Đặng Nguyệt Anh: Nữ sĩ bước ra thế giới bằng thơ

Chúng tôi gọi bà bằng chị bởi sự trẻ trung, duyên dáng, nhiệt huyết và năng lượng tích cực lan tỏa từ bà. Với bà, tuổi tác chỉ là con số. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, bà vẫn đi, vẫn trải nghiệm, vẫn sáng tác với sức sáng tạo mà lớp trẻ chúng tôi phải ngả mũ thán phục. Bà là Nữ sĩ Đặng Nguyệt Anh.

Tôi nung nấu ý định viết về bà từ lâu rồi, từ lần đầu gặp bà cách đây vài năm để bàn chuyện thành lập câu lạc bộ thơ ca Nam Định, cho đến những lần gặp mặt sau này, qua những câu chuyện đời chuyện thơ đầy lôi cuốn của bà. Vậy mà mãi tôi cũng không thể viết được. Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, dùng ngôn từ câu chữ nào để có thể khái quát lên một Đặng Nguyệt Anh với rất nhiều chấm phá, với rất nhiều cung bậc cảm xúc, với rất nhiều trải nghiệm mà có lẽ chỉ mình bà mới có được. Với tôi, câu chuyện về đời, về thơ của bà thật đẹp.

Nữ sĩ Đặng Nguyệt Anh

Nữ sĩ Đặng Nguyệt Anh

Có lẽ phải bắt đầu từ câu chuyện tình đẹp như cổ tích của bà. Bà lấy chồng khi vừa tròn đôi mươi, một thầy giáo dạy toán hơn bà 8 tuổi. Chưa kịp bén hơi nhau thì chồng bà lên đường vào Nam chiến đấu. Năm năm trời đằng đẵng xa chồng, bao nhớ nhung âu lo bà gửi cả vào trang giấy, thành những vần thơ tình da diết yêu thương. Gom nhặt thương yêu, bà quyết định lên đường, theo bước chân ông vào nam, vừa để góp sức cùng đồng đội chiến đấu, vừa để chăm lo chồng, bởi, ông vốn là một người gày gò ốm yếu. Hành trình đó bà gói gọn trong câu thơ:

Biết rằng bom đạn gian nan
Xin cha mẹ, con vào Nam tìm chồng

Trời không phụ lòng người, ông bà xum họp, cùng công tác ở Ban tuyên huấn Trung ương cục miền nam. Khoảng thời gian xa cách như càng thổi bùng thêm ngọn lửa yêu thương. Theo năm tháng, tình cảm bà dành cho ông càng sâu nặng, ngoài tình yêu đôi lứa còn có cả sự ngưỡng mộ, kính trọng dành cho một con người tài năng, đức độ, cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Và có lẽ, trong bà còn có sự hàm ơn. Bởi ông, dù không phải là một nhà thơ nhưng lại luôn thấu cảm, tin tưởng và ủng hộ bà, để bà có thể thỏa chí trong khoảng trời thơ ca riêng của mình.

Tôi hỏi, điều gì dắt lối chị đến với thơ ca, để bây giờ có được một Đặng Nguyệt Anh với một kho tàng các tác phẩm đồ sộ đến vậy?
“Tôi may mắn được sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề giáo. Cha tôi là thầy giáo, ông cũng là một nhà thơ. Mẹ tôi, bà tôi, ru con dạy con cũng bằng ca dao tục ngữ. Đến cả mắng con cũng vận những vần thơ vào. Rồi cánh đồng làng, con sông, bến đò của cái làng nhỏ vùng quê chiêm trũng Nam Định ấy cũng là chất xúc tác vun đúc cảm xúc trong tôi. Nỗi nhớ mẹ thương cha, thương chồng con bạn bè, nỗi khắc khoải ngóng quê, bỗng trở thành những tứ thơ, cứ thế tự nhiên tuôn chảy”, Đặng Nguyệt Anh chia sẻ.

Thơ, với Đặng Nguyệt Anh, đến tự nhiên như sớm mai thức dậy thì sẽ thấy mặt trời, như hơi thở của mỗi người. Thơ bà đa dạng, khi tình cảm nhẹ nhàng, khi rộn ràng vui vẻ, cũng có lúc lại thâm trầm lắng đọng. Thơ của bà cũng đa dạng đề tài, về mẹ, về cha, về quê hương chòm xóm, về gia đình chồng con, về bạn bè, về những vùng đất bà đã đi qua và cả về thế sự.

