Đằng sau hành trình 30 năm của Tập đoàn Geleximco
30 năm hình thành và phát triển, Geleximco từ một công ty xuất nhập khẩu nhỏ với số vốn 3 tỷ đồng và hơn 10 nhân sự, nay đã trở thành một trong những Tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành hàng đầu Việt Nam.
Từ một công ty xuất nhập khẩu nhỏ…
Năm 1986, Việt Nam chính thức khởi xướng công cuộc đổi mới nền kinh tế. Các doanh nghiệp nhà nước trao quyền tự chủ sản xuất kinh doanh, thực hiện hạch toán kinh tế, lấy thu bù chi, xóa dần bao cấp, khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh mở rộng sản xuất.
Đứng trước cơ hội lớn của thời cuộc, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Geleximco Vũ Văn Tiền với sự nhiệt huyết và táo bạo của tuổi trẻ, đã suy nghĩ phải làm “gì đó” cho mình, cho gia đình, anh em và cho xã hội.
Ngày 9/1/1993, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (tiền thân của Tập đoàn Geleximco ngày nay) ra đời với số vốn điều lệ 3 tỷ đồng, là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của Việt Nam được phép kinh doanh xuất nhập khẩu trực tiếp.
Trong 3 năm đầu tiên, Vũ Văn Tiền cùng các cộng sự đã phải đối mặt với rất nhiều gian truân của một doanh nghiệp non trẻ, có những lúc gặp khủng hoảng tưởng như phải đóng cửa công ty.
Năm 1996, doanh nghiệp gánh món nợ lên tới 11 tỷ, số tiền rất lớn vào thời điểm đó. “Lúc bấy giờ, tôi chỉ có một suy nghĩ là mình phải cố gắng, mình phải chịu đựng và mình phải xác định là chỉ có tiến, không có lùi, nếu lùi là chết. Rồi công ty thì tan, anh em thì không còn nơi nương tựa”, ông Vũ Văn Tiền chia sẻ.
Nhờ ý chí và bản lĩnh của người con quê lúa Thái Bình, ông Tiền cùng các cộng sự đã tìm ra các biện pháp từng bước tháo gỡ khó khăn. Khủng hoảng cuối cùng cũng qua, Geleximco đã trả được nợ thuế và ngân hàng.
Đúng thời điểm đó, ông Tiền gặp cơ duyên khác với ngành sản xuất phụ tùng ô tô xe máy. Ông đã có quyết định táo bạo khi cùng các đối tác Nhật bản, Thái Lan thành lập Công ty TNHH Sản xuất phụ tùng ôtô xe máy Việt Nam (VAP) với tổng số vốn đầu tư 90 triệu USD. Đây là một trong những mô hình hợp tác thành công đầu tiên giữa Việt Nam với nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp tại Việt Nam.
Thừa thắng xông lên, năm 2000, doanh nghiệp của ông Tiền tiếp tục triển khai dự án liên doanh sản xuất mỳ ăn liền cùng VIFON- ACECOOK và sau đó xây dựng nhà máy sản xuất bao bì phục vụ cho nhà máy mỳ ăn liền cũng như xuất khẩu tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
… tới tập đoàn đa ngành khổng lồ
Hợp tác liên doanh nước ngoài với 2 dự án lớn thuận lợi đã giúp Geleximco tự tin trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Geleximco đã đề xuất với chính phủ, cho phép đầu tư vào lĩnh vực sản xuất bột giấy và giấy và đã được chấp thuận đầu tư Dự án Nhà máy bột giấy và giấy An Hòa tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang với tổng mức đầu tư cho cả 2 dự án gần 450 triệu USD.
Năm 2007, Geleximco đã chuyển từ TNHH sang công ty cổ phần, tăng vốn điều lệ lên gần 2.000 tỷ đồng.
Đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường, Geleximco đã đầu tư dự án Nhà máy Xi măng Thăng Long với tổng mức vốn lên tới 350 triệu USD Mỹ, công suất thiết kế 6.000 tấn clinker/ ngày, tương đương với 2,3 triệu tấn xi măng/năm.
Thành công nối tiếp thành công, Geleximco tiếp tục đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện Thăng Long với 2 tổ máy có tổng mức đầu tư 900 triệu USD Mỹ trên diện tích gần 125 ha tại Xã Lê Lợi, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Nắm bắt xu thế xã hội, Geleximco quyết định đầu tư mạnh mẽ trong lĩnh vực bất động sản. Các dự án như: Khu đô thị Thành phố Giao lưu; An Bình City; Gelexia Riverside; Geleximco Lê Trọng Tấn; Khu đô thị Cái Dăm… đã đưa Geleximco trở thành thương hiệu lớn, uy tín trên thị trường.
2019 là năm đánh dấu một bước ngoặt trong chiến lược kinh doanh của Geleximco khi chính thức bước chân vào thị trường BĐS nghỉ dưỡng cao cấp bằng việc phát triển, khai thác và vận hành dự án Khu Du lịch Quốc tế Đồi Rồng – Dragon Ocean Do Son.
Cùng với sản xuất công nghiệp và bất động sản, tài chính - ngân hàng cũng là lĩnh vực kinh doanh quan trọng của Tập đoàn Geleximco. Ngân hàng An Bình được cấp phép ngày 13/5/1993, với tên gọi ban đầu là Ngân hàng TMCP Nông thôn An Bình.
Năm 2004, Ngân hàng TMCP Nông thôn An Bình được chuyển đổi thành Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) vốn điều lệ 70,04 tỷ đồng. Năm 2022, vốn điều lệ của ABBANK là 9.409 tỷ đồng với các cổ đông chiến lược gồm: Tập đoàn Geleximco, Ngân hàng lớn nhất Malaysia Berhad (MayBank), và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) trực thuộc Ngân hàng Thế giới (World Bank).
Bên cạnh đó, Geleximco còn mở rộng phát triển các Dịch vụ khách sạn lưu trú – khách sạn nghỉ dưỡng, resort; Dịch vụ cho thuê văn phòng hạng A; Dịch vụ sân golf cao cấp.
Năm 2019, dự án sân golf 36 lỗ tiêu chuẩn quốc tế đã đi vào hoạt động với tên gọi Hilltop Valley Golf Club tại Kỳ Sơn, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình được khách hàng đánh giá cao. Mới đây, Geleximco chính thức vận hành sân golf đẳng cấp thượng lưu Dragon Golf Links – sân golf 27 lỗ trên biển, thuộc dự án Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng tại Đồ Sơn – Hải Phòng. Ngoài ra, Geleximco hiện sở hữu hai khách sạn là Hạ Long Dream Hotel tại Bãi Cháy, TP. Hạ Long, Quảng Ninh và Thái Bình Dream Hotel tại trung tâm TP. Thái Bình.
Cùng với đó, hai tòa nhà văn phòng Hạng A là Geleximco Building và Peakview Tower tọa lạc tại 36 Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội được xếp vào top các tòa nhà văn phòng cho thuê uy tín, chuyên nghiệp cũng góp phần đưa tên tuổi Geleximco lên một nấc thang mới.
Song song với kinh doanh, Geleximco luôn đề cao các hoạt động nhân văn, đưa trách nhiệm xã hội, hoạt động từ thiện vào chiến lược phát triển bền vững.
30 năm hình thành và phát triển, Tập đoàn Geleximco từ một công ty xuất nhập khẩu nhỏ với số vốn 3 tỷ đồng và hơn 10 nhân sự, nay đã trở thành một trong những Tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành hàng đầu Việt Nam có quy mô hơn 10.000 con người và tổng tài sản trên 80.000 tỷ đồng.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dang-sau-hanh-trinh-30-nam-cua-tap-doan-geleximco-d192555.html