Dâng hương tưởng niệm danh nhân Lê Thành Phương

Ngày 8/3 (tức 28 tháng Giêng năm Giáp Thìn), huyện Tuy An long trọng tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm 137 năm Ngày mất danh nhân Lê Thành Phương (1887-2024) tại Di tích lịch sử cấp quốc gia Đền thờ Lê Thành Phương (ở thôn Mỹ Phú 1, xã An Hiệp, huyện Tuy An).

Biểu diễn múa cờ tại lễ dâng hương và lễ hội Lê Thành Phương. Ảnh: THIÊN LÝ

Biểu diễn múa cờ tại lễ dâng hương và lễ hội Lê Thành Phương. Ảnh: THIÊN LÝ

Các đồng chí: Lê Tấn Hổ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh; Đào Bảo Minh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy; Trần Hữu Thế, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Khối cơ quan, doanh nghiệp tỉnh; nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; lãnh đạo các sở, ban ngành, đoàn thể, địa phương và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đến dâng hương, cùng ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và bày tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ công đức của chí sĩ, danh nhân Lê Thành Phương đối với quê hương, đất nước.

Sinh năm 1825 tại làng Mỹ Phú, tổng Xuân Vinh (nay thuộc thôn Mỹ Phú 1, xã An Hiệp, huyện Tuy An) trong gia đình có truyền thống nho học và giàu lòng yêu nước, Lê Thành Phương thi đỗ tú tài năm 30 tuổi và mở trường dạy học ở quê nhà. Năm 1885, hưởng ứng Chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, chí sĩ Lê Thành Phương cùng một số sĩ phu, văn thân yêu nước ở Phú Yên đứng lên tập hợp lực lượng nghĩa quân, dựng cờ khởi nghĩa chống thực dân Pháp xâm lược.

Ngày 11/2/1887, trên đường về Tuy Hòa để chuẩn bị kế hoạch tổng phản công chiếm lại đồng bằng, Lê Thành Phương sa vào tay giặc. Dù thực dân Pháp dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ mua chuộc, tra tấn nhưng không lay chuyển ý chí sắt đá của ông. Lê Thành Phương khẳng khái trước quân thù với câu nói bất hủ: “Ninh thọ tử bất ninh thọ nhục” (Thà chịu chết chứ không sống nhục).

Ngày 20/2/1887 (tức 28 tháng Giêng năm Đinh Hợi), giặc Pháp xử tử Lê Thành Phương cùng một số nghĩa quân tại bến đò Cây Dừa (thuộc xã An Dân, huyện Tuy An ngày nay). Trước khi bị hành hình, Lê Thành Phương đã ung dung ngâm bài thơ “Tuyệt bút” để bày tỏ tấm lòng yêu nước tha thiết, nỗi uất hận, oán thù lũ giặc ngoại xâm và bọn tay sai bán nước; đồng thời gửi gắm niềm tin vào hậu thế mai sau.

Cuộc khởi nghĩa do chí sĩ Lê Thành Phương tổ chức, lãnh đạo thể hiện rõ ý thức độc lập tự chủ và bản lĩnh quật cường, anh dũng của người dân Phú Yên. Năm 1996, mộ và đền thờ danh nhân Lê Thành Phương được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia. Hằng năm, vào ngày 28 tháng Giêng âm lịch, người dân đến thắp hương, tưởng nhớ ông.

Cùng ngày, lễ hội Lê Thành Phương cũng đã diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa - thể thao và các trò chơi dân gian, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách.

THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/314045/dang-huong-tuong-niem-danh-nhan-le-thanh-phuong.html