Đảng lớn nhất Thái Lan lập liên minh 'thách thức' ảnh hưởng của quân đội
Dù chiến thắng vang dội trước phe thân quân đội trong kỳ bầu cử vừa qua, Move Forward vẫn còn chặng đường dài phải đi trước khi có thể lên nắm quyền ở Thái Lan.
Với 152 ghế giành được trong cuộc bầu cử lập pháp cuối tuần qua, Đảng Move Forward (Tiến lên – MFP) cấp tiến trở thành đảng lớn nhất Thái Lan. Hôm 17/5, MFP đã tổ chức các cuộc thảo luận trực tiếp đầu tiên với 5 đảng khác nhằm nỗ lực thành lập một chính phủ liên minh.
Một chính phủ mới sẽ được thành lập vào tháng 7, khi Hạ viện và Thượng viện Thái Lan nhóm họp để cùng nhau chọn ra một Thủ tướng mới cho đất nước. Vì Thượng viện – bao gồm các thành viên được chính quyền thân quân sự lựa chọn cẩn thận – cũng tham gia quá trình bầu chọn Thủ tướng, nên lãnh đạo đảng chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử hôm 14/5 không chắc chắn sẽ có thể lên nắm quyền.
Liên minh 8 bên
Đại diện của 5 đảng, chủ yếu là thành viên của phe đối lập với chính phủ bảo thủ thân quân sự của Thủ tướng sắp mãn nhiệm Prayuth Chan-ocha, đã hội đàm trong vài giờ hôm 17/5. Sau đó, họ mỉm cười xuất hiện và chụp ảnh với những bàn tay đan vào nhau để thể hiện sự đoàn kết.
Đứng đầu trong số các đối tác tiềm năng của MFP là Đảng Pheu Thai (Vì người Thái) có quan hệ sâu sắc với gia đình tỷ phú, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Pheu Thai hiện là một trong những đảng lớn nhất trong Quốc hội Thái Lan, từng dẫn đầu trong các cuộc thăm dò trước thềm tổng tuyển cử nhưng cuối cùng lại về nhì, với 141 ghế.
“Mọi việc diễn ra khá suôn sẻ”, lãnh đạo Move Forward Pita Limjaroenrat, một doanh nhân 42 tuổi tốt nghiệp Harvard, cho biết, gọi liên minh là “tiếng nói của hy vọng và tiếng nói của sự thay đổi”.
Ông Pita cho biết, tất cả các bên đã đồng ý ủng hộ ông làm Thủ tướng tiếp theo của Thái Lan. Ông cũng cam kết sẽ cố gắng đạt được sự ổn định trong việc điều hành đất nước càng nhiều càng tốt và càng nhanh càng tốt, và nhắc lại rằng chắc chắn sẽ không có “tai nạn chính trị”.
Cùng với nhau, Move Forward (152 ghế) và các đảng chính trị tham gia cuộc họp – bao gồm Pheu Thai (141 ghế), Thai Sang Thai (6 ghế), Fair (1 ghế), Prachachart (9 ghế) và Seri Ruam Thai (1 ghế) – gom được 310 ghế trong Hạ viện Thái Lan 500 ghế.
Vào cuối ngày 17/5, lãnh đạo Đảng Pheu Thai Chonlanan Srikaew cho biết, 2 đảng chính trị khác sẽ tham gia liên minh, bao gồm Đảng Plung Sungkom Mai (1 ghế) và Đảng Pheu Thai Ruam Palang (2 ghế), nâng tổng số ghế mà liên minh 8 bên do Move Forward dẫn đầu giành được lên 313 ghế.
Chặng đường còn dài
Với 313 ghế, con số này là quá đủ để MFP thành lập chính phủ mới, nhưng vẫn còn thiếu khá nhiều so với mốc 376 ghế cần thiết để đảm bảo ông Pita được bầu làm Thủ tướng tiếp theo tại cuộc họp chung của Thượng viện và Hạ viện vào tháng 7 tới.
Như vậy, chặng đường từ giành chiến thắng bầu cử đến thành lập chính phủ mới đối với Move Forward vẫn còn khá dài.
Ông Rangsiman Rome, người phát ngôn của Đảng Move Forward, nói với giới truyền thông hôm 17/5 rằng, đảng này đang tìm cách hủy Mục 272 của Hiến pháp Thái Lan, về cơ bản, khẳng định quyền hạn của Thượng viện trong việc bổ nhiệm Thủ tướng. Theo quy định, một ứng cử viên Thủ tướng phải nhận được sự chấp thuận của hơn một nửa số thành viên của cả hai viện cộng lại (tức 376/700 thành viên).
Vị phát ngôn viên lập luận rằng với số ghế mà liên minh tiềm năng do Move Forward lãnh đạo giành được tại Hạ viện, chính phủ mới có thể đạt được sự ổn định về mặt chính trị và có thể thực hiện các chính sách đã công bố trong chiến dịch tranh cử. Từ đó, ông đặt câu hỏi về vai trò của Thượng viện trong quá trình bầu chọn này.
Người phát ngôn của Move Forward khẳng định, việc thành lập chính phủ và việc tìm kiếm sự ủng hộ của Thượng viện là 2 vấn đề riêng biệt, lưu ý rằng Mục 272 không nên được đưa vào Hiến pháp Thái Lan ngay từ đầu.
Tuy nhiên, ông Rangsiman cũng cho biết rằng Move Forward đã cử người liên hệ với một số Thượng nghị sĩ nhằm thuyết phục họ ủng hộ ông Pita làm Thủ tướng, và ban lãnh đạo đảng sẵn sàng để Thượng viện chất vấn về những vấn đề mà một số người coi là gây tranh cãi, chẳng hạn như chính sách sửa đổi Luật khi quân và quyền sở hữu cổ phần của ông Pita trong một công ty truyền thông.
Chế độ quân chủ là một trong những trụ cột của bản sắc dân tộc Thái Lan và được phe bảo thủ coi là bất khả xâm phạm. Trong khi đó, nhiều người Thái trẻ tuổi muốn thấy điều này được tự do hóa như một phần của một loạt các cải cách dân chủ.
Minh Đức (Theo AP, Thai PBS World, CNN)