Bà viết cho mẹ:
Mẹ ơi!
bao nhiêu nỗi nhớ thương
gói trong đêm Trường Sơn
giang tay trong cách trở
muốn ôm choàng quê hương

Hay viết cho con:
Ngày mai con ơi
hãy mở nhật ký tìm quá khứ
nhớ cô bác đã cưu mang che chở
nhớ rừng miền Đông
gian khổ- thiêng liêng- trong sạch đầu đời!!!...

Và viết cho chồng:
Mẹ ru anh ngủ ngày xưa
Em ru anh thức nắng mưa trọn đời
........

Đặng Nguyệt Anh khi làm thơ có lẽ cũng không thể ngờ, chính những vần thơ của mình lại mở cánh cửa để bà bước ra thế giới. Rung động bởi những tứ thơ thấm đẫm tình cảm, giàu âm điệu và đa dạng màu sắc của bà, một người, rồi nhiều người dịch và giới thiệu ra thế giới. Đến nay, hàng chục tạp chí văn thơ khắp thế giới, từ Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Ấn Độ... đã phỏng vấn và giới thiệu thơ của bà đến với độc giả yêu thơ. Bà được yêu mến, vinh danh và trở thành niềm tự hào của giới thi sĩ Việt Nam.

Năm 2023, tập thơ “Trái tim không biết quỳ” của bà được nhà xuất bản Ukiyoto - Canada chọn dịch ra 4 thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và phát hành trên toàn thế giới.

Giấy khen của tạp chí Mỹ cho những đóng góp của Nữ sĩ Đặng Nguyệt Anh

Giấy khen của tạp chí Mỹ cho những đóng góp của Nữ sĩ Đặng Nguyệt Anh

Với một người đã từng tham dự nhiều chương trình giao lưu thơ ca quốc tế thì việc thơ của mình được tập hợp để phát hành ra thế giới không phải là điều quá ngạc nhiên. Đặng Nguyệt Anh chia sẻ: “Khi được dịch giả cho biết về dự án chuyển ngữ và phát hành lần này, tôi không khỏi có những trăn trở. Chọn bài thơ nào để đăng đều khó, bởi tất cả đều là những đứa con tinh thần của tôi, là yêu thương trọn vẹn, đều có những giá trị rất riêng. Nhưng chuyển ngữ thơ thì rất khó để diễn đạt chuẩn xác. Vì vậy, tôi quyết định chọn những bài thơ ngắn gọn, súc tích với lối diễn đạt mộc mạc nhất để có thể chuyển ngữ cho trọn vẹn ý tứ, cảm xúc. 60 bài thơ trong tập “Trái tim không biết quỳ” đã được lựa chọn như vậy, trong đại gia đình thơ đông đúc của tôi”.

Ban đầu, tập thơ “Trái tim không biết quỳ” được dịch ra tiếng Anh và phát hành ở Canada. Sau đó, vì được độc giả đón nhận với những phản hồi tích cực, “Trái tim không biết quỳ” nhanh chóng trở thành một hiện tượng trong giới phát hành thơ quốc tế. Nhà xuất bản Ukiyoto đã đề nghị Nữ sĩ Đặng Nguyệt Anh tiếp tục hợp tác chuyển ngữ tập thơ thêm 3 thứ tiếng và phát hành trên khắp thế giới. Tên tuổi Đặng Nguyệt Anh thêm một lần nữa được vinh danh trên văn đàn thế giới và trở thành niềm tự hào của những người yêu thơ ca Việt Nam.

Tôi không tham lam đến mức mong trong một bài viết ngắn bó gọn bởi dung lượng tờ báo có thể giới thiệu đủ về Đặng Nguyệt Anh và hành trình thơ của bà. Chỉ mong bài viết này giới thiệu được một góc rất nhỏ của Đặng Nguyệt Anh và những cảm xúc yêu quý tôi dành cho bà cũng như hành trình thơ của bà. Như một sự tri ân với một Nữ sĩ đã đem hồn thơ, con người và khí phách Việt Nam ra với bạn bè Quốc tế. Đầy yêu thương nhưng cũng đầy kiêu hãnh, bởi Trái tim không biết quỳ./.

Nguồn Bảo Vệ Công Lý: https://baove.congly.vn/dang-nguyet-anh-nu-si-buoc-ra-the-gioi-bang-tho-434410.html