Đang diễn ra Tọa đàm 'Công khai ngân sách: Từ khung pháp lý đến thực tiễn triển khai'

'Công khai ngân sách: Từ khung pháp lý đến thực tiễn triển khai' là chủ đề của Tọa đàm truyền hình do Báo Kiểm toán tổ chức, đang diễn ra tại trường quay tầng 7, trụ sở 111. Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội.

Quang cảnh Tọa đàm. Ảnh: HỒNG NHUNG

Quang cảnh Tọa đàm. Ảnh: HỒNG NHUNG

Khách mời tham dự Tọa đàm có ông Bùi Đặng Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; ông Vũ Ngọc Tuấn - Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước (KTNN) chuyên ngành III; ông Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính.

Tại Tọa đàm, các khách mời đang tập trung phân tích, làm rõ thực trạng triển khai các quy định về công khai ngân sách nhà nước và công khai kết quả kiểm toán; trong đó làm rõ những mặt đã làm được và những vướng mắc khi thực thi pháp luật.

Ông Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính - chia sẻ tại Tọa đàm. Ảnh: HỒNG NHUNG

Ông Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính - chia sẻ tại Tọa đàm. Ảnh: HỒNG NHUNG

Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Nguyễn Minh Tân cho biết, công khai minh bạch ngân sách chính là biện pháp làm sao công khai, minh bạch thu chi ngân sách nhà nước để tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, người lao động cũng như toàn thể nhân dân có quyền kiểm tra, giám sát cũng như qua đó có thể kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm luật trong quản lý vốn, tài sản nhà nước, thực hành một cách hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí.

“Suốt thời gian vừa rồi, Đảng, Nhà nước đã rất chú trọng vấn đề này và cái kết quả đạt được của nó được thể hiện bằng những điểm tiến bộ của Việt Nam trong xếp hạng về chỉ số công khai, minh bạch ngân sách” - ông Tân nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Minh Tân, có mấy nguyên nhân cơ bản để chúng ta đạt được kết quả nêu trên:

Thứ nhất, chúng ta đã từng bước hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp luật liên quan đến vấn đề công khai, minh bạch ngân sách.

Thứ hai, ý thức tổ chức bao gồm cả công tác đôn đốc của cơ quan tài chính và công tác tổ chức thực hiện của các Bộ, ngành, địa phương. Thực tế, trong quá trình thực hiện, Bộ Tài chính tỉnh đã thực hiện tuân thủ nghiêm quy chế về công khai, minh bạch ngân sách. Còn đối với các địa phương, Ủy ban nhân dân các tỉnh đã dành nhiều quan tâm sâu sát trong công tác chỉ đạo công khai, minh bạch ngân sách ở địa phương mình.

Thứ ba, cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, vị thế, tiềm năng của đất nước cũng đã được nâng lên. Theo đó, phạm vi cũng như quản lý tài chính ngân sách của chúng ta cũng đã được tăng cường.

“Trong suốt quá trình này, chúng tôi đã học hỏi rất nhiều kinh nghiệm quốc tế trong vấn đề làm sao để thúc đẩy công khai, minh bạch ở Việt Nam. Bộ Tài chính cũng đã, đang và sẽ tiếp tục nghiên cứu để tiếp thu những kinh nghiệm tốt đó để đưa vào trong quản lý ngân sách của Việt Nam” - ông Tân cho hay.

Ông Vũ Ngọc Tuấn - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III - cho biết, những năm gần đây, KTNN cũng đã đẩy mạnh, tăng cường công khai hoạt động kiểm toán nói chung và kết quả kiểm toán cũng như việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán nói riêng. Ảnh: HỒNG NHUNG

Ông Vũ Ngọc Tuấn - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III - cho biết, những năm gần đây, KTNN cũng đã đẩy mạnh, tăng cường công khai hoạt động kiểm toán nói chung và kết quả kiểm toán cũng như việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán nói riêng. Ảnh: HỒNG NHUNG

Tiếp tục vấn đề này, ông Vũ Ngọc Tuấn cho rằng, các con số về công khai minh bạch ngân sách của Việt Nam thời gian qua là những con số đáng tự hào trong việc thực thi, đặc biệt thông qua vai trò giám sát của Quốc hội cũng như của KTNN.

Riêng về KTNN, trong những năm gần đây, trên cơ sở quy định của pháp luật, KTNN cũng đã đẩy mạnh, tăng cường công khai hoạt động kiểm toán nói chung và kết quả kiểm toán cũng như việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán nói riêng.

“Theo đánh giá về công khai, điểm của KTNN về giám sát ngân sách là 89/100 điểm. Nếu so với giai đoạn đánh giá trước, chẳng hạn năm 2021 cũng 89 điểm, nhưng giai đoạn 2017-2019 thì chỉ số này dưới 80 điểm. Điều đấy cho thấy sự cải thiện trong việc công khai ngân sách thông qua kiểm tra, giám sát của KTNN” - ông Tuấn dẫn chứng.

