Đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ vinh danh tranh dân gian Đông Hồ
Tranh Đông Hồ đang được gấp rút hoàn thiện hồ sơ để tháng 12 tới trình Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia thẩm định.
Được coi là dòng tranh dân gian nổi tiếng bậc nhất Việt Nam, tranh Đông Hồ (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) đang được gấp rút hoàn thiện hồ sơ để tháng 12 tới trình Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia thẩm định, làm tiền đề cho việc trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.
Theo GS.TS Bùi Quang Thanh, Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (đơn vị được giao làm hồ sơ “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ”), hiện quá trình hoàn thiện hồ sơ cho dòng tranh dân gian Đông Hồ không gặp trắc trở gì vì nguồn tư liệu phong phú, cùng với sự giúp đỡ nhiệt tình của UBND tỉnh Bắc Ninh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh, đặc biệt các gia đình nghệ nhân làm tranh ở làng Đông Hồ…
"Quá trình làm hồ sơ khá thuận lợi, trước tiên là tỉnh Bắc Ninh rất quan tâm đến việc phát triển làng tranh dân gian Đông Hồ với việc xây dựng Trung tâm Bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ bao gồm các hạng mục: xây dựng nhà truyền thống, tu bổ nhà thờ, mở lại chợ tranh gần đình, rồi bản thân gia đình các nghệ nhân: nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, Nguyễn Đăng Giáp, Nguyễn Đức Quảng... vô cùng tâm huyết với việc gìn giữ và bảo tồn di sản" - GS.TS Quang Thanh chia sẻ.
"Tranh dân gian Đông Hồ có giá trị về 2 mặt: nội dung phản ánh (các khía cạnh đa dạng của đời sống thực) và kỹ thuật thể hiện điêu luyện (phương pháp tạo màu tự nhiên, giấy điệp...), thậm chí là tái hiện lịch sử để giáo dục truyền thống cho con cháu và đề đạt ước vọng của con người... Chúng ta phải có trách nhiệm gìn giữ di sản quý báu này của dân tộc".
Sở dĩ các cơ quan chức năng khẩn thiết đề nghị UNESCO đưa tranh Đông Hồ vào danh mục Di sản văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp bởi lẽ tranh Đông Hồ có lịch sử lâu đời, có giá trị cả về văn hóa và nghệ thuật nhưng đang đứng trước nguy cơ mai một. Theo thống kê, làng tranh Đông Hồ hiện có gần 5.000 bản khắc đang lưu giữ tại gia đình của một vài nghệ nhân nhưng hầu như đều bị “phủ bụi” bởi cùng gặp khó về vấn đề “đầu ra” cho sản phẩm như các làng nghề khác ở Việt Nam.
Tuy nhiên, GS.TS Quang Thanh cũng cho biết thêm, hồ sơ “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” sẽ phải xếp hàng sau khi các hồ sơ “Then Tày, Nùng, Thái”, “Nghệ thuật xòe Thái”, “Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm” trình UNESCO được bỏ phiếu./.