Đáng để thử sức

Không thể tránh khỏi những rủi ro khi bắt tay vào một lĩnh vực kinh doanh mới, Chủ tịch VNGroup Vũ Văn Thành đã chuẩn bị một tâm sẵn sàng để đối diện với mọi thử thách.

>> Bài viết trên Đặc san chào xuân 2023 "Bản lĩnh tiên phong".

Hơn sáu năm trước, ông Vũ Văn Thành đã có một quyết định đầy táo bạo khi lựa chọn đầu tư vào lĩnh vực văn phòng chia sẻ, khi mô hình này vẫn còn khá mới ở Việt Nam. Và dù “chân ướt chân ráo” vào thị trường, nhưng ông Thành đã ấp ủ kế hoạch phát triển một chuỗi văn phòng cho thuê thương hiệu Tiktak Co-working Space trên khắp cả nước, thay vì chỉ dừng lại ở cơ sở đầu tiên tại tầng 5, tòa nhà Diamond Flower Tower Hoàng Đạo Thúy, Thanh Xuân, Hà Nội. Thời điểm đó, VNGroup là một trong số ít doanh nghiệp trong nước tiên phong phát triển văn phòng chia sẻ, chấp nhận sự cạnh tranh với hàng loạt những tên tuổi lớn của nước ngoài.

Chủ tịch VNGroup Vũ Văn Thành

Chủ tịch VNGroup Vũ Văn Thành

Dấn thân

Trên thế giới, văn phòng chia sẻ hay co-working space nổi lên từ những năm 2000. Mô hình cung ứng không gian làm việc chung này được định nghĩa là một hình thức văn phòng kiểu mới, ở đó người thuê có thể lựa chọn linh hoạt về chỗ ngồi, thời gian với mọi dịch vụ, tiện ích đầy đủ, tối ưu từ phòng họp, internet, máy in, máy photocopy, đến quầy cà phê, bếp ăn, phòng thể thao, giải trí... Không gian làm việc chung thường được thiết kế mở với nhiều hoạt động đa dạng trong nhiều lĩnh vực, tạo cơ hội cho người thuê trao đổi, hợp tác trong kinh doanh.

Ở Việt Nam, văn phòng chia sẻ bắt đầu được chú ý từ năm 2016 khi Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ - ông Barack Obama trong chuyến công du làm việc tại TP. HCM đã chọn một co-working space làm nơi gặp gỡ với doanh nghiệp trẻ và cộng đồng khởi nghiệp.

Tuy là lĩnh vực kinh doanh mới nhưng áp lực cạnh tranh trên thị trường này không hề nhỏ. Sự gia nhập của những doanh nghiệp tỷ đô nước ngoài và một số doanh nghiệp trong nước được hậu thuẫn bởi các quỹ đầu tư quốc tế khiến chỉ sau một thời gian ngắn, thị trường văn phòng chia sẻ đã phát triển rầm rộ. Nhiều tên tuổi lớn của thế giới đã mở rộng nhanh chóng mạng lưới tại Việt Nam như The Executive Center, Wework, Regus. Bên cạnh đó, các tên tuổi trong nước như Dreamplex, UPGen, CirCO và Toong cũng hoạt động rất sôi nổi.

Ở thời điểm ấy, VNGroup mặc dù đã có nhiều năm kinh nghiệm trong đầu tư, kinh doanh bất động sản nhưng bất động sản cho thuê vẫn là một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ, đặc biệt là văn phòng cho thuê “kiểu mới”. Đứng trước quyết định được cho là đầy thách thức này, ông Thành tin vào tiềm năng rất lớn của mô hình văn phòng chia sẻ trong tương lai.

Theo đó, văn phòng chia sẻ có triển vọng phát triển rất tốt ở Việt Nam - đất nước gần 100 triệu dân đang trong giai đoạn “dân số vàng” với đội ngũ lao động đông đảo. Hơn nữa, Chính phủ cũng đang có nhiều chính sách khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần “quốc gia khởi nghiệp” trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Chuỗi văn phòng cho thuê thương hiệu Tiktak Co-working Space

Chuỗi văn phòng cho thuê thương hiệu Tiktak Co-working Space

Trong tương lai, văn phòng chia sẻ sẽ là xu hướng của văn phòng hiện đại. Thay vì lựa chọn các văn phòng truyền thống, hạn chế về không gian, thiết kế... giới trẻ, đặc biệt là các bạn trẻ khởi nghiệp, năng động đang có xu hướng lựa chọn làm việc ở các co-working space. Họ hướng tới các văn phòng thiết kế tối giản nhưng đầy đủ tiện ích và ưa thích không gian khuyến khích sự sáng tạo, thúc đẩy hiệu quả công việc. Với việc nhìn rõ tiềm năng, ông Thành cho rằng, co-working space là một lĩnh vực rất đáng để thử sức.

Chấp nhận thử thách

Đầu tư vào một lĩnh vực mới là một quyết định mạo hiểm và tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng với ông Thành, đã là nhà đầu tư đi trước thị trường thì phải sẵn sàng đối diện thử thách. Quan trọng hơn, doanh nghiệp phải có một tầm nhìn đúng đắn và chiến lược kinh doanh rõ ràng để kiên định với mục tiêu ban đầu của mình.

Ông cho rằng: “Nếu phát triển bất động sản cho thuê đơn thuần như văn phòng truyền thống hay cho thuê căn hộ, khách sạn... rất nhiều công ty khác trên thị trường đã làm. Doanh nghiệp không nên đầu tư vào những lĩnh vực mà người đi trước đã quá nhiều, thay vào đó, nên phát triển ở những phân khúc mới, ít người tham gia hơn để tạo ra những giá trị mới và tránh được sự cạnh tranh khốc liệt trong “đại dương đỏ”. Thành công từ khởi nghiệp, VNGroup không sợ những cái mới. Với tinh thần ham học hỏi, liên tục đổi mới, sáng tạo, chính nhờ những thử thách, doanh nghiệp mới có thể trưởng thành, tích lũy kinh nghiệm và đóng góp những giá trị tốt đẹp cho xã hội”.

Như những khó khăn đã được lường trước! Trong suốt hơn ba năm đầu tiên hoạt động, các văn phòng chia sẻ của Tiktak Co-working Space rất vắng khách thuê. Tỷ lệ lấp đầy cao nhất chỉ đạt khoảng 50 - 60%. Sau khi trừ đi tất cả các chi phí, công ty hầu như lỗ.

Lỗ là vì vắng khách trong khi chi phí đầu tư rất lớn. Một hệ thống co-working bao gồm rất nhiều phòng phụ trợ như nhà kho, phòng họp, phòng thư giãn... đòi hỏi phải đầu tư đồng bộ để đáp ứng đủ mọi nhu cầu của khách thuê. Trong khi đó, doanh nghiệp lại không thể kỳ vọng có lợi nhuận ngay mà phải mất khoảng vài năm sau đó mới có thể có tệp khách hàng ổn định.

“Mỗi lần tới văn phòng, tôi thường buồn nhiều hơn vui. Nhân viên ai nấy cũng lo lắng, sốt sắng vì văn phòng ít khách. Nhưng mình là nhà sáng lập lại càng phải vững tin vào con đường phát triển để động viên, khích lệ mọi người”, ông Thành nhớ lại những thời điểm khó khăn nhất.

Tiktak Thái Phiên - Đà Nẵng

Tiktak Thái Phiên - Đà Nẵng

Ông hiểu rằng, mặc dù văn phòng chia sẻ là xu hướng đã phát triển rất thành công trên thế giới, nhưng ở Việt Nam, để thay đổi thói quen người dùng từ văn phòng truyền thống là điều không dễ. Người thuê văn phòng cần có thời gian dài để trải nghiệm, làm quen và thích nghi, không thể “một sớm một chiều”. Do đó, khi phát triển một lĩnh vực mới, muốn thành công, doanh nghiệp phải có sự bền bỉ, kiên trì để vượt qua tất cả những khó khăn, thách thức ban đầu. Việc cần làm của Tiktak là đầu tư tốt nhất vào chất lượng văn phòng, thiết kế, tiện ích dịch vụ. Sau đó, thị trường sẽ có câu trả lời cho chính mình.

