Đảng là nơi nhịp tim tôi đập

Đảng là nơi nhịp tim tôi đập/ Nơi buồn vui trong công việc mỗi ngày/ Trong cây cỏ hồn ông bà thuở trước/ Tiếng trống ngày Xô viết vẫn còn lay...

Đảng là mẹ, là cha trong hàng quân Cứu quốc

Tay giơ cao thành “Đồng chí” dưới cờ

Máu đổ ba mươi năm đánh giặc

Máu càng hồng, càng thắm một giấc mơ

Anh ngã xuống một buổi chiều Quảng Trị

Không kịp về kết nạp Đảng đêm nay

Đứa em út bây giờ trong đội ngũ

Đảng là anh trong thương nhớ vơi đầy...

Tôi không thể sống một ngày không nhớ

Tôi từ đâu và đất nước từ đâu

Ngày nô lệ, máu thành dòng tới bể

Đến trời xanh cũng không có trên đầu!

Tôi không thể không căm hờn những kẻ

Làm ô danh Đảng vĩ đại của mình

Tôi không thể không khinh thường những kẻ

Hưởng rất nhiều mà không một ghi ơn!

Đất nước đã bừng lên vận mới

Nhưng làng quê còn sấp ngửa luống cày

Tôi không thể sống một ngày không nhớ

Một ngày mình theo Đảng để vì ai!

1993

NGUYỄN SĨ ĐẠI

Yêu thương Đảng tự đáy lòng

“Đảng, Bác Hồ và cuộc sống cách mạng là một đề tài tâm huyết, chiếm phần lớn số lượng trong sáng tác của tôi”-nhà thơ, nhà báo Nguyễn Sĩ Đại đã tâm sự với tôi như vậy trong một bức thư. Trong suốt chặng đường sáng tác của mình, với những "Tự sự Đảng viên", "Đảng mỗi ngày ở trong trái tim tôi"... có thể nói, Nguyễn Sĩ Đại đã xác lập cho mình một chỗ đứng vững chắc trong dòng thơ ca về Đảng.

 Minh họa: Lê Hải.

Minh họa: Lê Hải.

Viết về Đảng, trong "Bài ca Xuân 61", nhà thơ Tố Hữu đã sử dụng hình ảnh trái tim: Quả tim anh chia ba phần tươi đỏ/ Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều/ Phần cho thơ và phần để em yêu. Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại cũng nhiều lần sử dụng hình ảnh trái tim khi viết về Đảng. Trong bài thơ "Đảng mỗi ngày ở trong trái tim tôi", anh đã viết: Nơi có Đảng là nơi tràn dũng khí/ Nơi bình minh dắt bước mọi con người/ Đảng mỗi ngày ở trong trái tim tôi! Đến bài "Tự sự đảng viên", hình ảnh trái tim một lần nữa lại xuất hiện: Ở trên đời cần có một niềm tin/ Niềm tin ấy, tôi gửi vào nơi Đảng/ Người dẫn lối nhân dân phất ngọn cờ cách mạng/ Thắng giặc ngoài, phải thắng cả thù trong!.../ Như trời xanh bất tuyệt ở trên đầu/ Như lồng ngực mang trái tim kiêu hãnh/ Ta tự thắng. Chân lý cần quyết thắng/ Và cây đời mãi mãi xanh tươi! Đến thi phẩm này, hình ảnh trái tim lại được anh “làm mới”, biểu hiện theo một nét nghĩa khác: "Đảng là nơi nhịp tim tôi đập". Câu mở đầu, cũng là nhan đề bài thơ, đã nêu lên mối quan hệ thân thuộc, máu thịt giữa tác giả với Đảng. Với Nguyễn Sĩ Đại, Đảng không cao siêu, trừu tượng mà gần gũi, gắn bó như nhịp tim đập mỗi giờ, mỗi phút, mỗi giây, như "buồn vui trong công việc mỗi ngày". Mạch thơ từ đây vận động theo sự giao thoa giữa chiều thời gian quá khứ-hiện tại-tương lai và chiều suy tưởng mối quan hệ giữa Đảng với cá nhân-gia đình-đất nước.

Trong "Đảng là nơi nhịp tim tôi đập", hình ảnh những người có quan hệ ruột thịt, thân thích xuất hiện với tần suất khá dày. Mỗi hình ảnh mang tính biểu trưng cho một thời kỳ hoạt động của Đảng. Hình ảnh ông bà gắn với Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, những ngày Đảng mới thành lập và đi vào hoạt động đấu tranh: Trong cây cỏ hồn ông bà thuở trước/ Tiếng trống ngày Xô viết vẫn còn lay. Hình ảnh cha mẹ hiện lên trong đoàn quân cách mạng chống thực dân Pháp năm nào: Đảng là mẹ, là cha trong hàng quân Cứu quốc. Hình ảnh người anh trai hy sinh nơi chiến trường Quảng Trị trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước: Anh ngã xuống một buổi chiều Quảng Trị và hình ảnh người em út đang đứng trong hàng ngũ của Đảng, của quân đội: Đứa em út bây giờ trong đội ngũ/ Đảng là anh trong nỗi nhớ vơi đầy. Phép lặp cấu trúc Đảng+là+từ chỉ quan hệ gia đình đã phản ánh tình cảm kính yêu vô ngần của tác giả đối với Đảng. Một tình cảm vừa mang ý nghĩa ruột thịt, vừa mang hàm nghĩa về công ơn sinh thành, dưỡng dục.