Cũng theo ông Vũ Ngọc Tuấn, những năm vừa qua, việc công khai thực hiện hằng năm, theo Luật KTNN, KTNN thực hiện báo cáo Quốc hội kết quả kiểm toán cũng như kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán.

“Bình quân hiện nay, KTNN thực thi khoảng 200 cuộc kiểm toán, phát hành khoảng 250 báo cáo kiểm toán. Thực hiện theo Nghị quyết của Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2025, hiện nay, KTNN cũng đã kiểm toán được 90% báo cáo quyết toán ngân sách các bộ, ngành, cũng như 90% báo cáo quyết toán ngân sách địa phương cấp tỉnh để phục vụ cho Hội đồng nhân dân cũng như Quốc hội xem xét về quyết toán” - ông Vũ Ngọc Tuấn khẳng định.

Cùng với đó, ông Vũ Ngọc Tuấn cho hay, thông qua hoạt động giám sát của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, KTNN cũng lựa chọn những chủ đề để kiểm toán.

“Tỷ lệ thực hiện kiểm toán hiện nay đạt khoảng 30% số cuộc kiểm toán liên quan đến các cuộc kiểm toán chuyên đề. Kiến nghị xử lý tài chính hằng năm hiện nay còn khoảng 3 tỷ USD. Bên cạnh kiến nghị xử lý tài chính, KTNN còn kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến khoảng 200 các nội dung tại văn bản hàng năm...” - ông Vũ Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

Ông Bùi Đặng Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội - nhấn mạnh nhấn mạnh vai trò của KTNN trong công khai, minh bạch ngân sách. Ảnh: HỒNG NHUNG

Ông Bùi Đặng Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội - nhấn mạnh nhấn mạnh vai trò của KTNN trong công khai, minh bạch ngân sách. Ảnh: HỒNG NHUNG

Đồng tình với 2 khách mời tại Tọa đàm, ông Bùi Đặng Dũng khẳng định, càng ngày việc các cơ quan sử dụng ngân sách, các cơ quan chấp hành ngân sách, các cử tri và nhân dân là những người giám sát việc thực hiện thấy phấn khởi bởi những chỉ số công khai, minh bạch rõ ràng hơn.

Theo ông Bùi Đặng Dũng, Luật và các Thông tư hướng dẫn của Chính phủ đã quy định rất rõ về 6 hình thức công khai, minh bạch ngân sách.

Thứ nhất là công khai tại cuộc họp.

Thứ hai là công khai bằng văn bản, treo, niêm yết ở trụ sở cơ quan.

Thứ ba là phát hành văn bản đến đối tượng liên quan.

Thứ tư là thông qua các phương tiện thông tin điện tử.

Thứ năm và thứ sáu là thông ấn phẩm chuyên đề, mạng xã hội.

“Có thể thực hiện 1 trong 6 nội dung công khai như vậy nên bắt buộc tất cả các đối tượng sử dụng ngân sách nhà nước, các đối tượng dự toán ngân sách nhà nước, các đối tượng được nhà nước hỗ trợ từ ngân sách hay các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án nhà nước có ngân sách nhà nước đều phải tuân thủ” - ông Bùi Đặng Dũng chỉ rõ.

Đặc biệt, điểm thứ hai nữa rất quan trọng, ông Bùi Đặng Dũng nhấn mạnh vai trò của KTNN.

“Với vai trò đã được quy định trong Hiến pháp, các đơn vị thực hiện chấp hành ngân sách nhà nước mong được KTNN vào kiểm toán. Kết quả của KTNN giúp đơn vị thấy được việc nào đơn vị đã làm đúng, việc nào làm chưa đúng để rút kinh nghiệm làm tốt hơn. KTNN đã giúp cho việc công khai, minh bạch rõ ràng hơn” - ông Bùi Đặng Dũng khẳng định.

Ngoài ra, Luật Thực hành tiết kiệm, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực ngân sách nhà nước được thực hiện hằng năm rất quyết liệt... cũng góp phần quan trọng trong việc đẩy mạnh việc công khai, minh bạch ngân sách...

Bên cạnh những mặt đạt được, các khách mời cũng làm rõ một số hạn chế trong việc tổ chức thực hiện công khai ngân sách gắn với kết quả kiểm toán và khuyến nghị các giải pháp khắc phục, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác này tại các đơn vị sử dụng ngân sách hiện nay./.

Những thông điệp mà các khách mời chia sẻ tại Tọa đàm sẽ được Báo Kiểm toán đăng tải trên số báo 41, phát hành ngày 10/10/2024 và đăng tải trên Báo điện tử Kiểm toán.

HỒNG NHUNG

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/dang-dien-ra-toa-dam-cong-khai-ngan-sach-tu-khung-phap-ly-den-thuc-tien-trien-khai-35305.html