Không giống các văn phòng chia sẻ khác thường lựa chọn vị trí nằm ngoài đô thị lõi để tiết kiệm chi phí đầu tư, nhằm hướng tới những khách hàng trẻ, kinh phí thuê văn phòng hạn hẹp, với Tiktak, ông Thành coi việc lựa chọn địa điểm là yếu tố quan trọng hàng đầu. Vị trí của các văn phòng chia sẻ Tiktak Co-working Space được nghiên cứu rất kỹ lưỡng dựa trên cư dân, số lượng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài trên địa bàn, sự tiện lợi của khách thuê khi di chuyển từ văn phòng đến các ban ngành, cơ quan làm việc khác.

Về không gian làm việc, kiến trúc của văn phòng chia sẻ từ thiết kế, nội thất đến bố cục phải toát lên được tinh thần sáng tạo, năng động, tính kết nối cao, áp dụng công nghệ vào quản lý vận hành. Đó là chưa kể đến việc giải bài toán thiết kế văn phòng trên một diện tích nhất định, các phòng có diện tích nhỏ nhưng phải đảm bảo đầy đủ công năng, dịch vụ như không gian giải trí, nhà ăn, đọc sách, thư viện... Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng, đầu tư nhiều công sức, chi phí, suất đầu tư, giá thuê cao hơn nhiều so với văn phòng truyền thống. Tuy nhiên, khi thuê văn phòng chia sẻ, chủ đầu tư đã trang bị mọi tiện ích nên người thuê không cần đầu tư gì thêm. “Do đó, tưởng là đắt nhưng lại rất rẻ và tiết kiệm”, ông Thành khẳng định.

Việc nhiều người “tưởng rằng” thuê co-working đắt hơn văn phòng thông thường cũng chính là một trong những rào cản trong việc thu hút khách thuê. Suốt một thời gian dài, Tiktak chỉ tiếp cận được với một tệp khách hàng nhất định là những công ty nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, văn phòng đại diện của các tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp của người Việt Nam đã từng du học tại nước ngoài. Trong khi đó, xu hướng dịch chuyển từ văn phòng truyền thống sang văn phòng chia sẻ của các doanh nghiệp trong nước mới chỉ xuất hiện trong thời gian gần đây và cũng chưa thực sự rõ nét.

Mặt khác, sự linh hoạt của văn phòng chia sẻ về thời hạn thuê cũng khiến Tiktak gặp khó khăn rất lớn khi các hợp đồng cho thuê ngắn ngày, đồng nghĩa khách thuê không có nhiều ràng buộc và có thể chấm dứt việc thuê bất cứ lúc nào. Khách hàng chính của co-working space là giới khởi nghiệp đông đảo nhưng lại hoạt động bấp bênh, phần nhiều trong số đó đều thất bại.

Từ đối tượng ban đầu là các công ty khởi nghiệp có nhu cầu thuê văn phòng ngắn hạn và các doanh nghiệp tìm kiếm vị trí văn phòng tạm thời, ông Thành nhận thấy rõ cần phải thay đổi và mở rộng đối tượng khách hàng nếu muốn có cách làm khác biệt để phát triển nhanh. Theo đó, các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài có chi nhánh, trụ sở tại Việt Nam là tệp khách hàng tiềm năng mà Tiktak cần hướng tới.

Thay vì rập khuôn phong cách, với mỗi cơ sở TikTak, ông Thành đã khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng để thiết kế và cung cấp các tiện ích của văn phòng chia sẻ nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của từng đối tượng khách hàng ở mỗi khu vực. Với Tiktak 1 tòa nhà Diamond Flower Tower Hoàng Đạo Thúy, Thanh Xuân, Hà Nội, đối tượng khách hàng chính là người Nhật và người Hàn Quốc, văn phòng được thiết kế với không gian trẻ trung, năng động phù hợp với thị hiếu của khách hàng thích sự đơn giản, hiện đại.

