Dâng hương tưởng niệm 692 năm ngày viên tịch Đệ nhị tổ Thiền phái Trúc Lâm Pháp Loa
Sáng 1.4 (mùng 1.3 năm Nhâm Dần), xã Hoàng Hoa Thám (Chí Linh) tổ chức dâng hương, tưởng niệm 692 năm ngày viên tịch của Đệ nhị tổ Thiền phái Trúc Lâm Pháp Loa (1330 - 2022).
Các đại biểu dâng hương tưởng niệm 692 năm ngày viên tịch của Đệ nhị tổ Thiền phái Trúc Lâm Pháp Loa
Năm nay do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, danh sách đại biểu khách mời được cắt giảm. Các đại biểu tham dự thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.
Pháp Loa tên thật là Đồng Kiên Cương, sinh ngày 7.5 năm Giáp Thân, niên hiệu Thiệu Bảo thứ 6 (1284) tại thôn Đồng Hòa, hương Cửu La, Nam Sách giang, nay thuộc phường Ái Quốc (TP Hải Dương). Năm Hưng Long 13 (1304), nhân chuyến thăm hương Cửu La của Phật hoàng Trần Nhân Tông, Đồng Kiên Cương đã ra bái yết. Vua Trần nhận ra Kiên Cương là người có khả năng tu hành đắc đạo, ông cho đi theo học đạo và đặt cho tên mới là Hỷ Lai, nghĩa là người mang lại niềm vui.
Năm 1307, Pháp Loa được trao quyền thừa kế sự nghiệp của Thiền phái Trúc Lâm, từ đó trở thành vị tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm. Ông viên tịch tại thiền viện Quỳnh Lâm vào đêm 3.3.1330. Theo di chúc, xá lỵ của ông được đặt trong Viên Thông Bảo Tháp sau chùa Thanh Mai.
Chùa Thanh Mai được xây dựng từ đời nhà Trần, thế kỷ thứ XIII. Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, chùa vẫn giữ được nét uy nghi của kiến trúc thời Trần.
Toàn bộ tượng tại chùa Thanh Mai được tạc bằng gỗ. Hệ thống di vật hiện còn gồm tượng pháp, tháp mộ, văn bia. Đáng chú ý là tấm bia đá “Thanh Mai Viên Thông tháp bi” đã được công nhận là bảo vật quốc gia.
Cùng với khu di tích Côn Sơn- Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai là mắt xích không thể tách rời trong quần thể di tích, danh thắng Yên Tử, nơi gắn liền với sự ra đời và phát triển của Phật giáo Trúc Lâm. Hiện tỉnh Hải Dương đang phối hợp với tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận quần thể di tích, danh thắng Yên Tử, trong đó có khu di tích đặc biệt Côn Sơn- Kiếp Bạc và chùa Thanh Mai là di sản thế giới.
TRUNG TUÂN