Mặt khác, sự xuất hiện của hình ảnh ông bà, cha mẹ, anh em cũng đã mở rộng tứ thơ của tác giả. Mối quan hệ giữa Đảng với cá nhân ở hai câu đầu đã chuyển sang mối quan hệ gần gũi, gắn bó máu thịt giữa Đảng với mỗi gia đình, với dân tộc ở những câu thơ tiếp sau. Mối quan hệ ấy bền chặt, khăng khít, thủy chung vì được xây dựng trên cùng một ước mơ về độc lập dân tộc, về giải phóng con người, được xây dựng bằng máu xương của biết bao đảng viên, chiến sĩ cách mạng, của biết bao gia đình, bao người dân Việt: Máu đổ ba mươi năm đánh giặc/ Máu càng hồng, càng thắm một giấc mơ. Không ngẫu nhiên Nguyễn Sĩ Đại lại có tứ thơ độc đáo ấy. Tứ thơ này bắt nguồn từ nguyên mẫu gia đình tác giả. Nguyễn Sĩ Đại từng bộc bạch về truyền thống cách mạng của gia đình: “Tôi sống ở một vùng quê cách mạng Hà Tĩnh. Ông nội tôi là Bí thư Tổng ủy năm 1930-1931 trong Xô viết Nghệ Tĩnh. Cha mẹ, anh em tôi đều là đảng viên. Anh tôi đã có quyết định nhưng chưa kịp làm lễ kết nạp Đảng thì đã thành liệt sĩ ở Quảng Trị. Tôi, rồi các em, đến cả người em út cũng trở thành quân nhân. Tất cả chi tiết trong bài thơ đều thật. Những trang sách ngày nhỏ đọc về Nguyễn Thị Minh Khai, về Hoàng Văn Thụ, Lý Tự Trọng và bao tấm gương của những người cộng sản khác đã khắc ghi trong tôi một niềm tin yêu, kính phục không gì lay chuyển về Đảng Cộng sản, Đảng của mình, của gia đình, quê hương và dân tộc mình”.

Càng gắn bó máu thịt với Đảng bao nhiêu, Nguyễn Sĩ Đại lại càng biết ơn công lao vĩ đại của Đảng đối với dân tộc, đất nước, gia đình và bản thân mình bấy nhiêu: Tôi không thể sống một ngày không nhớ/ Tôi từ đâu và đất nước từ đâu/ Ngày nô lệ, máu thành dòng tới bể/ Đến trời xanh cũng không có trên đầu! Càng yêu Đảng bao nhiêu, Nguyễn Sĩ Đại càng đau lòng, bực bội và căm tức những phần tử cơ hội làm xấu Đảng, phá Đảng bấy nhiêu. Trước những cảnh tượng “trông thấy mà đau đớn lòng”, một mặt Nguyễn Sĩ Đại cất lên tiếng nói đanh thép, phê phán những kẻ làm ô danh Đảng, những kẻ vô ơn, quên mất nguồn cội: Tôi không thể không căm hờn những kẻ/ Làm ô danh Đảng vĩ đại của mình/ Tôi không thể không khinh thường những kẻ/ Hưởng rất nhiều mà không một ghi ơn!; mặt khác, anh học theo bậc thánh hiền “ngô nhật tam tỉnh ngô thân”, luôn tự dặn, tự răn mình phải giữ vững bản lĩnh, ý chí, nghị lực, cái tâm trong sáng của một người đảng viên chân chính, không ngừng nỗ lực phấn đấu mỗi ngày để trọn đời theo Đảng, phục vụ nhân dân: Đất nước đã bừng lên vận mới/ Nhưng làng quê còn sấp ngửa luống cày/ Tôi không thể sống một ngày không nhớ/ Một ngày mình theo Đảng để vì ai!

Bài thơ như lời tự bạch của tác giả “được viết vào năm 1993. Đó là thời kỳ tuy có nhiều thành tựu về kinh tế nhưng đạo đức văn hóa bị bỏ quên, bị xem nhẹ; cơ chế thị trường và đồng tiền toàn trị xã hội. Nhiều người mất niềm tin. Nhiều cán bộ cấp cao phản bội lý tưởng, trở thành những kẻ tham nhũng...”. Ngày nay, sau gần ba thập kỷ đọc lại, bài thơ vẫn còn nguyên tính thời sự. Những hiện tượng tiêu cực; những vấn đề trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng của đảng viên mà bài thơ nêu lên hiện vẫn đang rất cấp thiết, thu hút sự quan tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội. Bài thơ đã cho thấy cái tâm, những suy tư và trăn trở của một nhà thơ, một người đảng viên một đời đi theo Đảng, luôn hy vọng, lạc quan về tương lai tươi sáng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhà thơ phải trân trọng, yêu thương Đảng tự đáy lòng mới bật được lên những dòng thơ gan ruột về Đảng như thế.

Tiến sĩ ĐOÀN MINH TÂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/dang-la-noi-nhip-tim-toi-dap-650821