Đảng Cộng sản Việt Nam và trọng trách trước lịch sử
Lịch sử 91 năm của Đảng Cộng sản Việt Nam là lịch sử không ngừng phấn đấu trưởng thành, sẵn sàng hy sinh tất cả vì lợi ích của giai cấp, của dân tộc và của Nhân dân. Đó cũng là lịch sử Nhân dân đặt trọn niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, tự hào về Đảng của giai cấp công nhân đồng thời là Đảng của dân tộc Việt Nam.
Lịch sử Việt Nam đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ bắt đầu từ tháng 9/1858 khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Nhà nước phong kiến triều Nguyễn và cuộc kháng chiến của Nhân dân Việt Nam trong gần 40 năm (1858-1895) không đủ sức chống lại sức mạnh của chủ nghĩa tư bản và thực dân phương Tây.
Việt Nam trở thành thuộc địa và bị chia thành 3 kỳ (Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ), mất nước, dân ta trở thành nô lệ. Thực dân Pháp tiến hành hai cuộc khai thác thuộc địa, vơ vét sức người, sức của ném vào chiến tranh ở chính quốc. Xã hội thuộc địa Việt Nam từ đầu thế kỷ XX chuyển biến sâu sắc và toàn diện. Cuộc khủng hoảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX vẫn chưa được giải quyết.
Nhiều nhà yêu nước và cách mạng đã đề ra con đường cứu nước nhưng không thành công. Trong bối cảnh ấy, ngày 5/6/1911, từ bến Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành lên đường tìm đường cứu nước. Trên bước đường ấy, Người đã đến với với Luận cương Lênin và tìm thấy con đường giải phóng cho dân tộc.
Chủ nghĩa Mác- Lênin trở thành “cẩm nang thần kỳ”, như lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong “Đường Kách mệnh” đã lựa chọn: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin” và Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.
Quá trình truyền bá con đường giải phóng dân tộc về Việt Nam những năm 20 của thế kỷ XX, đưa đến sự hình thành những nhân tố cơ bản của con đường cách mạng vô sản Việt Nam. Việc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên dẫn đến sự chuẩn bị về chính trị, tổ chức và đội ngũ cho sự ra đời các tổ chức tiền thân của đảng cộng sản, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo cách mạng. Đến năm 1929-1930, phong trào dân tộc theo xu hướng cộng sản hoàn toàn thắng thế, các tổ chức cộng sản phát triển mạnh mẽ. Quốc tế Cộng sản chỉ rõ phải thành lập một đảng cộng sản duy nhất. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập hội nghị hợp nhất từ ngày 3-7/2/1930 thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời trên cơ sở kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước, đáp ứng đúng đòi hỏi khách quan của lịch sử dân tộc Việt Nam.
Trong 15 năm đầu tiên sau khi ra đời (1930- 1945), trước yêu cầu nhiệm vụ giải phóng dân tộc khỏi chế độ thuộc địa, Đảng đảm đương vai trò tổ chức lãnh đạo cuộc đấu tranh giành chính quyền về tay Nhân dân, thiết lập nền dân chủ cộng hòa. Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trong 30 năm đầu tiên trở thành đảng cầm quyền (1945 - 1975), Đảng nêu cao ý chí quyết tâm cho toàn dân tộc: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, tổ chức lãnh đạo kháng chiến toàn dân toàn diện trường kỳ, phá thế cô lập của đất nước, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu” (1954). Khi đất nước bị chia cắt, Đảng lãnh đạo đấu tranh thống nhất nước nhà, kháng chiến vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội (CNXH), tiến hành giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc (1955-1975).
Trong 10 năm (1976 - 1986), trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, tìm tòi con đường thích hợp đưa cả nước đi lên CNXH, Đảng lãnh đạo cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở hai đầu biên giới, đồng thời từng bước tháo gỡ khó khăn, thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tếxã hội, đề ra đường lối đổi mới đất nước.
Trong gần 35 năm đổi mới (1986 - 2021), Đảng tổ chức lãnh đạo thực hiện đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế, xây dựng cương lĩnh phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ, thực hiện công nghiệp hóa và từng bước hiện đại; Việt Nam làm bạn với tất cả các quốc gia trên thế giới.
Trải qua 91 năm, Đảng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đoàn kết toàn dân tộc; tạo dựng và phát huy sức mạnh tổng hợp; thực hiện “lấy dân làm gốc”; xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Đảng cũng xác định mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; lấy khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo làm quốc sách hàng đầu cho phát triển đất nước. Đảng là lực lượng duy nhất chịu trách nhiệm trước Nhân dân, trước lịch sử về bảo vệ toàn vẹn độc lập dân tộc, về sự phát triển của đất nước, về hiệu lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước thuộc về Nhân dân. Vì vậy, vai trò lãnh đạo và trọng trách của Đảng tất yếu được đưa vào Hiến pháp - đạo luật cơ bản, đạo luật gốc của quốc gia, ghi nhận địa vị pháp lý của đảng cầm quyền.
Lịch sử 91 năm của Đảng Cộng sản Việt Nam là lịch sử không ngừng phấn đấu trưởng thành, sẵn sàng hy sinh tất cả vì lợi ích của giai cấp, của dân tộc và của Nhân dân. Đó cũng là lịch sử Nhân dân đặt trọn niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, tự hào về Đảng của giai cấp công nhân đồng thời là Đảng của dân tộc Việt Nam.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=155249