Đặng Kinh - vị tướng tổ chức, chỉ huy cách đánh du kích lừng danh

Cách đây gần hai tháng, chúng tôi có dịp gặp Trung tướng Đặng Kinh, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam nhân dịp Thành ủy Hải Phòng tổ chức lễ trao tặng ông Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng. Biết ông ở tuổi 98 đã yếu đi nhiều, thế nhưng khi nghe tin người con của quê hương Hải Phòng trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng chúng tôi vẫn không khỏi bàng hoàng…

Do yêu cầu công tác, tôi may mắn được gặp và tiếp xúc với Trung tướng Đặng Kinh khá nhiều lần. Những lần gặp gần đây, sức khỏe của ông tuy giảm sút nhưng vẻ mặt của vị tướng già luôn sáng lên khi nói về những tháng năm gian khổ làm cách mạng. Trung tướng Đặng Kinh tên thật là Đặng Văn Rợp, sinh năm 1922, tại xã Bắc Sơn, huyện An Lão, TP Hải Phòng trong một gia đình nông dân nghèo. 11 tuổi, cậu bé Rợp phải theo cha đến Hòn Gai (Quảng Ninh) làm công nhân mỏ. Người đầu tiên dẫn dắt ông đến với cách mạng chính là đồng chí Tô Hiệu (lúc đó là Bí thư Thành ủy Hải Phòng). Ông từ một công nhân mỏ trở thành đảng viên cộng sản và là cán bộ quân sự đầu tiên của liên tỉnh Hải Phòng-Kiến An. Cũng từ đây, ông được các cấp ủy đảng phân công chỉ huy lực lượng tự vệ chiến đấu, trực tiếp chỉ huy và tham gia nhiều trận đánh lớn; tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Kim Sơn (Kiến Thụy) vào tháng 7-1945; chỉ huy lực lượng vũ trang (LLVT) chống Nhật bảo vệ căn cứ Kim Sơn (ngày 4-8-1945) và huy động lực lượng hỗ trợ Hải Phòng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hải Phòng và Kiến An (ngày 23 và 24-8-1945). Ông đã chỉ huy nhiều trận đánh khác trong những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trên các mặt trận: An Dương-Đường 5, Cầu Rào-Đồ Sơn… khiến quân địch nhiều phen khiếp sợ.

 Lãnh đạo Thành ủy Hải Phòng trao Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng tặng Trung tướng Đặng Kinh (tháng 9-2019). Ảnh: CHU ANH

Lãnh đạo Thành ủy Hải Phòng trao Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng tặng Trung tướng Đặng Kinh (tháng 9-2019). Ảnh: CHU ANH

Trung tuần tháng 10-1952, trên cương vị Tỉnh trưởng Tỉnh đội Kiến An, ông chỉ huy 3 đại đội của tỉnh và một đại đội của huyện bất ngờ luồn vào hai xã địch chiếm đóng là Tự Cường và Đại Thắng (huyện Tiên Lãng) đánh trận phục kích lớn trên đoạn Quốc lộ 10, từ bến đò Quý Cao đến Bến Cựu. Trận đánh diễn ra ác liệt, kéo dài một ngày. Kết quả, ta giành thắng lợi lớn, tiêu diệt và bắt sống 250 tên địch, làm chấn động cả một vùng địch đang tạm chiếm. Tiếp đến là đêm 20-4-1953, ông tiếp tục chỉ huy hơn 300 bộ đội tinh nhuệ dưới sự che chở của nhân dân huyện An Lão và thị xã Kiến An, bất ngờ tập kích vào 4 khu kho tàng và căn cứ lớn của địch ngay trong tỉnh lỵ Kiến An. Ta đốt kho làm cháy hàng trăm xe, pháo cơ giới, phá hủy 60 kho đạn, tiêu diệt và bắt sống gần 700 tên địch, trong đó có tên tỉnh trưởng Trịnh Như Tiếp và toàn bộ chỉ huy bảo chính đoàn.

