Đằng sau các đe dọa mới của ông Donald Trump

Những người chỉ trích lo ngại cách tiếp cận của ông Donald Trump có nguy cơ khiến đồng minh xa lánh

Các tuyên bố bất ngờ mới đây của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump về Greenland và Kênh đào Panama báo hiệu ông có thể theo đuổi một chính sách đối ngoại không bị ràng buộc bởi các nghi thức ngoại giao trong nhiệm kỳ sắp tới.

Những người bảo vệ cách tiếp cận của ông Trump cho rằng điều này thể hiện mạnh mẽ chính sách "Nước Mỹ trên hết", với ý tưởng rằng những gì tốt cho nước Mỹ thì cũng tốt cho phần còn lại của thế giới.

Ngoài ra, theo một số chuyên gia, việc đe dọa các đồng minh dường như cho thấy ông Trump sẵn sàng sử dụng sức mạnh của Mỹ như một công cụ để đạt được sự nhượng bộ.

Hôm 22-12, ông Trump nhắc lại ý tưởng Mỹ nên mua lại Greenland, lãnh thổ tự trị của Đan Mạch và là nơi đặt một căn cứ không quân lớn của Mỹ. Trước đó 1 ngày, ông Trump cáo buộc Panama tính phí quá cao khi sử dụng Kênh đào Panama.

Ông cũng cảnh báo nếu Panama không quản lý kênh đào theo cách chấp nhận được, ông sẽ yêu cầu đồng minh của Mỹ này giao lại nó. Tổng thống Mỹ đắc cử cũng cảnh báo về ảnh hưởng tiềm tàng của Trung Quốc đối với tuyến vận tải đường thủy quan trọng này.

Hai cố vấn chính sách đối ngoại giấu tên của ông Trump lập luận rằng ông đang đề cập vấn đề lớn hơn: Ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với các chính phủ và nền kinh tế ở khu vực Mỹ Latin. Họ cũng kỳ vọng đây sẽ là trọng tâm trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump.

Một cảng ở TP Nuuk, thủ phủ của Greenland. Ảnh: REUTERS

Một cảng ở TP Nuuk, thủ phủ của Greenland. Ảnh: REUTERS

Trái lại, những người chỉ trích lo ngại cách tiếp cận của ông Trump có nguy cơ khiến đồng minh xa lánh, đẩy họ vào quỹ đạo của các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc hoặc Nga hoặc khiến họ ít có khả năng đạt được thỏa thuận kinh tế và an ninh với Mỹ.

Ông John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên, cho rằng đang có những tranh luận chính đáng về mức phí mà Panama áp dụng cho việc đi qua kênh đào, cũng như tầm quan trọng chiến lược của Greenland đối với Mỹ và NATO. Tuy nhiên, theo ông Bolton, ông Trump đang làm tổn hại đến cơ hội thảo luận về những vấn đề này.

Theo Reuters, một số quan chức tham gia vào quá trình chuyển giao hoặc thân cận với ông Trump đã thảo luận về vấn đề mua lại Greenland trong những tuần gần đây. Một lựa chọn tiềm năng là ký Hiệp ước liên kết tự do (Cofa) với Greenland nếu lãnh thổ này hoàn toàn độc lập khỏi Đan Mạch.

Theo Cofa, sẽ có mức độ hội nhập kinh tế cực kỳ cao giữa Mỹ và quốc gia liên quan dù quốc gia đó vẫn giữ được sự độc lập. Mỹ hiện áp dụng Cofa với 3 đảo quốc ở Thái Bình Dương.

Hồi năm 2019, trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Trump từng bày tỏ sự quan tâm đến việc mua Greenland nhưng đề xuất này đã bị Đan Mạch cũng như chính quyền hòn đảo từ chối lập tức. Hôm 23-12, ông Mute Egede, lãnh đạo Greenland, khẳng định lãnh thổ này không phải để bán.

Trước đó 1 ngày, Tổng thống Panama Jose Raul Mulino cũng bác bỏ lời đe dọa của ông Trump khi khẳng định rằng phí vận chuyển qua Kênh đào Panama không bị thổi phồng và chủ quyền đối với tuyến đường thủy này là không thể thương lượng.

Mỹ tăng áp lực lên ngành bán dẫn Trung Quốc

Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 23-12 phản đối Mỹ điều tra các chính sách của Bắc Kinh đối với ngành công nghiệp bán dẫn trong nước. Tuyên bố của bộ này cho rằng cuộc điều tra sẽ gây hỗn loạn và bóp méo chuỗi cung ứng cũng như công nghiệp bán dẫn toàn cầu, đồng thời gây tổn hại đến lợi ích của các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng Mỹ.

Theo Tân Hoa Xã, Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh sẽ theo dõi chặt chẽ tiến trình điều tra và thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi và lợi ích của Bắc Kinh.

Trước đó, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết cuộc điều tra nhằm bảo vệ các nhà sản xuất vi mạch Mỹ và những quốc gia khác khỏi sự gia tăng mạnh mẽ của nguồn cung chip nội địa từ Trung Quốc. Cuộc điều tra còn nhằm đánh giá mức độ phụ thuộc của Mỹ vào các loại chip thế hệ cũ của Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, từ viễn thông đến lưới điện.

Đài CNBC nhận định cuộc điều tra mới cho thấy Mỹ đang gia tăng áp lực lên ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc. Cho đến nay, nhiều hành động của Mỹ nhắm vào các chip tiên tiến nhất, đặc biệt là chip được sử dụng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đang bùng nổ.

Cuộc điều tra bắt đầu chỉ vài tuần trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào ngày 20-1-2025. Theo giới chức chính quyền Tổng thống Joe Biden, cuộc điều tra sẽ được chuyển giao cho chính quyền ông Trump vào tháng tới để hoàn thành.

Xuân Mai

ANH THƯ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dang-sau-cac-de-doa-moi-cua-ong-donald-trump-196241224214214728.htm