Đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và quyền tác giả trên phạm vi quốc tế
Khi muốn đăng ký bảo hộ quốc tế về sáng chế và nhãn hiệu, doanh nghiệp sẽ sử dụng Hệ thống PCT và Hệ thống Madrid. Vậy, khi muốn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp quốc tế, doanh nghiệp có thể thông qua những thủ tục nào? Và quyền tác giả liệu có hiệu lực quốc tế?
Bảo hộ quốc tế về kiểu dáng công nghiệp
Theo quy định chung, việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp bị giới hạn trong lãnh thổ của quốc gia mà doanh nghiệp yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ. Nếu muốn bảo hộ ở nhiều quốc gia, doanh nghiệp phải nộp các đơn đăng ký riêng biệt và phải tuân theo các thủ tục khác nhau tại mỗi quốc gia.
Thỏa ước La Hay liên quan đến việc đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp là một điều ước quốc tế do WIPO quản lý, cung cấp cho người nộp đơn một cách thức đơn giản để đăng ký kiểu dáng công nghiệp ở nhiều nước khác nhau. Thỏa ước cho phép công dân, cư dân, hoặc doanh nghiệp được thành lập ở quốc gia thành viên của Thỏa ước, có thể được bảo hộ kiểu dáng công nghiệp ở nhiều nước khác.
Doanh nghiệp có thể tuân theo các thủ tục sau: đăng ký kiểu dáng công nghiệp “quốc tế” một bản duy nhất, bằng một loại ngôn ngữ (tiếng Anh hoặc tiếng Pháp), trả một khoản phí duy nhất bằng một loại tiền tệ; và nộp đơn tại một cơ quan (hoặc nộp trực tiếp tại Văn phòng Quốc tế của WIPO hoặc trong các trường hợp nhất định thông qua cơ quan của Quốc gia ký kết).
Khi nộp đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp quốc tế, kiểu dáng công nghiệp đó có thể được bảo hộ ở quốc gia thành viên của Thỏa ước La Hay (giống như tại quốc gia xuất xứ) khi quốc gia này không từ chối bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đó.
Do vậy, kiểu dáng đăng ký quốc tế có quyền giống với kiểu dáng quốc gia về phạm vi bảo hộ và thực thi. Đồng thời, kiểu dáng đăng ký quốc tế hỗ trợ việc duy trì bảo hộ: doanh nghiệp chỉ phải đóng một khoản phí đăng ký duy nhất để gia hạn. Ngoài ra thủ tục thay đổi thông tin (ví dụ, về quyền sở hữu hoặc địa chỉ) cũng rất đơn giản, gọn nhẹ.
Quyền tác giả có được bảo hộ quốc tế không?
Bản thân quyền tác giả không phụ thuộc vào các thủ tục chính thức. Ngay từ khi được tạo ra, một tác phẩm sáng tạo đã được coi là được bảo hộ quyền tác giả. Theo Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật, các tác phẩm văn học và nghệ thuật được bảo hộ mà không cần đăng ký bất kỳ thủ tục nào tại các quốc gia thành viên của Công ước (tính đến tháng 8 năm 2003, công ước này có 151 quốc gia thành viên). Quy định này cũng được áp dụng đối với tất cả thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới.
Do vậy, quyền tác giả không có thủ tục đăng ký quốc tế giống như các tài sản trí tuệ khác như sáng chế, nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp. Tuy nhiên, nhiều nước có Cơ quan quản lý quyền tác giả quốc gia và pháp luật một số quốc gia cho phép đăng ký tác phẩm với những mục đích cụ thể, chẳng hạn như xác định và phân biệt tên gọi của tác phẩm. Ở các quốc gia nhất định, việc đăng ký tạo ra một số lợi thế thiết thực khi đăng ký này được sử dụng làm chứng cớ ban đầuở tòa án trong những vụ tranh chấp liên quan tới quyền tác giả. Ngoài ra, việc thực hiện một số quyền trong quyền tác giả có thể phụ thuộc vào việc đăng ký.
Ví dụ, ở Hoa Kỳ, doanh nghiệp bắt buộc phải đăng ký quyền tác giả để được bồi thường theo luật pháp. Những người có quốc tịch Hoa Kỳ có thể cũng sẽ được yêu cầu đăng ký quyền tác giả vì quyền tác giả của họ tại chính nước họ không chịu ảnh hưởng bởi các điều ước quốc tế. Vì thế, đối với công dân Hoa Kỳ, việc kiện tụng tại tòa án về hành vi xâm phạm quyền tác giả sẽ bị từ chối nếu không có đăng ký hợp lệ.
Do đó, mặc dù không có thủ tục quốc tế nào về đăng ký bảo hộ quyền tác giả ở nước ngoài và tác phẩm sẽ tự động được bảo hộ mà không cần đăng ký ở tất cả các quốc gia thành viên của Công ước Berne, tác giả có thể vẫn muốn đăng ký tác phẩm của mình tại các cơ quan quản lý quyền tác giả quốc gia nếu có thủ tục đăng ký. Tham khảo danh sách các cơ quan quản lý quyền tác giả quốc gia tại trang web của WIPO theo địa chỉ www.wipo.int/news/en/links/addresses/cr.