Đằng sau đôi vớ thủng của cầu thủ Anh tại World Cup

Nhiều cầu thủ xuất hiện trên sân với những đôi vớ thủng. Nó được cho là giúp giải tỏa áp lực, tăng cường lưu thông máu. Nhưng chưa có nghiên cứu nào chứng minh điều này.

 Những đôi vớ rách thường thấy trên sân cỏ. Ảnh: Goal.

Những đôi vớ rách thường thấy trên sân cỏ. Ảnh: Goal.

Tối 21/11, ngôi sao người Anh, Bukayo Saka khiến nhiều người hâm mộ ngạc nhiên khi đi đôi vớ thủng trong trận đấu gặp Iran. Tài năng trẻ sinh năm 2001 cũng đã làm điều tương tự trong trận thua 1-3 giữa Arsenal trước Manchester United tại sân Old Trafford.

Bukayo Saka không phải người đầu tiên mang vớ rách ra sân. Đồng đội của anh là Jude Bellingham cũng làm điều tương tự. Năm 2018, hậu vệ Kyle Walker tiết lộ sự thật đằng sau những đôi vớ thủng lỗ chỗ của giới cầu thủ. Đây không phải hành động vô tình mà đều có nhiều ý nghĩa về mặt sức khỏe.

Hành động tự cải tiến

Áo bóng đá đã phát triển trong hàng thập kỷ qua. Các hãng sản xuất trang phục thi đấu bóng đá như Nike cải tiến áo đấu vừa vặn hơn bằng cách sử dụng công nghệ DRI-FIT, giúp giữ cơ thể cầu thủ luôn khô ráo, để họ có thể thi đấu trong thời gian dài mà không cảm thấy mệt mỏi.

Vớ bóng đá cũng vậy. Chúng ngày càng vừa vặn, ôm sát đôi chân cầu thủ hơn mặc dù chất liệu vẫn khá giống nhau.

Tờ Goal giải thích các cầu thủ thường khoét lỗ trên vớ để giảm áp lực lên cơ bắp chân. Các cầu thủ bóng đá thường được tặng những đôi vớ mới ngay trước trận đấu. Những sản phẩm này vẫn còn độ đàn hồi rất cao.

Trong khi đó, hầu hết bắp chân của cầu thủ đều phình to, những đôi vớ mới có thể gây hạn chế cho lưu thông máu thậm chí gây chuột rút nghiêm trọng. Do đó, hầu hết cầu thủ đều cắt vớ để tạo cảm giác thoải mái. Tuy nhiên, cũng có những lý do thú vị xoay quanh hành động này.

Trong mùa nóng, việc cắt lỗ trên vớ giúp cải thiện lưu thông không khí, người chơi thoáng mát hơn suốt trận đấu. Tuy nhiên, với những cầu thủ không đi hai đôi vớ, da dễ bị bầm tím và nhiễm trùng khi tiếp xúc với cầu thủ khác.

Cải thiện độ bám

Các cầu thủ bóng đá phải xuất hiện trên sân với đầy đủ trang phục thi đấu được chuẩn bị trước. Họ không được phép thay thế bằng các sản phẩm đặt riêng, thậm chí là vớ. Điều bất cập là những đôi vớ này khi dính mưa, nước sẽ gây trơn trượt.

Để khắc phục những hạn chế, các cầu thủ bóng đá thường đi hai đôi vớ cùng lúc. Đôi thứ nhất có đáy chắc chắn, thường cổ vớ cao trên mắt cá chân hoặc giữa ống chân. Đôi thứ 2 lồng ra bên ngoài, do đội bóng yêu cầu, dài hơn, có thể cao đến đầu gối.

Sau đó, họ cắt phần dưới của vớ ngoài, để lộ phần lớn của vớ bên trong. Điều này giúp độ bám của vớ cao hơn, duy trì sự cân bằng suốt trận đấu.

 Các cầu thủ thường đi hai đôi vớ khi thi đấu. Ảnh: Boot Soccer. Việt hóa: TN.

Các cầu thủ thường đi hai đôi vớ khi thi đấu. Ảnh: Boot Soccer. Việt hóa: TN.

Mục đích tài trợ

Đa số cầu thủ cắt vớ để cải thiện hiệu suất, nhưng cũng có những người đơn giản làm vậy vì nhà tài trợ. Bóng đá mang hàng nghìn người hâm mộ lại gần nhau và các hãng sản xuất trang phục thi đấu không thể bỏ qua cơ hội này để quảng cáo sản phẩm. Họ sẽ trả tiền cho cầu thủ để làm việc này.

Tuy nhiên, các cầu thủ không được phép quảng cáo sản phẩm một cách công khai trên sân cỏ (ngoài các nhà tài trợ chính thức). Do đó, khi đi vớ của hãng tài trợ, họ đi thêm một đôi bên ngoài và khoét lỗ để lộ nhãn hiệu bên trong.

Điều này không hẳn được cho phép nhưng với số tiền phù hợp, một số cầu thủ sẵn sàng chấp nhận rủi ro.

Trước đó, đội tuyển Anh đã bị FIFA phạt 53.000 bảng sau khi Dele Alli, Raheem Sterling và Eric Dier đeo vớ có hình ảnh thương hiệu TruSox. Các cầu thủ phải cắt bộ quần áo thi đấu chính thức và đeo thiết bị giúp chân không bị trượt trong giày.

Đơn giản chỉ là một xu hướng kỳ quặc

Cầu thủ bóng đá là những người nổi tiếng và họ thường tạo ra xu hướng. Ví dụ, Paul Pogba trở thành nguồn cảm hứng cho các cầu thủ và người hâm mộ bóng đá khác khi anh cắt tóc. Tương tự, việc cắt lỗ trên vớ cũng trở thành làn sóng trong giới cầu thủ.

Điều đáng ngạc nhiên là không có nghiên cứu khoa học nào chứng minh cho tuyên bố rằng việc khoét lỗ trên vớ giúp giảm áp lực lưu thông máu. Sau khi một số cầu thủ (gồm cả tiền đạo tuyển thủ xứ Wales, Gareth Bale) nhận ra hành động này không mang lại lợi ích gì, họ đã ngừng việc cắt thủng vớ.

Cơ quan quản lý của hiệp hội bóng đá, FIFA, không hài lòng với việc các cầu thủ cắt lỗ trên vớ. Đôi vớ rách có thể bị cấm trong một số trận đấu. Cầu thủ Argentina Ezequiel Garay đã bị buộc phải thay một đôi tất mới, sau khi trọng tài cho rằng đôi tất thủng lỗ của anh không phù hợp với quy định về trang phục thể thao. FIFA đã phạt một số cầu thủ và cảnh cáo những người khác vì hành vi này.

Ngoài ra, các trọng tài cũng yêu cầu tương tự. Điển hình là Ezequiel Garay, một cầu thủ của Valencia đã bị trọng tài yêu cầu thay đôi vớ bị rách của anh ấy bằng một đôi mới trước khi được phép vào thi đấu.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dang-sau-doi-vo-thung-cua-cau-thu-anh-tai-world-cup-post1377728.html