Đặng Huy Quyển với triển lãm đậm chất ý niệm
Vẽ nhiều, nung nấu nhiều, nhưng Đặng Huy Quyển triển lãm cá nhân rất ít. Tranh của anh không tả thực, cũng không phải siêu thực, mà đậm chất ý niệm. Xem tranh của anh có cảm giác như những suy nghĩ 'vò xé' nhào lộn sắc màu lên toan. Triển lãm 'Không tên' của anh vừa được khai trương chiều ngày 1/3 tại 16 Ngô Quyền, Hà Nội.
Nói về sự tha hóa, bị đồng tiền sai khiến của một số quan chức, gần đây người ta lưu truyền câu: “cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền”. Ít ai biết rằng câu thoại đó là do nhà biên kịch Đặng Huy Quyển viết ra trong bộ phim truyền hình “Bản lĩnh người đẹp” (8 tập, đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn, VFC sản xuất 2005). Viết nhiều kịch bản phim, nhiều tiểu phẩm hài cho VTV một thời và tạo được dấu ấn, nhưng hóa ra Đặng Huy Quyển chỉ lấy đó làm kế sinh nhai và dành dụm để vẽ.
Sinh năm 1948 tại Hà Nội, học vẽ từ lúc 10 tuổi, Đặng Huy Quyển được cha hướng cho theo học Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Sức hấp dẫn của hội họa tạo hình đã cuốn hút Đặng Huy Quyển. Năm 2018, Đặng Huy Quyển mới triển lãm cá nhân lần đầu. Trong đó có 1 lần triển lãm tại Hà Nội và 1 lần tại Pháp (ngày 1/4 đến 13/4/2018) cách Bảo tàng Picaso 40m. Tranh của hai cuộc triển lãm đều khác nhau. Họa sĩ Đặng Huy Quyển cho biết: Tới nay, anh đã vẽ khoảng 700 bức tranh sơn dầu nên không thiếu tranh để bày. Triển lãm “Vẽ cái mông lung” của Đặng Huy Quyển diễn ra 1 tháng (từ 21/7 đến 21/8/2018) tại tầng 3, Indochina Plaza, 241 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội trưng bày 50 bức tranh sơn dầu khiến người xem ngỡ ngàng. Tranh của Đặng Huy Quyển không tả thực, cũng không siêu thực, mà mang một ý niệm nào đó về cuộc sống, về con người.
Lối vẽ “ý niệm” này đeo đẳng họa sĩ Đặng Huy Quyển khoảng 20 năm nay. Từ vẽ “nuy” một thời được bạn bè gọi thành nghệ danh “Đặng Nuy (Luy) Quyển” anh chuyển hẳn sang vẽ ý niệm. Trong số các bức tranh anh ưng ý phải kể đến bức “Nhân sinh” dài 65m, khổ 1,2m. Và bức “Dải thời gian” cao 50m, rộng 1,75m. Nếu như “Nhân sinh” nói về con người trong chu kỳ vận động sinh - diệt thì bức thứ hai lại nói về “Triết học, tôn giáo” của cây. Trong ý niệm của họa sĩ, “động vật thì có thể tan biến nhưng thực vật thì không”.
Tại lần triển lãm “Không tên”, họa sĩ Đặng Huy Quyển đem đến trích đoạn 14m của bức “Nhân sinh”. Đoạn tranh này có nội dung về quá trình vận động của lịch sử nông thôn Việt Nam trải qua thời kỳ phong kiến. Những cảnh tù đầy, xử tử, bà con mò cua bắt ốc, người kéo cày thay trâu… Đó là những hình ảnh quen thuộc mà hồi bé ám ảnh họa sĩ lúc sơ tán trong cuộc chiến với Mỹ. Rồi quan niệm về đời sống tâm linh của người dân về cái chết không phải là hết. Người đã khuất vẫn hiện hữu đâu đó để âm phù người sống. Từ đời sống tâm linh, tinh thần của người dân phát triển lên một mức cao hơn là sinh ra loại hình nghệ thuật sân khấu. Trong bức tranh là loại hình tuồng, chèo. Trích đoạn tranh khác là Hà Nội trong cách nhìn của họa sĩ mang gam màu trầm mặc, và hình khối biến họa kiểu chữ vuông của chữ Hán. Từ đó phát triển ra các hình khối khác của đất kẻ chợ là hình thiếu nữ, xích lô…
Về lý do lấy tên triển lãm là “Không tên” họa sĩ Đặng Huy Quyển cho biết: Chỉ đơn giản là các tranh chẳng cùng một chủ đề gì cả. Xem tranh, người xem sẽ có nhiều cảm xúc khác nhau và họ sẽ tự đặt tên nếu muốn. Vì vậy, triển lãm sẽ rất nhiều tên vì nhiều bức tranh phản ánh các góc cạnh của cuộc sống. Ngoài hình ảnh nông thôn, trong triển lãm lần này, một số bức tranh của họa sĩ Đặng Huy Quyển đề cập đến hình ảnh người phụ nữ. Anh không muốn đi vào những hình khối ẻo lả, mềm mại thướt tha của người phụ nữ, mà muốn khai thác góc sâu thẳm trong tâm hồn, cuộc sống của họ. Đó là hình ảnh người phụ nữ mang thai, là người phụ nữ “đỏ”; là người phụ nữ đánh đàn; là người đàn bà vật lộn “rách mặt” với cuộc sống để lo cho chồng cho con; là người phụ nữ đan len mà sợi len là chính người của họ, đan xong là hình người biến mất, như con tằm đã nhả hết tơ… Tuy nhiên, cũng lại có tranh thiếu nữ mà họa sĩ kéo dài tỷ lệ để tạo nên vẻ đẹp riêng.
Đề tài hiện đại cũng được Đặng Huy Quyển thể hiện theo cách nhìn riêng. Ví như bức tranh “yêu nhầm người máy”. Hay một bức tranh khác vẽ hình ảnh đầu của nhà tu hành thời đại 4.0. Họ vừa nhà tu hành, vừa là nhà trí thức, vừa là nhà doanh nghiệp…
Người xem dừng lại khá lâu trước bức “Tự họa” của Đặng Huy Quyển. Anh không vẽ tả thực. Trong tranh rõ là một người đàn ông. Nhưng là một người đàn ông góc cạnh, méo mó, khác hẳn chất thư sinh “tiểu tư sản” Hà thành của họa sĩ.
Vẽ cái đằng sau, vẽ cái ý niệm, vẽ cái giằng xé nội tâm. Đó chính là phong cách Đặng Huy Quyển.