Bước vào mùa hè năm 1953, sau chiến thắng Kiến An, các cán bộ lãnh đạo tỉnh Kiến An xác định: “Muốn đánh địch bằng lực lượng nhỏ mà giành thắng lợi lớn thì cần phải đánh sâu hơn”. Qua nhiều ngày nghiên cứu nắm vững tình hình, từ một đại đội của tỉnh và phân đội chuyên đánh mẫu, đồng chí Đặng Kinh đề xuất lập 4 tiểu đội hành quân vào địa bàn huyện An Dương, giáp Đường số 5. Đêm 18-6-1953, quân ta bất ngờ luồn vào Sở Dầu-Thượng Lý (là kho chứa xăng, dầu và nơi dự trữ nhiên liệu quan trọng của quân đội viễn chinh Pháp chuyên cung cấp cho các chiến trường Bắc Bộ). 4 tiểu đội do đồng chí Đặng Kinh chỉ huy sử dụng bộc phá phá hủy các bồn chứa xăng. Ngọn lửa lan rộng, đốt trụi cả khu kho chứa 147 triệu lít xăng, dầu và 300 xe cơ giới của địch.

Mỗi chiến thắng của bộ đội địa phương và dân quân quân du kích trong kháng chiến chống Pháp trên địa bàn TP Hải Phòng và tỉnh Kiến An đều có dấu ấn đậm nét của đồng chí Đặng Kinh. Sau chiến thắng Sở Dầu là chiến công phá tan trận càn Claude ở Tiên Lãng từ ngày 28-8 đến 19-9-1953. Vào lúc 8 giờ ngày 28-8-1953, quân Pháp huy động 12 tiểu đoàn rầm rộ tấn công vào Tiên Lãng, nhằm san phẳng khu bàn đạp của ta. Không để quân địch thực hiện ý đồ, đồng chí Đặng Kinh đã chỉ huy hai đại đội của tỉnh luồn sâu vào đánh phá địch ngay trong vòng vây, khiến chúng choáng váng. Qua 22 ngày đêm chống càn, ta tiêu diệt hơn 1.300 tên địch, làm thất bại kế hoạch bình định của quân Pháp vào Tiên Lãng.

Thực hiện "chia lửa" với chiến trường Điện Biên Phủ, LLVT Hải Phòng đã tiến hành trận tập kích vào sân bay Cát Bi ngày 7-3-1954. Trận đánh thắng lợi, thêm một lần chứng tỏ tư duy đánh địch sáng tạo, táo bạo của chỉ huy Đặng Kinh. Ngày đó, sân bay Cát Bi được thực dân Pháp coi là một căn cứ không quân bất khả xâm phạm và là đầu cầu hàng không tiếp tế cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đồng chí Đặng Kinh được giao xây dựng phương án, kế hoạch tập kích sân bay. Trên cơ sở nghiên cứu kỹ tình hình, với phương châm chỉ đạo phải đánh thắng nhưng nhất thiết phải bảo toàn lực lượng, ông đề xuất thay đổi phương án tác chiến. Từ chỗ chuẩn bị lực lượng gồm 130 cán bộ, chiến sĩ theo kế hoạch ban đầu đã được thay bằng tuyển lựa 32 cán bộ, chiến sĩ, tổ chức trinh sát nắm chắc tình hình địch, chọn địa bàn ém quân, rồi bố trí lực lượng luồn sâu vào trận địa của địch, bất ngờ nổ súng, phá hủy 59 máy bay của địch (phần lớn là máy bay chiến đấu và vận tải hạng nặng). Đây là trận đánh phá sân bay lớn nhất trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, phối hợp hiệu quả với chiến trường Điện Biên Phủ.

Trung tướng Đặng Kinh là vị tướng có kinh nghiệm về tổ chức và chỉ huy chiến tranh du kích trong vùng địch hậu, dường như chiến tranh du kích khu vực Hải Phòng-Tiên Lãng gắn liền với tên tuổi của ông. Nhà nghèo, lại tham gia hoạt động cách mạng từ khi còn nhỏ nên phải đến 52 tuổi ông mới học xong chương trình đại học, nhưng ông lại là một chuyên gia giảng dạy về chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân cho các sĩ quan, chuyên gia quân sự nước ngoài. Trong suốt quá trình công tác, Trung tướng Đặng Kinh vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, hai Huân chương Quân công hạng Nhất và một Huân chương Quân công hạng Nhì cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Trung tướng Đặng Kinh đã đi xa, nhưng những câu chuyện về người chỉ huy du kích tài ba, hết lòng phụng sự cách mạng, phục vụ nhân dân còn sống mãi trong tâm trí người dân, trong tâm trí LLVT thành phố cảng trung dũng, quyết thắng…

NGÔ DUY ĐÔNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su-nhan-vat/dang-kinh-vi-tuong-to-chuc-chi-huy-cach-danh-du-kich-lung-danh-599178