Dang rộng vòng tay nhân ái

>> “Không để ai bị bỏ lại phía sau”
>> Bình Long khơi sức mạnh nhân dân
>> “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”
>> Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo...”
>> Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau

BP - Tiếp tục thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh vừa phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Phước tổ chức chương trình “Chia sẻ nỗi đau” tại gia đình cụ Bùi Thị Thơm (86 tuổi), hộ nghèo ở ấp 3, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú. Chương trình đã kết nối các nhà hảo tâm ủng hộ và trao 143 triệu đồng giúp gia đình cụ Thơm vượt qua khó khăn.

Hoàn cảnh khó khăn

Cụ Bùi Thị Thơm quê ở Tiền Giang lên Bình Phước sinh sống từ năm 1976. Cụ có 2 người con. Con gái đầu là bà Bùi Thị Liên (66 tuổi) không lập gia đình và con trai là Bùi Văn Thu. Anh Thu có 2 người con. Năm 2014, anh Thu mất do tai nạn giao thông. Người gây tai nạn có hoàn cảnh khó khăn nên cụ Thơm không yêu cầu bồi thường. Anh Thu mất được một thời gian thì vợ anh bỏ lại 2 con là Bùi Minh Cảnh, Bùi Minh Trí (lúc đó các cháu lần lượt 9 và 7 tuổi) cho cụ Thơm và bà Liên nuôi để đi thêm bước nữa.

Qua chương trình “Chia sẻ nỗi đau”, các tổ chức, cá nhân thiện nguyện trao 143 triệu đồng hỗ trợ gia đình cụ Bùi Thị Thơm ở ấp 3, xã Tân Lập (Đồng Phú)

Gia đình cụ Thơm chỉ còn người già và trẻ nhỏ sống trong căn nhà đã xuống cấp, không đủ che nắng, che mưa. Cụ Thơm lại mù cả 2 mắt, các cháu còn quá nhỏ nên mọi chi tiêu sinh hoạt hằng ngày đều trông chờ vào tiền công làm thuê, phụ hồ của bà Liên. Bà Liên cho biết: Cách đây 10 năm, mẹ tôi bị đục thủy tinh thể. Nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, gia đình không có điều kiện để chữa trị nên 2 mắt của mẹ tôi mờ dần và mù hẳn. Ngày em trai tôi còn sống thì có người đỡ đần nhưng từ khi em mất, tôi phải làm việc gấp đôi để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, tiền công đi làm hằng ngày của tôi chỉ đủ cơm cháo qua ngày. Thỉnh thoảng, hàng xóm thương tình cho mớ rau, con cá.

Thương bà và bác nên hằng ngày một buổi đến lớp, một buổi anh em Cảnh thay nhau ở nhà chăm sóc bà nội và phụ giúp bác làm việc nhà. Nghỉ hè, Cảnh cùng bác đi phụ quán để có thêm tiền trang trải cuộc sống. Bà Liên cho biết: Dù cuộc sống khó khăn nhưng tôi vẫn cố gắng cho 2 cháu được đến trường. Hiện Cảnh học lớp 9 và Trí học lớp 7 Trường THCS Tân Lập. Tuy nhiên, sức khỏe của tôi ngày một yếu nên chỉ mong có chút vốn mở sạp bán rau, củ, quả để có thêm thu nhập phụng dưỡng mẹ già và lo cho 2 cháu ăn học đến nơi đến chốn.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Ông Văn Tài, Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết: Gia đình cụ Thơm là hộ nghèo của xã nhiều năm qua. Gia đình không có đất sản xuất, mẹ con cụ Thơm nay tuổi cao, sức khỏe yếu nên không còn khả năng lao động. 4 người trong gia đình sống nhờ vào tiền trợ cấp hằng tháng dành cho người cao tuổi khoảng 1 triệu đồng. Để giúp gia đình cụ Thơm vượt qua khó khăn, hằng năm xã đều ưu tiên tặng quà, khám bệnh, phát thuốc miễn phí mỗi khi có đoàn từ thiện về. UBND xã còn vận động cán bộ, công chức xã đóng góp ngày lương để lợp lại mái và sửa nhà cho gia đình cụ. Ngoài ra, xã cũng giao Ban điều hành ấp vận động lối xóm ai có điều kiện thì hỗ trợ vật chất, tinh thần giúp gia đình cụ.

Bà Dương Thị Tuyết, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh chia sẻ: Dịp này, ngoài kết nối giúp gia đình cụ Thơm, chúng tôi còn vận động trao hơn 16 triệu đồng hỗ trợ gia đình anh Võ Lạc Long Phi, bị bệnh hiểm nghèo ở ấp 2, xã Tân Lập.

Bà Dương Thị Tuyết, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh cho biết: Sau khi biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình cụ Thơm, chúng tôi đã trực tiếp liên hệ, kết nối các nhà hảo tâm thực hiện chương trình “Chia sẻ nỗi đau”. Khi chúng tôi thực hiện chương trình, có hơn 20 đội, nhóm, câu lạc bộ và cá nhân thiện nguyện đăng ký ủng hộ 143 triệu đồng giúp gia đình cụ Thơm ổn định cuộc sống và lo cho 2 cháu tiếp tục đến trường.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng nhóm thiện nguyện “Chung một tấm lòng” huyện Phú Riềng cho biết: Cách đây 3 năm, con trai tôi bị tai nạn giao thông. Thời gian con điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh), gia đình tôi được nhiều người đến hỏi thăm, thậm chí còn được phát cơm từ thiện. Thấy đây là việc làm ý nghĩa nên sau khi con xuất viện, vợ chồng tôi thường xuyên tham gia nấu cơm từ thiện tại Bệnh viện đa khoa cao su Phú Riềng. Đồng thời vận động các cá nhân có lòng hảo tâm thành lập nhóm “Chung một tấm lòng”. Đến nay, nhóm có khoảng 30 thành viên, thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện trên địa bàn tỉnh như chương trình “Chia sẻ nỗi đau”, “Khát vọng sống”... Vì vậy, khi biết hoàn cảnh gia đình cụ Thơm, nhóm vận động các thành viên đóng góp được khoảng 6 triệu đồng, giúp gia đình cụ vượt qua khó khăn.

Thông qua chương trình, cụ Thơm cảm ơn tấm lòng của các nhà hảo tâm và cho biết, số tiền này gia đình sẽ chi tiêu tiết kiệm và lo cho 2 cháu đi học để sau này các cháu có công việc ổn định thoát cảnh nghèo khó.

Thùy Hương

Xem thêm: Người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/dang-rong-vong-tay-nhan-ai-485318