Dang dở những ước mong…
Phiên tòa diễn ra vào một ngày cuối năm, thời khắc mà nhà nhà, người người đều lên kế hoạch để đoàn viên, sum họp. Vậy nhưng có một gia đình ở tận xã Lìa, huyện Hướng Hóa lại chia lìa nhau bằng bản án 16 năm tù, khi người con trai trong gia đình này phạm tội vận chuyển ma túy. Hành vi phạm tội của bị cáo đáng bị lên án nhưng hoàn cảnh của bị cáo thì lại rất đáng thương.
Những ngày cuối năm, thông qua một số bạn bè đi làm tình nguyện ở các xã ở vùng biên giới của tỉnh, chúng tôi đã gửi một ít quà cho gia đình Q. Bởi lẽ, phiên tòa hôm đó luôn khiến chúng tôi ám ảnh. Bị cáo là một cậu bé người dân tộc thiểu số Pa Kô tuổi vị thành niên có khuôn mặt ngơ ngác và hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Ở xã Lìa có lẽ không ai không biết đến hoàn cảnh của gia đình Q. Ba Q. mất cách đây khá lâu. Mẹ Q. bị khuyết tật nặng về nghe, nhìn, phải nằm liệt giường từ nhiều năm nay. Nhà còn có anh trai Q. sức khỏe không tốt và một đứa em gái út. Q. lớn lên trong hoàn cảnh ấy, không được học hành, không được quan tâm. Q. muốn gì, làm gì cũng chẳng ai biết. Rồi theo bạn bè rủ rê, bị cáo nghiện lúc nào không hay.
Q. có một người bạn gái ở phía bên kia sông Sê Pôn thuộc nước Lào và mỗi lần thăm bạn gái, bị cáo đều bơi qua sông rồi theo đường tiểu ngạch đến nhà bạn chơi. Một lần, tại nhà bạn gái, Q. gặp một người đàn ông không rõ lai lịch nhưng người này trước đây đã từng đến nhà Q. chơi, từng đưa ma túy cho Q. sử dụng. Tại cuộc gặp gỡ ở bản Ka Túp (Lào) vào ngày 23/6/2021, người đàn ông này đã thuê Q. vận chuyển ma túy với số tiền công 15 triệu đồng. Biết đó là hành vi phạm pháp nhưng Q. vẫn gật đầu đồng ý và mượn trước của người này 1 triệu đồng để tiêu xài. Sau đó, theo thỏa thuận, Q. đến bờ sông Sê Pôn phía Việt Nam, chọn vị trí có hòn đá to ngồi đợi, đến khi nghe tiếng vỗ tay từ bờ sông phía Lào thì vỗ tay lại. Đúng ám hiệu, phía bên kia sông có người đưa ma túy sang. Nhiệm vụ của Q. là nhận số ma túy đó và tiếp tục vận chuyển đến đặt tại thùng rác trước một trường học ở xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa. Vậy nhưng, đường từ điểm nhận đến điểm đặt ma túy khá xa, hơn 10 km, lại suốt đêm thấp thỏm chờ ám hiệu nhận hàng nên bị cáo ôm túi ma túy trước bụng rồi nằm ngủ ngon lành trên một bãi đất trống. Giấc ngủ vô tư, không chút lo lắng kéo dài cho đến sáng. Đến khi tỉnh dậy, thấy lực lượng chức năng, Q. hốt hoảng bỏ chạy nhưng không thoát được.
Có một chi tiết được bị cáo “tâm sự” với luật sư bào chữa là luôn muốn có tiền để… cưới vợ. Vì thế, quá trình bào chữa cho bị cáo, luật sư đã đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét áp dụng tình tiết “phạm tội do lạc hậu” để giảm nhẹ mức hình phạt cho bị cáo. Với thực trạng nạn tảo hôn vẫn còn tồn tại ở các xã miền núi thì “mong muốn” đó của bị cáo không có gì lạ. Không chỉ vậy, bị cáo còn có nhiều ước mong khác, mà đau đáu nhất có lẽ là được đỡ đần anh trai chăm mẹ, chăm em; mong có một gia đình vẹn toàn, hạnh phúc… Tuy nhiên, sự nông nỗi của bản thân khiến những ước mơ đó trở nên dang dở.