Với Tiktak 2 tại tầng 12 tòa nhà Hong Ha Center ở trung tâm Hà Nội, đối tượng khách thuê chủ yếu là khách Châu Âu nên văn phòng được thiết kế mang phong cách tân cổ điển, sang trọng, độc đáo. Trong khi đó, Tiktak 3, số 44 Tràng Tiền lại mang phong cách Hà Nội xưa, hoài cổ, thanh lịch, ấn tượng do đối tượng khách hàng chính là các tổ chức nghiên cứu văn hóa, công ty liên quan đến kiến trúc của nước ngoài, các tổ chức văn học, nghệ thuật.

Tiktak 3, số 44 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội được thiết kế mang phong cách "Hà Nội xưa".

Tiktak 3, số 44 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội được thiết kế mang phong cách "Hà Nội xưa".

Với dịch vụ đẳng cấp, Tiktak được định vị cạnh tranh trực tiếp với các văn phòng của khách sạn 5 sao. Nếu thuê khách sạn năm sao, khách thuê sẽ bị hạn chế rất nhiều về thời gian, dịch vụ. Thay vào đó, họ có thể sử dụng văn phòng chia sẻ với chi phí tiết kiệm và được phục vụ tốt hơn.

Sau thời gian đầu khó khăn nhưng kiên trì, bền bỉ, không ngừng nỗ lực để hoàn thiện hệ thống và chất lượng dịch vụ, nói vui như ông Thành là Tiktak đã “dần từ bớt lỗ, đến hết lỗ và bắt đầu có lãi.”

Cho đến thời điểm hiện tại Tiktak Coworking Space là một trong những hệ thống văn phòng chia sẻ có kết quả kinh doanh ấn tượng nhất tại thị trường Việt Nam với tỷ lệ lấp đầy luôn đạt trên 90%, nhiều thời điểm đạt 100% toàn hệ thống. Trong đó, có đến hơn 70% đối tượng khách hàng là các công ty nước ngoài, còn lại doanh nghiệp trong nước, nhưng phần lớn đều có hợp tác với công ty nước ngoài.

Từ văn phòng chia sẻ đầu tiên tại Hoàng Đạo Thúy, năm 2019, Tiktak đã khai trường văn phòng thứ hai tại Lý Thường Kiệt. Bất chấp hai năm dịch bệnh Covid-19, Tiktak đã hiện diện ở Đà Nẵng và mới đây có thêm cơ sở thứ ba tại Hà Nội. Ông Thành tiết lộ, công ty đang tăng tốc trong kế hoạch mở rộng tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á trong thời gian tới. Trước mắt, Tiktak sẽ phát triển thêm hai cơ sở nữa tại Hà Nội, một tại Đà Nẵng, một tại Huế và năm cơ sở mới tại tại TP. HCM.

Song song với đó, Tiktak sẽ ứng dụng bộ tiêu chuẩn quốc tế vào hệ thống văn phòng chia sẻ của mình như các tiêu chuẩn về môi trường, tiêu chuẩn xanh, các chỉ số về sức khỏe, diện tích chỗ ngồi/người... để ngày càng chuẩn hóa hoạt động.

“Khách hàng ngày càng có yêu cầu cao, nếu không thay đổi, doanh nghiệp sẽ dần lạc hậu. Sau thời gian dài phát triển, tích lũy kinh nghiệm, bây giờ là lúc Tiktak cần chuẩn hóa, đảm bảo chất lượng tốt nhất nhằm xây dựng thương hiệu vững mạnh. Khi đó, sự tăng trưởng nhanh sẽ đi cùng với phát triển bền vững trong tương lai”, Chủ tịch VNGroup nhấn mạnh.

Hội thảo được tổ chức tại Tiktak Lý Thường Kiệt, Hà Nội.

Hội thảo được tổ chức tại Tiktak Lý Thường Kiệt, Hà Nội.

Ươm mầm cho khởi nghiệp

Bên cạnh việc chăm chút, tỉ mỉ không gian văn phòng, chất lượng dịch vụ, một trong những yếu tố quan trọng khác khiến Tiktak ngày càng nhận được sự đón nhận lớn từ phía khách hàng là việc kiến tạo ra một môi trường làm việc kết nối, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp để cùng phát triển.

