và tất cả đồng bào bị áp bức, bóc lột nhân dịp thành lập Đảng. Trong đó, Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng phản ánh nội dung cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đại hội lần thứ I của Đảng: Khôi phục tổ chức, thống nhất các phong trào đấu tranh cách mạng, chống đế quốc, chống chiến tranh

Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng họp từ ngày 27 - 31/3/1935, tại Ma Cao (Trung Quốc). Tham dự đại hội có 13 đại biểu thay mặt gần 6.000 đảng viên đang hoạt động ở trong nước và ngoài nước.

Đại hội diễn ra trong bối cảnh: Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế tiếp tục phát triển có lợi cho cuộc đấu tranh của các dân tộc thuộc địa.

Những thành tựu to lớn về mọi mặt của công cuộc xây dựng CNXH ở Liên Xô, có tác động to lớn tới phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa.

Các nước tư bản chủ nghĩa tìm cách vượt qua cuộc khủng hoảng theo hai con đường cơ bản khác nhau: Phát xít hóa chế độ chính trị, ráo riết chuẩn bị chiến tranh (Đức, Italy, Nhật) và tiến hành cải cách KT-XH (Anh, Pháp, Mỹ). Chủ nghĩa phát xít là mối đe dọa hòa bình và an ninh thế giới.

Ở Đông Dương, phong trào đấu tranh của công nhân từng bước hồi phục. Các tầng lớp Nhân dân ở thành thị và nông thôn tham gia đấu tranh bằng nhiều hình thức như: bãi khóa của học sinh, bãi thị của thương nhân, biểu tình chống thuế của nông dân.

Các tổ chức Đảng từng bước hồi phục sau các cuộc khủng bố trắng.

Đại hội lần thứ I của Đảng đánh giá tình hình thế giới và trong nước, nêu bật những thành công của Liên Xô và phong trào cách mạng của nhân dân lao động nhiều nước trên thế giới, khẳng định CNXH là tất yếu lịch sử.

Đại hội nhận định hệ thống tổ chức của Đảng đã được khôi phục, phong trào cách mạng có tiến triển. Các cuộc đấu tranh của quần chúng trong hai năm qua đều giành được thắng lợi ở mức độ khác nhau.

Đại hội nêu 3 nhiệm vụ chủ yếu của Đảng trong thời gian trước mắt: Củng cố và phát triển Đảng; thu phục quảng đại quần chúng; chống chiến tranh đế quốc.

Lần đầu tiên, đại hội đã ra một loạt các nghị quyết hết sức quan trọng để tập hợp lực lượng, xây dựng phong trào quần chúng: nghị quyết về vận động công nhân, nông dân, binh lính, phụ nữ, thanh niên; về công tác liên minh phản đế; về công tác trong các dân tộc thiểu số; về đội tự vệ và cứu tế đỏ.

Đại hội thông qua Điều lệ Đảng và điều lệ các tổ chức quần chúng của Đảng.

Đại hội bầu BCH T.Ư gồm 9 ủy viên chính thức và 4 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc được cử làm đại diện của Đảng ở Quốc tế Cộng sản. Đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Tháng 7/1936, đồng chí Hà Huy Tập được cử làm Tổng Bí thư của Đảng. Tháng 3/1938, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được cử làm Tổng Bí thư. Tháng 5/1941, Hội nghị BCH T.Ư Đảng họp tại Pác Bó (Cao Bằng) đã bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư.

Đại hội lần thứ I của Đảng là một sự kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu thắng lợi của cuộc đấu tranh bảo vệ và khôi phục hệ thống tổ chức Đảng từ T.Ư đến địa phương; thống nhất được phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của T.Ư Đảng, tạo điều kiện để phong trào cách mạng bước vào thời kỳ đấu tranh mới.

(Còn nữa)

P.V (TH)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/148538/dang-cong-san-viet-nam-qua-cac-ky-dai-hoi.htm