Vụ án để lại nhiều điều suy ngẫm. Vận chuyển hơn 5 kg ma túy tổng hợp gồm hai loại hồng phiến và ketamine, bị cáo phải đối diện với khung hình phạt 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình. Tuy nhiên, vì đang ở độ tuổi vị thành niên nên HĐXX đã xem xét giảm mức hình phạt cho bị cáo xuống còn 16 năm tù. Nhiều người cho rằng hành vi phạm tội của Q. là liều lĩnh, bất chấp pháp luật vì tang vật thu giữ trong vụ án là khối lượng ma túy khủng. Nhưng nhìn hình ảnh non nớt của bị cáo trước tòa, soi vào hoàn cảnh gia đình bi đát của bị cáo, nhiều người cho rằng bị cáo cũng chỉ là nạn nhân của các đối tượng mua bán ma túy tinh vi và luôn có kinh nghiệm đối phó với pháp luật. Một trong những thủ đoạn của bọn chúng là lợi dụng hoàn cảnh khó khăn, nhận thức pháp luật hạn chế của người khác để dụ dỗ, lôi kéo vào con đường nghiện ngập, mua bán, vận chuyển ma túy. Đã có rất nhiều đứa trẻ bị lôi kéo vào con đường phạm tội như thế, để lại nỗi đau cho gia đình và xã hội. Trong khi đó, đối tượng thuê thực hiện hành vi trên lại “cao chạy xa bay”, không phải vụ án nào cũng truy ra được chúng. Ví như trong vụ án của Q., cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị đã gửi yêu cầu tương trợ tư pháp cho Công an tỉnh Savannakhet (Lào) để điều tra làm rõ người đàn ông thuê Q. vận chuyển ma túy nhưng thời điểm phiên tòa diễn ra vẫn chưa có kết quả.
Còn nhớ trong phiên tòa xét xử Q. có một nhân vật vừa đảm trách vai trò người giám hộ, vừa là người phiên dịch. Anh là một cán bộ đoàn của xã Lìa, là “người thân” duy nhất của bị cáo tại phiên tòa. Có lẽ nhờ thế mà tâm lý của bị cáo cũng ổn định hơn. Lặn lội một quãng đường dài hơn 100 km, người giám hộ có mặt tại tòa sớm hơn dự kiến. Anh cho biết, phiên tòa lần trước xét xử bị cáo đã bị hoãn một lần do vắng mặt người giám hộ (vì có việc đột xuất) nên lần này phải cố gắng để không ảnh hưởng đến quá trình xét xử. Theo người giám hộ, xã Lìa được thành lập trên cơ sở sáp nhập hai xã A Xing và A Túc. Gia đình bị cáo trước thuộc xã A Xing. Địa bàn rộng, trải dài nên sau khi sáp nhập, những người làm công tác đoàn trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Có ý kiến trước tòa, anh cho biết việc tham dự phiên tòa lần này rất có ý nghĩa để mình nắm bắt sâu xa nguyên nhân của vụ việc. Từ phiên tòa xét xử Q., trên cương vị của một phó bí thư xã đoàn, anh sẽ tham mưu để ban chấp hành đoàn xã chú trọng hơn đến công tác tuyên truyền, giáo dục thanh, thiếu niên tránh xa tội phạm và tệ nạn xã hội. Nhất là trong thời gian qua, tình trạng thanh, thiếu niên người đồng bào dân tộc thiểu số vi phạm pháp luật, đặc biệt liên quan đến vấn đề ma túy gia tăng ở một số xã miền núi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.