Đang hóng gió trước sân, cô gái giật mình thấy vật thể lạ trên trời rơi xuống
Sự việc xảy ra tại xã Hạ Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội đang lan truyền trên mạng xã hội thu hút sự chú ý của cộng đồng.
Xem clip:
Kể lại với VietNamNet, ông Phùng Chung Nam - bố của cô gái trong clip cho biết: "Chiều 3/7, con gái tôi đang ngồi hóng gió ở sân nhà. Bỗng nhiên một khung kim loại nặng khoảng 3kg rơi xuống cạnh chỗ con đang ngồi.
Nghe con kể tôi sợ quá xem lại camera thì thấy thật nguy hiểm. Cuộn dây này rơi vào đầu ai thì không biết hậu quả sẽ ra sao nữa".
Người hàng xóm đã tới nhà ông Chung để xin lại cuộn dây diều. Khi đó, người này đang thả diều thì giông gió nổi lên to, không thể giữ được cuộn dây nên phải buông tay vì sợ bị diều kéo lên trời.
Con diều bay lên kéo theo guồng quay dây. Do khung kim loại nặng nên đứt dây diều, rơi xuống sân nhà ông Chung. Rất may sự việc xảy ra không gây thiệt hại gì về người và tài sản.
Theo ông Chung, thả diều là thú vui của mỗi người. Tuy nhiên, bây giờ nhiều người dùng loại diều sáo điện tử có âm thanh rất chói tai và thả bất kể giờ giấc ảnh hưởng tới những người xung quanh.
"Tiếng sáo bây giờ không giống như của các cụ ngày xưa. Xưa, tiếng sáo du dương êm tai mà giờ tiếng sáo cứ kêu reng reng như chuông. Đi làm về mệt tôi muốn tranh thủ nghỉ trưa nhưng tiếng sáo kêu váng cả đầu óc. Thả diều không ai cấm nhưng mong mọi người có ý thức hơn", ông Chung nói.
Ông Chung cũng cho biết, việc thả diều bất kể ngày đêm gây phiền nhiễu cuộc sống người dân, chính quyền thôn đã ra quy định không được thả diều quá 22h. Nếu qua giờ đó vẫn có người thả diều thì trưởng thôn sẽ tới nhắc nhở và kéo xuống.
"Nhiều người vẫn bất chấp giờ giấc, thả sáo diều điện tử quanh năm suốt tháng gây phiền phức cho người khác. Mùa hè các cháu học sinh nghỉ học còn đỡ, trong năm các cháu học hành thi cử mà sáo cứ kêu gây mất tập trung. Gia đình nào có người già, trẻ nhỏ thì thật sự không khác gì tra tấn", anh T.T.Đ.L (Hạ Bằng) chia sẻ.
"Khoảng 8h30 tối, tôi đang đi xe máy trên đê thôn Bãi (xã Cao Viên, huyện Thanh Oai) thì bất ngờ bị vướng vào dây diều rơi ngang đường. Tôi bị sợi dây diều to như đầu đũa cứa ngang cổ ngã ra đường, xây xát hết cả người. Rất may lúc đó tôi đi chậm, nếu không không biết sẽ nguy hiểm như thế nào nữa", anh Nguyễn Văn Ước (SN 1996, Thanh Oai) cho biết.
Theo anh Ước, chính quyền địa phương cần có biện pháp can thiệp để đảm bảo an toàn cho người dân.
Thả diều là thú vui từ hàng nghìn năm, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước trên thế giới. Trong ký ức mỗi người, hình ảnh cánh diều cong vút trên nền trời xanh, tiếng sáo diều vi vu du dương mỗi chiều hè là kỷ niệm không thể nào quên.
Hiện nay, thả diều vẫn là đam mê của rất nhiều người. Thế nhưng, một số người chưa hiểu quy tắc an toàn khi chơi diều, thả diều theo phong trào đã gây nên một số phiền phức cho cộng đồng.
Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa diều Việt Nam (Hội Di sản Văn hóa Việt Nam) đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền và gìn giữ loại hình văn hóa truyền thống được UNESCO công nhận.
Trung tâm cũng in tờ rơi tuyên truyền về 5 quy tắc chơi diều an toàn: không chơi diều gần hoặc trên đường giao thông, nơi đông người (đặc biệt là trẻ em); không chơi diều có tiếng kêu vào buổi đêm; không chơi gần cột điện và đường dây điện; không chơi trong cơn giông, sấm chớp; không chơi gần khu vực sân bay còn hoạt động.
Trao đổi với VietNamNet, bà Lê Thị Thiết - Phó Giám đốc thường trực Trung tâm bảo tồn Di sản văn hóa diều Việt Nam cho biết: "Diều sáo có từ hàng trăm năm trước. Các cụ làm bằng cật tre, và kích thước không hề to như bây giờ. Người xưa thường chơi diều sáo trong những đêm trăng thanh gió mát để tận hưởng thú vui của diều.
Khi chơi họ đo lượng gió tại thời điểm đó để điều chỉnh âm thanh của sáo diều, chỉnh lại cánh diều để lần sau chơi được hay hơn. Và ngày xưa, người chơi diều không thả diều thâu đêm suốt sáng như bây giờ, không đua nhau về kích thước khủng như bây giờ".
Không phải ngẫu nhiên sáo diều được cả thế giới công nhận là "bản ca biết bay", vì thế nếu đam mê chơi diều, hãy là người chơi diều có văn hóa.