Hiện nay, các co-working trên thị trường hầu như vẫn chỉ dừng ở việc cho thuê văn phòng, tổ chức sự kiện hay các hoạt động đào tạo. Trong khi đó, giá trị lớn nhất của nó nằm ở tính kết nối giữa các doanh nghiệp, nuôi dưỡng ý tưởng khởi nghiệp cho doanh nghiệp trẻ. Khác với hầu hết các co-working space tại Việt Nam đều chủ yếu tập trung vào phần space (không gian) thay vì co-working (làm việc chung), xuất phát điểm từ một người khởi nghiệp, yếu tố co-working của văn phòng chia sẻ được ông Thành đặc biệt chú trọng. Tại Tiktak, không những yếu tố không gian được đầu tư kỹ lưỡng nhằm phù hợp với nhu cầu của từng tệp khách hàng mà ông còn tâm huyết với việc xây dựng một cộng đồng các doanh nghiệp khởi nghiệp.

“Có rất nhiều người đang hiểu sai về khái niệm co-working. Họ nghĩ co-working đơn giản chỉ là địa điểm cung cấp không gian làm việc cho người có nhu cầu. Điều này là đúng nhưng chưa đủ”. Theo ông Thành, co-working cần được phát triển theo hướng xây dựng một cộng đồng kết nối tại không gian làm việc chung của nhiều người. Co-working là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp khác nhau. Tất cả mọi người khi đến đây sẽ có cơ hội gặp gỡ, mở rộng các mối quan hệ.

Khi lựa chọn làm việc tại văn phòng chia sẻ, khách hàng sẽ có cơ hội được hợp tác với rất nhiều các doanh nghiệp khác, cùng học hỏi kinh nghiệm và đầu tư kinh doanh, mang lại giá trị. Bên cạnh mục đích cho thuê, đây chính một trong những lý do khiến ông Thành vẫn luôn theo đuổi và kiên định với việc phát triển hệ thống các Tiktak Co- working Space để ươm mầm cho khởi nghiệp.

Giống như VNGroup khởi nghiệp từ gần 20 năm trước, ông Thành hiểu rằng, trong thời gian đầu tiên, các công ty khởi nghiệp sẽ phải đương đầu, đối mặt với rất nhiều thách thức, từ pháp lý, nguồn vốn đến việc lựa chọn mô hình kinh doanh, chiến lược phát triển. Do đó, có được một cộng đồng khởi nghiệp cùng hỗ trợ nhau phát triển là điều hết sức quan trọng.

Bên cạnh đó, với thế mạnh là một công ty đa ngành, sở hữu hệ sinh thái nhiều ngành nghề như luật, thẩm định giá, đầu tư bất động sản, truyền thông... VNGroup có thể giúp đỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nhiều lĩnh vực.

Với những doanh nghiệp mới, VNGroup giúp họ giảm chi phí văn phòng, đổi tiền thuê văn phòng bằng các dịch vụ mà công ty khởi nghiệp cung cấp, thậm chí là miễn phí chỗ ngồi cho họ. Với những ý tưởng khởi nghiệp tốt, VNGroup sẽ tham gia đầu tư, hỗ trợ họ kinh doanh và cùng chia sẻ lợi nhuận.

Nhờ mối duyên lành từ Tiktak, VNGroup hiện đã đầu tư khá nhiều cùng các công ty khởi nghiệp và phần lớn đều thành công. Qua quá trình đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ lớn dần lên, đồng thời VNGroup cũng học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ giới trẻ. Ông Thành nhấn mạnh rằng: “Các bạn trẻ khởi nghiệp của Việt Nam rất năng động, tài năng và không thiếu những khát vọng lớn. Song để thành công, hơn ai hết, họ cần sự trợ lực từ những người đi trước. Với những kinh nghiệm ít ỏi của mình, VNGroup sẵn sàng hỗ trợ họ. Khi Việt Nam đang là quốc gia khởi nghiệp, chúng tôi mong muốn được góp một phần sức lực nhỏ bé của mình với Tiktak Co- working Space, vì tương lai phát triển chung của đất nước”.

Thu Phương

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/dang-de-thu-suc-1674119647318.htm