Đằng sau bức tranh 'Tiếp quản thủ đô' bị bỏ quên 26 năm

Bức tranh song sinh 'Phong cảnh Bắc Kỳ - Tiếp quản Thủ đô' như một chứng tích sinh động độc nhất vô nhị cho thời kỳ quan trọng và hấp dẫn nhất của lịch sử hội họa Việt Nam.

Họa sĩ Trịnh Lữ kể, năm 1964, bố anh - họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc - phủ sơn lên mặt sau bộ sơn mài Phong cảnh Bắc Kỳ chưa hoàn thành của họa sĩ Lê Phổ. Bức tranh này do họa sĩ Nguyễn Gia Trí để lại cho ông trước khi di cư vào Nam. Tiếp đến, ông làm bức tranh Tiếp quản Thủ đô mặt sau của bức Phong cảnh Bắc Kỳ để thị trưởng Trần Duy Hưng mượn treo trong phòng khánh tiết Ủy ban Hành chính TP Hà Nội.

Bức tranh 'Tiếp quản Thủ đô' của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc.

Bức tranh 'Tiếp quản Thủ đô' của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc.

Bức tranh sơn mài 'Phong cảnh Bắc Kỳ' còn dang dở của họa sĩ Lê Phổ.

Bức tranh sơn mài 'Phong cảnh Bắc Kỳ' còn dang dở của họa sĩ Lê Phổ.

Đây là bức tranh lịch sử duy nhất của Trịnh Hữu Ngọc. Bức tranh đặc biệt vì mặt trước là bức sơn mài của Lê Phổ - điển hình của Mỹ thuật Đông Dương, mặt sau của Trịnh Hữu Ngọc - bức sơn khắc có phong cách và kỹ thuật độc đáo.

Bức tranh song sinh Phong cảnh Bắc Kỳ - Tiếp quản Thủ đô như một chứng tích sinh động độc nhất vô nhị cho thời kỳ quan trọng và hấp dẫn nhất của lịch sử hội họa Việt Nam: giai đoạn quá độ từ thuộc địa sang độc lập giữa thế kỷ 20.

Dù bị hư hỏng như từng chi tiết trên bức tranh cho thấy lối làm tranh sơn khắc độc nhất vô nhị của Trịnh Hữu Ngọc.

Dù bị hư hỏng như từng chi tiết trên bức tranh cho thấy lối làm tranh sơn khắc độc nhất vô nhị của Trịnh Hữu Ngọc.

Họa sĩ Trịnh Lữ cho biết, tác phẩm ra đời từ tình yêu và niềm tin ở tương lai. Tuy nhiên năm 1985, khi UBND TP Hà Nội xây dựng lại, nó bị bỏ quên trong kho suốt 26 năm trong tình trạng ẩm ướt.

"Năm 2011, chúng tôi thu hồi được bộ tranh thì màu sắc đã phai nhạt gần hết. Phần đáy tranh bị mối xông rỗng ruột và phá ra cả mặt sơn. Vậy mà nó vẫn giữ được vẻ sinh động nồng nhiệt, trang trọng mà thanh tao, duyên dáng.

Cảnh các tầng lớp nhân dân Thủ đô ra đón chào các chú bộ đội cụ Hồ bên Hồ Gươm được lồng trong một khung hoa cúc trang trí, chứa đựng những hình ảnh lịch sử từ Cách mạng Tháng 8 cho đến chiến thắng Điện Biên Phủ. Một bố cục cổ điển với phong cách hoàn toàn mới", họa sĩ Trịnh Lữ chia sẻ.

Trịnh Hữu Ngọc chỉ dùng một chút vàng, bạc cho phần dây hoa trang trí chạy viền quanh bức tranh. Toàn bộ hình người và hoa lá đều được chạm khắc rồi dạm màu nhẹ nhàng.

Trịnh Hữu Ngọc chỉ dùng một chút vàng, bạc cho phần dây hoa trang trí chạy viền quanh bức tranh. Toàn bộ hình người và hoa lá đều được chạm khắc rồi dạm màu nhẹ nhàng.

Vì muốn cứu bộ tranh, họa sĩ Trịnh Lữ đã trao nó cho một nhà sưu tập vì tin rằng sẽ được một nhóm chuyên gia Nhật Bản giúp phục chế xứng đáng. Sau đó, bộ vóc hai mặt đều là tranh này đã được tách đôi và phục dựng thành ba tác phẩm: một bức Trịnh Hữu Ngọc và hai bức của Lê Phổ.

"Hy vọng của chúng tôi là những tác phẩm lịch sử đặc biệt này sẽ được trưng bày cho công chúng thưởng lãm, một ngày nào đó", họa sĩ Trịnh Lữ cho biết.

Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc (1912-1997) được đào tạo bởi trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đầu thế kỷ 20. Ông ghi dấu ấn trong hội họa, thiết kế nội thất của Việt Nam.

Những ngày học tại Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc được thầy Victor Tardieu, Joseph Inguimberty khích lệ nâng cao mỹ nghệ sơn mài thành một dòng mỹ thuật theo hướng sử dụng vàng, bạc, xà cừ, vỏ trứng... với những kỹ thuật làm vóc, khảm, khắc, sơn mài truyền thống.

Trịnh Hữu Ngọc không theo hướng đó. Ông muốn dùng sơn ta như một chất liệu bền vững cho lối vẽ trực họa ấn tượng, thay thế toàn bộ các chất liệu sơn dầu cổ điển Tây phương.

Ông thường nhắc đến hiện tượng xuống màu và hư hại của tranh sơn dầu theo thời gian và tình trạng những sản phẩm sơn mài theo kỹ thuật truyền thống bị nứt vỡ khi mang sang những vùng khí hậu khô lạnh như Âu-Mỹ.

Sau nhiều thử nghiệm từ cuối những năm 1940, Trịnh Hữu Ngọc bắt đầu trực họa phong cảnh, với những chất liệu sơn ta do ông tự chế. Nền vẽ là những tấm vóc mỏng nhẹ bó bằng sơn ta và bột đá. Màu vẽ pha trực tiếp bằng các sắc tố nguyên chất với dầu pha chế từ sơn nhất của nhựa cây sơn Phú Thọ, chấp nhận mọi sắc tố khác nhau chứ không chỉ một vài sắc thâm trầm như sơn mài truyền thống.

Ảnh: Chụp từ cuốn sách ''Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc - Di sản đặc biệt của Mỹ thuật Đông Dương''

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chuyen-chua-ke-ve-buc-tranh-tiep-quan-thu-do-2163723.html