Dâng hương tưởng niệm Anh hùng, Liệt sĩ Vũ Văn Hiếu tại Nam Định

* Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà tham dự Lễ dâng hươngSáng 16.7, nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (1947 - 2023), Lãnh đạo một số cơ quan Trung ương và tỉnh Nam Định đã tham dự Lễ dâng hương tưởng niệm Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Liệt sĩ Vũ Văn Hiếu - Bí thư Đặc khu ủy đầu tiên của Khu mỏ Quảng Ninh tại Khu lưu niệm đồng chí Vũ Văn Hiếu ở huyện Hải Hậu, Nam Định.

Các đại biểu dâng hương tưởng nhớ Anh hùng liệt sĩ Vũ Văn Hiếu

Các đại biểu dâng hương tưởng nhớ Anh hùng liệt sĩ Vũ Văn Hiếu

Tham gia Đoàn có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà; Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc; Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy...

Liệt sĩ Vũ Văn Hiếu, sinh ngày 20.3.1907 tại xã Hải Anh, huyện Hải Hậu. Tháng 11.1929, đồng chí được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng và tham gia sinh hoạt tại chi bộ Hòn Gai; tháng 4.1930 ông được cử làm Bí thư Đảng ủy mỏ than Hòn Gai - Cẩm Phả. Tháng 10.1930, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất quyết định thành lập Đảng bộ Đặc khu mỏ than Đông Triều, Hòn Gai, Cẩm Phả. Đồng chí Vũ Văn Hiếu được Trung ương chỉ định làm Bí thư và trở thành Bí thư Đặc khu ủy đầu tiên của Khu mỏ Quảng Ninh.

Các đại biểu tham quan hiện vật tại Khu lưu niệm Anh hùng liệt sĩ Vũ Văn Hiếu

Các đại biểu tham quan hiện vật tại Khu lưu niệm Anh hùng liệt sĩ Vũ Văn Hiếu

Ngày 9.2.1931, ông cùng gần 70 cán bộ, đảng viên và quần chúng ưu tú của Đảng bộ Đặc khu bị địch bắt, sau đó bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo; bị giam cùng các đồng chí: Nguyễn Văn Cừ, Hạ Bá Cang, Nguyễn Khắc Khang. Tại đây, ông đã tích cực tham gia Ban trật tự bí mật tổ chức hướng dẫn, chỉ đạo cuộc đấu tranh trong nhà tù.

Tháng 11.1936, Vũ Văn Hiếu được trả tự do. Ông được giao nhiệm vụ giúp việc cho Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, sau đó được giao phụ trách Văn phòng Trung ương Đảng (Chánh văn phòng Trung ương đầu tiên của Đảng ta). Trong đợt khủng bố của địch tháng 1.1940, đồng chí Vũ Văn Hiếu cùng các đồng chí: Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn... bị địch bắt tại cơ quan Văn phòng Trung ương. Đầu năm 1941, ông bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo lần thứ hai và bị giam cùng các đồng chí Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh. Vào một ngày giá lạnh đầu năm 1943, sau khi cởi chiếc áo đang mặc trao cho đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Vũ Văn Hiếu đã trút hơi thở cuối cùng.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Vũ Văn Hiếu - người con ưu tú của quê hương Nam Định, là tấm gương sáng ngời về lòng trung thành với lý tưởng cộng sản, lẽ sống và phẩm chất cách mạng đã trở thành biểu tượng “Sống vì Đảng mà chết cũng không rời Đảng”. Để tôn vinh và tưởng nhớ công lao của đồng chí, ngày 10.8.2015, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 1674/QĐ-CTN truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân cho Liệt sĩ Vũ Văn Hiếu.

Tại phường Hà Tu, thành phố Hạ Long, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh đã dựng tượng đài đồng chí Vũ Văn Hiếu bằng chất liệu đá nguyên khối.

Tại Nghĩa trang Hàng Dương - Côn Đảo đã xây dựng bức tượng “Trao áo”, biểu hiện cho tinh thần hy sinh cao cả vì Tổ quốc của người chiến sĩ cách mạng Vũ Văn Hiếu.

Thanh Chi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/dang-huong-tuong-niem-anh-hung-liet-si-vu-van-hieu-tai-nam-dinh-i336326/