Đăng kiểm viên tàu biển có thể chuyển đổi sang đăng kiểm phương tiện thủy nội địa

Nhiều quy định mới về tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của đăng kiểm viên phương tiện thủy nội địa sẽ có thay đổi từ ngày 20/3 khi Thông tư số 02/2024/TT-BGTVT do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ban hành chính thức có hiệu lực.

Cụ thể, Thông tư số 02/2024/TT-BGTVT sửa đổi bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của lãnh đạo, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ của đơn vị đăng kiểm phương tiện thủy nội địa.

 Nhằm tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, đăng kiểm viên tàu biển có thể chuyển đổi sang đăng kiểm phương tiện thủy nội địa. Ảnh minh họa.

Nhằm tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, đăng kiểm viên tàu biển có thể chuyển đổi sang đăng kiểm phương tiện thủy nội địa. Ảnh minh họa.

Theo Cục trưởng Cục Đăng kiểm Nguyễn Chiến Thắng, sau 8 năm ban hành thì hiện nay Thông tư 49/2015/TT-BGTVT cho thấy nhiều điều khoản chưa phù hợp và không còn đáp ứng được với đòi hỏi của thực tế.

Mặc dù Thông tư này cũng đã được sửa đổi, bổ sung bởi các Thông tư như TT 42/2018/TT-BGTVT và Thông tư số 27/2023/TT-BGTVT.

Vì vậy để đảm bảo không bị động về nhân lực trong lĩnh vực đăng kiểm phương tiện thủy, đáp ứng nguồn nhân lực cho các đơn vị đăng kiểm thực hiện nhiệm vụ đăng kiểm phương tiện thủy nội địa theo phân cấp tại Thông tư 16/2023/TT-BGTVT và phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay; việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 49/2015/TT-BGTVT là cần thiết.

Ông Vũ Anh, Phụ trách phòng Tàu sông (Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho biết, Thông tư 02/2024/TT-BGTVT ra đời đã có những thay đổi rất lớn về tiêu chuẩn đầu vào, nội dung đào tạo, thời gian thực tập và nhiệm vụ của đăng kiểm viên đường thủy.

Đặc biệt, nhằm tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, Thông tư mới cũng cho phép đăng kiểm viên tàu biển được chuyển đổi sang đăng kiểm phương tiện thủy nội địa.

Thời gian thực tập và giữ hạng của các đăng kiểm viên đã được thay đổi và rút ngắn. Đối với đăng kiểm viên hạng III: Thời gian thực tập nghiệp vụ đăng kiểm tối thiểu là 12 tháng. Đối với đăng kiểm viên hạng II: Thực hiện công tác kiểm tra hạng III có tổng thời gian giữ hạng đủ 12 tháng.

Với đăng kiểm viên hạng I: Thực hiện công tác kiểm tra hạng II có thời gian giữ hạng đủ 24 tháng; Bỏ quy định về thời gian thực tập nghiệp vụ mà chỉ yêu cầu đủ khối lượng thực tập theo quy định để phù hợp với thực tế.

Đối với đăng kiểm viên thực hiện công tác thẩm định thiết kế: Thực tập nghiệp vụ thẩm định thiết kế tối thiểu 6 tháng.

Ngoài ra nhiệm vụ, phạm vi thực hiện của các hạng ĐKV I, II, III cũng được thay đổi để phù hợp với hạng của đơn vị đăng kiểm hạng I, II, III được quy định tại Thông tư số 16/2013/TT-BGTVT.

Bên cạnh đó Thông tư sửa đổi cũng đơn giản hóa, làm rõ ràng hơn các thành phần thủ tục, hồ sơ đề nghị công nhận đăng kiểm viên; cấp lại giấy chứng nhận đăng kiểm viên. Mở rộng đối tượng được công nhận đăng kiểm viên trong trường hợp đặc biệt.

Thế Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dang-kiem-vien-tau-bien-co-the-chuyen-doi-sang-dang-kiem-phuong-tien-thuy-noi-dia-post287766.html