Đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học thế nào để tăng tỷ lệ đỗ?

Bộ GD-ĐT không giới hạn số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học, song các chuyên gia giáo dục cho rằng thí sinh không nên đăng ký tràn lan.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ ngày 15/6/2020 đến ngày 30/6/2020, thí sinh đăng ký xét tuyển đại học theo phương thức sử dụng tổ hợp xét tuyển dựa trên kết quả thi Trung học phổ thông. Năm 2020, Bộ GD-ĐT giữ nguyên quy định không giới hạn số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Nhiều thí sinh với tâm lý mong “chắc đỗ” đăng ký đến hàng chục nguyện vọng ở nhiều trường, ngành nghề khác nhau. TS Cao Xuân Liễu, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Quản lý giáo dục đã có chia sẻ với VOV.VN về vấn đề đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học.

TS Cao Xuân Liễu, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Quản lý giáo dục cho rằng thí sinh cần tìm hiểu kỹ trước khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học.

TS Cao Xuân Liễu, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Quản lý giáo dục cho rằng thí sinh cần tìm hiểu kỹ trước khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học.

PV: Năm 2020, bên cạnh hình thức xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, các trường đại học có nhiều hình thức xét tuyển khác nhau. Vậy thầy có lưu ý gì với thí sinh trong việc lựa chọn phương thức xét tuyển để tăng tỉ lệ trúng tuyển?

TS Cao Xuân Liễu: Hiện nay, hầu hết các trường đại học đều đã công bố đề án tuyển sinh của mình. Nhìn chung, các trường đều đa dạng hình thức xét tuyển để có được sinh viên có chất lượng nhất, như xét tuyển thẳng, xét tuyển dựa vào học bạ, xét tuyển hỗn hợp và xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT năm 2020.

Với nhiều phương thức xét tuyển như vậy, đó đã là cơ hội để thí sinh có thể bước chân vào trường đại học với ngành nghề mình yêu thích. Tuy nhiên, thí sinh cũng cần lưu ý là theo quy chế, các trường phải công bố chỉ tiêu cho từng phương thức xét tuyển, nên các em cần chú ý cân nhắc khi sử dụng phương thức đăng ký xét tuyển. Cần tính toán và dự đoán được với năng lực điểm số của mình hiện tại thì phương thức nào là phù hợp và khả thi nhất đối với mình. Muốn vậy, các em phải chú ý tới thông tin tuyển sinh được công bố rộng rãi của các trường đại học.

Điều đặc biệt cần lưu ý các em là khác với năm 2019, năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo không sử dụng cổng thông tin để cung cấp các thông tin về các trường đại học cho thí sinh nữa mà thí sinh tự tìm thông tin về các trường để đăng ký xét tuyển mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn tiếp tục hỗ trợ thí sinh đăng ký tổ hợp xét tuyển. Các em có thể và nên sử dụng nhiều hình thức đăng ký xét tuyển để đảm bảo hơn về cơ hội trúng tuyển vào ngành học, trường đại học mình yêu thích và phù hợp với nguyện vọng.

PV: Bộ GD-ĐT không giới hạn số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển, để an toàn, nhiều thí sinh đăng ký hàng chục nguyện vọng vào nhiều ngành, trường khác nhau. Điều này có thực sự hiệu quả, thầy có lời khuyên nào cho thí sinh khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển?

TS Cao Xuân Liễu: Cần phải khẳng định thêm là theo quy định, Bộ GD-ĐT không khống chế số lượng nguyện vọng xét tuyển. Điều đó tùy thuộc vào ý muốn của thí sinh. Tuy vậy, với kinh nghiệm làm công tác đào tạo và hướng nghiệp tuyển sinh lâu năm, tôi cho rằng việc thí sinh đăng ký quá nhiều nguyện vọng với các ngành khác nhau vào các trường đại học khác nhau là không cần thiết và không nên.

Thí sinh đăng ký vào quá nhiều ngành khác nhau như vậy (điều này được phép miễn là đúng tổ hợp xét tuyển) thì sự tập trung vào ngành học, khối thi của thí sinh sẽ bị phân tán. Kể cả khi trúng tuyển, thí sinh cũng rất khó khăn khi lựa chọn trường, ngành nhập học. Vì vậy, các em cần cân nhắc khi lựa chọn ngành học, trường thi phù hợp với năng lực, mức độ yêu thích và cần tính cả đến yếu tố rủi ro.

Các em nên sắp xếp theo mức độ ưu tiên theo các tiêu chí như trường yêu thích, ngành yêu thích nhưng điểm ngưỡng đầu vào cao, cơ hội thấp; ngành yêu thích, trường không yêu thích nhưng cơ hội trúng tuyển cao; ngành yêu thích, trường yêu thích và cơ hội trúng tuyển cao… Do đó, các em nên tìm hiểu các thông tin về ngưỡng trúng tuyển, cũng như chỉ tiêu tuyển sinh của các trường trong những năm trước mà mình dự định đăng ký.

PV: Theo Bộ GD-ĐT, mục đích chính của kỳ thi THPT năm 2020 là xét tốt nghiệp. Nhiều thí sinh lo ngại rằng đề thi dễ hơn, phổ điểm thi cao hơn, điểm trúng tuyển vào các ngành sẽ tăng vọt so với những năm trước?

TS Cao Xuân Liễu: Mặc dù mục đích chính của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay hướng vào xét tốt nghiệp. Tuy nhiên, như thông tin chúng ta đã biết, đề thi vẫn có sự phân hóa nhất định chứ không hoàn toàn cào bằng, không phải tất cả mọi học sinh dự thi tốt nghiệp đều có thể làm được như nhau. Vì vậy, chắc chắn phổ điểm kết quả thi THPT năm nay cũng sẽ trải từ thấp đến cao. Nên các thí sinh cũng không quá lo lắng về vấn đề này.

PV: Kỳ thi tốt nghiệp THPT đang đến gần, bên cạnh việc ôn thi, nhiều học sinh lớp 12 vẫn đang băn khoăn về vấn đề hướng nghiệp, chọn ngành, chọn nghề. Thầy có lời khuyên nào cho các em trong việc định hướng ngành học?

TS Cao Xuân Liễu: Như trên đã đề cập, việc học tốt các môn định hướng dự thi, xét tuyển là rất quan trọng, vì nó quyết định đến việc trúng hay không trúng tuyển vào các ngành mình đăng ký. Thời điểm này, các em băn khoăn, lo lắng về ngành đăng ký, nghề tương lai là hết sức bình thường. Các em cần đặt ra các mức độ ưu tiên khi chọn ngành và xếp các mức độ ưu tiên nguyện vọng theo trật tự từ cao đến thấp, từ khả thi nhất đến ít khả thi hơn và đặc biệt cần tham khảo nhiều các tham số khác nhau cả chủ quan lẫn khách quan để đưa ra quyết định lựa chọn cuối cùng ngành đăng ký .

PV: Xin cảm ơn thầy!/.

Nguyễn Trang/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/dang-ky-nguyen-vong-xet-tuyen-dai-hoc-the-nao-de-tang-ty-le-do-1057590.vov