Đăng kiểm - không thể là 'chia bánh'

Đề xuất tổ chức lại mô hình hoạt động, quản lý đối với hệ thống trung tâm đăng kiểm, đơn vị đăng kiểm đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Kiểm tra phương tiện tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 34-04D (Kim Thành)

Kiểm tra phương tiện tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 34-04D (Kim Thành)

Sau nhiều tranh cãi và góp ý, ngày 21.3 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT ngày 12.8.2021 quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, có hiệu lực từ ngày 22.2. Theo đó, nội dung được chú ý đã được bàn thảo nhiều trên báo chí và các diễn đàn, mạng xã hội là miễn kiểm định lần đầu đối với xe cơ giới chưa qua sử dụng và kéo dài chu kỳ kiểm định. Ngày 5.4, đại diện Cục Đăng kiểm cho biết cục đang nghiên cứu đề xuất tổ chức lại mô hình hoạt động, quản lý đối với hệ thống trung tâm đăng kiểm, đơn vị đăng kiểm phương tiện đường bộ, phương tiện thủy thuộc các sở. Theo đó, 37 đơn vị trực thuộc cục sẽ được tổ chức lại thành 7 trung tâm đăng kiểm để thực hiện dịch vụ đăng kiểm phương tiện đường bộ, tàu biển, đường sắt và công trình biển.

Những thay đổi này là nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước nhằm cải tổ những bất cập trong lĩnh vực đăng kiểm thời gian qua. Tuy nhiên, những sự thay đổi này mới dừng lại ở mức độ cơ học như giảm số lần kiểm định, cơ cấu lại bộ máy của Cục Đăng kiểm, chứ chưa thực sự cải tổ công tác đăng kiểm, nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm, thực hiện đúng mục tiêu bảo đảm chất lượng phương tiện giao thông và an toàn của người dân khi tham gia giao thông. Tình trạng nhận tiền và chấp nhận đăng kiểm không chỉ xảy ra với người dân tham gia đăng kiểm định kỳ xe cá nhân mà còn diễn ra với phương tiện hoán cải để sử dụng sai chức năng, tiềm ẩn cao nguy cơ mất an toàn giao thông đường bộ. Vì vậy, cần có những thay đổi không chỉ để loại trừ sự nhũng nhiễu người dân tại các trung tâm đăng kiểm mà còn nhằm nâng cao chất lượng đăng kiểm, không để lọt những trường hợp hoán cải, thay đổi kết cấu của xe, thêm bớt các chi tiết có thể gây mất an toàn khi tham gia giao thông.

Để làm được điều này, tôi tin chắc là tay nghề, chuyên môn của các nhân viên đăng kiểm không phải là rào cản mà cần có cơ chế, cách giám sát để nâng cao trách nhiệm khiến họ không dám làm sai. Hiện nay, nhiều người mới chỉ nghĩ đến việc phân quyền đăng kiểm mà gắn liền với đó là quyền được thu phí đăng kiểm chứ chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm, người thực hiện đăng kiểm khi phương tiện không đủ điều kiện lưu hành gây tai nạn giao thông. Nếu xe vi phạm giao thông sai với thiết kế ban đầu gây mất an toàn như tăng số lượng chỗ ngồi, tăng tải trọng của xe (vốn không thể dễ dàng khôi phục nguyên hiện trạng ban đầu để qua mặt đăng kiểm)... được gắn với trách nhiệm của cán bộ đăng kiểm, trung tâm đăng kiểm thì có lẽ khi nhận tiền để làm ngơ các sai phạm này, họ sẽ phải cân nhắc trách nhiệm hình sự. Khi xảy ra tai nạn giao thông mà phương tiện tham gia đã qua đăng kiểm và trong thời hạn đăng kiểm mà không đủ điều kiện lưu hành thì cơ quan điều tra cần xác định rõ lỗi này thuộc về đơn vị đăng kiểm hay chủ xe để quy trách nhiệm. Lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử phạt các xe vi phạm thay đổi kết cấu xe ngay cả khi không gây tai nạn giao thông. Đồng thời nên tăng mức xử phạt đối với lỗi này như giữ bằng lái, có biện pháp bắt buộc khôi phục tình trạng xe nếu muốn tiếp tục tham gia giao thông (chứ không chỉ phạt tiền như hiện tại).

Với sự gia tăng ngày càng nhiều số phương tiện giao thông đường bộ cần đăng kiểm thì lĩnh vực đăng kiểm mang lại mối lợi không nhỏ cho các đơn vị thực hiện. Song đây không thể là miếng bánh để các bên chia sẻ quyền lợi mà phải gắn với trách nhiệm để hoạt động đăng kiểm được minh bạch, góp phần giảm bớt tai nạn giao thông.

THÁI HÒA

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/goc-nhin/dang-kiem---khong-the-la-chia-banh-231309