Đăng kiểm viên đại học: Sự mâu thuẫn giữa bằng cấp và thực tiễn
Sự mâu thuẫn giữa tiêu chuẩn bằng cấp và thực tiễn công việc là điều mà chúng ta có thể nhận thấy hàng ngày, trong rất nhiều lĩnh vực. Song, có vẻ như chúng ta ít suy nghĩ về những hệ lụy của việc đó.
Mới đây, khi đưa xe đi đăng kiểm và nói chuyện với một đăng kiểm viên chính tại cơ sở đăng kiểm đó, tôi không chỉ nói về thủ tục đăng kiểm hiện nay thế, tôi còn biết được bạn đăng kiểm viên đó từng là kỹ sư ô tô ở một trường đại học có tiếng của Việt Nam.
Là một người cũng xuất thân từ ngành kỹ thuật, tôi hỏi đăng kiểm viên đó có sử dụng những kiến thức của kỹ sư ô tô trong công việc đăng kiểm không, thì tôi nhận lại được một nụ cười rất vui vẻ cùng câu trả lời: “Thực ra công việc của một đăng kiểm viên gần như không cần đến kỹ năng, kiến thức của một kỹ sư ô tô”.

Đăng kiểm viên – kỹ sư ô tô chỉ để… nhìn và đọc số liệu? (Ảnh minh họa: ChatGPT)
Tôi hoàn toàn đồng ý với điều đó và tôi cũng đã từng nêu vấn đề này với không ít người. Thực tế đến giờ, quy định đăng kiểm viên muốn được thực hiện công việc đăng kiểm thì buộc phải là kỹ sư chuyên ngành ô tô vẫn đang có hiệu lực.
Đây không phải là lĩnh vực duy nhất có tình trạng này. Chúng ta từng có quy định về hướng dẫn viên du lịch cũng phải được học và tốt nghiệp về du lịch, có chứng chỉ cao đẳng du lịch hoặc đại học du lịch.
Điều đó dẫn đến tình trạng quá lãng phí. Ví dụ trong một bệnh viện, trong khi việc chẩn bệnh, xem các kết quả là công việc của bác sĩ. Những việc đo các chỉ số, đánh giá các chỉ số bình thường của một con người như cân nặng, chiều cao… thì là công việc của hộ lý, y tá.
Hay việc có nhiều vị trí công việc trong xã hội mà chúng ta đòi hỏi quá cao, như đòi hỏi một đăng kiểm viên phải đọc đúng, đọc chính xác các chỉ số trên các thiết bị kiểm định, nhưng thực ra quy trình đăng kiểm xe ô tô không có nhiều, nó cần đến con mắt, kỹ năng và hiểu biết của một người thợ là đã đủ. Nhưng chúng ta đòi hỏi một người phải bỏ ra 4-5 năm học đại học, có bằng kỹ sư ô tô để đi làm công việc này.

Khi bằng cấp trở thành rào cản cho nguồn nhân lực
Tôi nghĩ đó là một sự lãng phí xã hội, nó khiến cho không chỉ chúng ta khó khăn trong việc tìm kiếm người, như đã từng xảy ra trong bối cảnh “khủng hoảng đăng kiểm” trước đây, thời điểm đó không hề không dễ để có thể tìm đủ người. Hay chẳng hạn như nhiều lĩnh vực khác, khi cần bổ sung nhân lực thì chúng ta lại đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Có lẽ, một trong những nguyên nhân đó là việc chúng ta đòi hỏi, đưa ra những tiêu chí quá cao và dựa quá nhiều bằng cấp. Trong khi cách tiếp cận mà tôi nghĩ là hợp lý hơn, đó là có những yêu cầu phù hợp với thực tiễn công việc.
Câu chuyện của các đăng kiểm viên phải tốt nghiệp đại học cần phải xem xét, để những thủ tục, những quy định theo cách như vậy cần được cởi bỏ, qua đó giúp chúng ta không quá lãng phí trong việc sử dụng nguồn lực, hoặc quá khó khăn mỗi khi cần phải chuyển đổi, cần phải thay đổi.