Dâng hương tưởng niệm 82 năm ngày mất cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập
Trong không khí trang nghiêm, thành kính, lãnh đạo huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh) cùng các đại biểu đã bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với những công lao, đóng góp to lớn của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc.
Sáng 21-8, đoàn lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh) và các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, địa phương do đồng chí Nguyễn Văn Thành, Bí thư Huyện ủy làm trưởng đoàn đã đến dâng hoa, dâng hương tưởng niệm 82 năm ngày mất cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập (6-7-1941 - 6-7-2023 Âm lịch) tại Khu di tích cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập ở xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên.
Trong không khí trang nghiêm, thành kính tại buổi lễ, lãnh đạo huyện Cẩm Xuyên cùng các đại biểu đã bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với những công lao, đóng góp to lớn của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc.
Trước anh linh cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập, các đại biểu nguyện hứa sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của cha anh, củng cố khối đoàn kết, chung sức đồng lòng, không ngừng nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển, giàu đẹp, văn minh.
Đồng chí Hà Huy Tập sinh ngày 24-4-1906, trong một gia đình nhà nho nghèo tại làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa (nay thuộc xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên), một vùng đất địa linh nhân kiệt, hiếu học, giàu truyền thống yêu nước, cách mạng. Đồng chí sớm tiếp thu những truyền thống tốt đẹp của quê hương và gia đình, tham gia hoạt động cách mạng và sớm trưởng thành.
Đồng chí Hà Huy Tập là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam giai đoạn 1936 - 1938. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Hà Huy Tập đã có nhiều chủ trương, quyết sách cùng với tập thể Ban Chấp hành Trung ương lãnh đạo cách mạng nước ta vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng vững bước tiến lên; đặc biệt là trong việc xây dựng đường lối và khôi phục tổ chức Đảng, tổ chức quần chúng từ Trung ương đến cơ sở...
Ngày 28-8-1941 (tức ngày 6-7 năm Tân Tỵ), đồng chí Hà Huy Tập bị thực dân Pháp xử bắn. Trước nòng súng quân thù, đồng chí khảng khái tuyên bố: “Tôi chẳng có gì phải hối tiếc. Nếu còn sống tôi sẽ tiếp tục hoạt động”.
Sự nghiệp cách mạng của đồng chí Hà Huy Tập đã để lại tấm gương sáng ngời về nhà lãnh đạo tiền bối, nhà lý luận xuất sắc của Đảng ta, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân.