Đăng Quận công Nguyễn Khải
Nối tiếp uy danh của cha mình là Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi, trong sự nghiệp quan trường của mình Quận công Nguyễn Khải đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp phục hưng đất nước nửa đầu thế kỷ XVII.
Vùng đất Cổ Bôn (nay là xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn) trong đó có hai làng Phúc Triền và Kim Bôi thờ hai công thần đời Lê Trung Hưng là hai cha con họ Nguyễn là Phúc Khê Tướng công Nguyễn Văn Nghi và con Đăng Quận công Nguyễn Khải.
Người cha Nguyễn Văn Nghi phụng sự đất nước trải qua 3 đời vua (Trung Tông, Anh Tông, Thế Tông) công danh chói lọi, rạng rỡ muôn đời, con cháu được hưởng tiếng thơm và người con Đặng Quận công Nguyễn Khải đã tiếp nối truyền thống đó.
Theo sử sách, Nguyễn Khải có tướng mạo khác thường, dáng vẻ tuấn tú, ngày đêm chăm chỉ học hành, ông phò giúp 2 đời vua là Lê Kính Tông (1599 - 1619) và Lê Thần Tông I (1619 - 1643). Dưới triều vua Lê Kính Tông nhờ công lao tiễu trừ tàn quân nhà Mạc, ông được phong Hiệp mưu dương vũ công thần, Trung quân đô đốc phủ, Phó tướng Đặng Quận công, đeo ấn tướng quân, chỉ huy một trong năm đạo quân thường trực của triều đình.
Năm Mậu Ngọ (1618) ông cùng các tướng Trịnh Tráng, Nguyễn Cảnh Kiên, Nguyễn Văn Giao… đem quân đánh dẹp quân Mạc, khiến quân Mạc phải rút lên Cao Bằng.
Năm Nhâm Thân (1632) Nguyễn Khải được giữ chức Thượng thư Bộ binh hàm Thái bảo, sau thăng hàm Thái phó, trở thành bậc “Quốc lão tham dự triều chính”. Trên chiến trường, ông là một dũng tướng, còn chốn quan trường ông luôn ngay thẳng vạch tội tham quan. Trong sự nghiệp của mình ông đã mở đường thuận lợi giúp đời, giúp dân, đặc biệt đối với quê hương ông góp tiền tu sửa đường xá, cầu cống thuận tiện giao lưu, buôn bán. Ông được vua Lê ban phong 19 mỹ tự “Hiệp mưu, đường võ công thần, Trung quân đô đốc, phủ tả Đô đốc, phó tướng Đăng Quận công”.
Do thời gian, chiến tranh tàn phá, đến nay đền thờ ông được chính quyền địa phương và người dân phục dựng lại tại làng Kim Bôi. Đền thờ có kiến trúc hình chữ “Đinh”, tại đây còn lưu giữ 11 đạo sắc phong từ niên hiệu Vĩnh Khánh thứ 2 đến Duy Tân thứ 3, cùng một số hiện vật quý khác.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/nguoi-xu-thanh/dang-quan-cong-nguyen-khai/20317.htm