'Đang nghiên cứu mà xây khu bảo tồn bãi cọc là vội vàng'

TP Hải Phòng xây khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ vì cho rằng nơi đây là chứng tích về trận địa cọc trong chiến thắng Bạch Đằng 1288. Tuy nhiên, điều này đến nay chưa được làm rõ.

Chưa đầy một năm sau kể từ khi phát hiện bãi cọc Cao Quỳ, TP Hải Phòng đã cho xây dựng tuyến đường và khu bảo tồn với mức đầu tư gần 430 tỷ đồng. Đến nay, công trình này cơ bản hoàn thành sau hơn 4 tháng khởi công.

Chưa khẳng định

Trong ngày khởi công dự án (3/5), một lãnh đạo TP Hải Phòng cho biết thành phố đã tổ chức hội thảo với sự tham gia của đông đảo nhà nghiên cứu lịch sử và nhà khoa học nổi tiếng trong nước.

Theo vị lãnh đạo này, các nhà nghiên cứu lịch sử cùng đội ngũ nhà khoa học đã thống nhất đánh giá "Bãi cọc Cao Quỳ phát lộ thực sự là một điều kỳ diệu và là di sản lịch sử vô giá mà cha ông để lại. Đây là chứng tích hiện thực về trận địa cọc độc đáo trong chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 chống quân xâm lược Nguyên Mông, gắn với tên tuổi của Người anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo”.

 Khu vực bảo tồn bãi cọc đã dần hoàn thiện. Ảnh: Tô Thành.

Khu vực bảo tồn bãi cọc đã dần hoàn thiện. Ảnh: Tô Thành.

"Sự thành công của dự án Bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ sẽ là tiền đề quan trọng để thành phố hoàn thành các thủ tục đề nghị Nhà nước công nhận quần thể di tích Bạch Đằng Giang là Di tích lịch sử văn hóa, danh thắng đặc biệt cấp quốc gia, tiến tới đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới", vị này nói thêm.

Tuy nhiên, kết quả được công bố tại hội nghị khoa học lần thứ 55 diễn ra tại TP Hải Phòng từ 29-30/9 vừa qua mới chỉ nhận định đây không phải là cọc kiến trúc, cọc đáy, cọc kè đê hay phục vụ cho các mục đích dân sinh khác.

Nhóm nghiên cứu nhận xét sơ bộ bãi cọc Cao Quỳ có thể là một trận địa có niên đại liên quan đến trận chiến chống quân Nguyên Mông năm 1288 của quân dân triều Trần. Trận địa này có thể được dùng để chặn giặc, ngăn địch tiến vào sông Giá để ra sông Bạch Đằng.

 Nhiều câu hỏi liên quan đến những chiếc cọc cổ chưa được làm rõ. Ảnh: Nguyễn Dương.

Nhiều câu hỏi liên quan đến những chiếc cọc cổ chưa được làm rõ. Ảnh: Nguyễn Dương.

Song theo họ, thời gian đóng cọc và chủ nhân của bãi cọc chưa thể làm rõ. "2 câu hỏi trên cần tìm được câu trả lời. Các mẫu gỗ và mẫu đất đang được tiến hành phân tích”, báo cáo của Viện Khảo cổ học nêu rõ.

Các nhà khoa học tham dự hội nghị cũng chưa thể khẳng định chắc chắn bãi cọc được đóng phục vụ trận địa thủy chiến nào và có liên quan tới trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng năm 1288 hay không.

Trong khi đó, vấn đề xác định niên đại của bãi cọc cũng còn nhiều tranh cãi và chưa có kết quả chuẩn xác. Vì thế, các nhà khoa học thống nhất cần phải nghiên cứu thêm để làm rõ.

Có vội vàng?

TS Nguyễn Hồng Kiên, Viện Khảo cổ học, cho rằng TP Hải Phòng đã vội vàng trong việc xây dựng công trình đường vào và khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ.

Theo ông, những nhận định ban đầu về bãi cọc sau khi phát hiện là vội vàng. Đến giờ, các nhà khoa học không ai khẳng định và thống nhất cần phải tiếp tục nghiên cứu. “Như vậy, đang nghiên cứu mà xây dựng lại càng vội vàng”, ông nói.

 Nhà trưng bày hiện vật trong khu bảo tồn. Ảnh: Haiphong.gov.

Nhà trưng bày hiện vật trong khu bảo tồn. Ảnh: Haiphong.gov.

TS Trần Đức Anh Sơn, nhà nghiên cứu khoa học xã hội, thì cho biết Hải Phòng đã làm ngược quy trình. Cụ thể, bãi cọc sau khi phát hiện sẽ được gọi là di chỉ để các nhà khảo cổ tiến hành khai quật. Sau đó, họ báo cáo kết quả ban đầu qua một cuộc hội thảo.

“Tiếp đó, phải có hội nghị chính thức để đánh giá về kết quả di chỉ đó có xứng tầm di tích hay không để làm hồ sơ đề nghị công nhận ở cấp nào, quốc gia hay quốc gia đặc biệt. Sau khi được công nhận rồi mới lập đề án tôn tạo bảo quản. Ở công trình này, các quy trình làm chưa xong, các nhà khoa học chưa kết luận”, ông lý giải.

GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung lại cho rằng quy trình để được công nhận di tích là khá lâu. Trong khi đó, những chiếc cọc này sau khi phát hiện để phơi sương phơi nắng là không ổn. Bà ủng hộ việc xây dựng khu bảo tồn để phục vụ nghiên cứu lâu dài.

Tuy nhiên, bà không đồng ý việc gắn phát hiện này với câu chuyện của sự kiện lịch sử cụ thể.

“Chúng ta còn phải tiếp tục nghiên cứu. Để đưa ra kết luận tạm chấp nhận được cũng cần phải nghiên cứu thấu đáo từ nhiều góc độ khác nhau, đặc biệt là xác định niên đại của những chiếc cọc này”, bà nói.

Zing đã liên hệ với một lãnh đạo của UBND TP Hải Phòng để hỏi các vấn đề liên quan nêu trên. Tuy nhiên, vị này từ chối trả lời.

Cuối năm 2019, khi lao động, người dân phát hiện bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê (huyện Thủy Nguyên). Sau đó, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng khai quật 3 hố tại cánh đồng Cao Quỳ. Kết quả khai quật đến nay bước đầu phát hiện 37 cọc gỗ, 2 cụm gỗ, 22 hố cọc và 4 hố đất đen.

Qua kết quả khai quật, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học ban đầu đánh giá đây là di tích lịch sử quan trọng liên quan đến các trận chiến trên dòng sông Bạch Đằng vào năm 1288.

Nguyễn Dương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hai-phong-co-voi-vang-khi-xay-khu-bao-ton-bai-coc-post1138049.html