Đằng sau kế hoạch huấn luyện 2.000 lính tinh nhuệ Ukraine để giành lại Crimea
Anh đang huấn luyện cho 2.000 lính tinh nhuệ Ukraine để giành lại Bán đảo Crimea nhưng giới quan sát cho rằng kế hoạch trên khó có thể thành công.
Kế hoạch huấn luyện 2.000 lính tinh nhuệ Ukraine để giành lại Crimea
Quân đội Anh đang huấn luyện cho khoảng 2.000 lính tinh nhuệ Ukraine tại một địa điểm ở Dartmoor để tiến hành các chiến dịch tấn công từ trên không, trên biển và trên đất liền nhằm làm tê liệt các lực lượng của Nga trên Bán đảo Crimea. Dù vậy, theo Michael Maloof – cựu chuyên gia phân tích chính sách an ninh cấp cao tại Văn phòng Bộ Quốc phòng Mỹ, kế hoạch trên khó có thể thành công.
"Các lực lượng của Nga đã xây dựng hệ thống hào chiến kiên cố quanh Crimea. Kế hoạch trên sẽ không thể thực hiện. Nếu bạn đang nói về 2.000 binh lính được phương Tây huấn luyện thì họ có thể bị tiêu diệt rất nhanh trong bất kỳ cuộc giao tranh liên tục nào. Với 2.000 quân, bạn sẽ không thể tạo nên tiến triển hay giành lại toàn bộ Bán đảo Crimea. Điều đó sẽ không xảy ra. Tuyến hậu cần nhằm đảm bảo nguồn cung cho quân đội Ukraine hiện đang thiếu thốn và dưới các điều kiện giao tranh, tình hình của Ukraine thậm chí còn tồi tệ hơn nếu các tuyến tiếp tế này bị cắt đứt. Về số lượng quân đội, con số trên không đủ để tạo nên khác biệt lớn trong bất kỳ cuộc phản công nào. Theo tôi, họ nên cảm thấy may mắn khi có thể tiếp tục phòng thủ tại các vị trí của mình thay vì tiến công xa hơn", chuyên gia này cho hay.
Ngoài ra, theo ông Paul E. Vallely, cựu Tướng Lục quân Mỹ đã nghỉ hưu, hiện là Chủ tịch tổ chức Stand Up America US Foundation, kế hoạch trên sẽ không hiệu quả. Ông cho rằng nó giống "một chương trình tuyên truyền của phương Tây hơn".
Trong khi đó, một số bài báo cho rằng các khóa huấn luyện của NATO không hiệu quả như thông báo. Chính các binh lính Ukraine được huấn luyện ở các nước NATO cũng đặt câu hỏi về tính hiệu quả của các khóa đào tạo này, phàn nàn rằng chúng không đủ và không đảm bảo sẽ giúp họ đạt được lợi thế trên chiến trường.
Cựu quan chức CIA Larry Johnson thì nhận định với Sputnik vào tháng trước rằng, lực lượng Ukraine đang được các nước NATO khác nhau đào tạo, vì thế hướng tiếp cận này phải đặc biệt nhấn mạnh đến nguyên tắc khả năng đồng đều của quân đội. Theo ông Johnson, mỗi binh lính thường được đào tạo cơ bản trong 13 tuần và sau đó trải qua ít nhất 2 - 3 tháng huấn luyện chuyên biệt để học cách sử dụng các vũ khí của NATO. Trong khi đó, hầu hết quân đội Ukraine chỉ trải qua 5 tuần tại các trại huấn luyện của Anh.
"Trại huấn luyện chỉ là giai đoạn đầu tiên của đào tạo binh lính", ông Vallely giải thích.
"Mỹ yêu cầu các binh lính từ trại huấn luyện tiếp tục được đào tạo nâng cao trong 4 tuần nữa để chuyên môn hóa và thành thạo hơn các kỹ năng. Tinh thần của các binh lính cũng cần được thử thách".
Chuyên gia Maloof cũng có cùng ý kiến khi cho rằng, 5 tuần không đủ để dạy cho các binh lính về học thuyết quân sự phương Tây, đặc biệt là các chiến dịch phối hợp lực lượng phức tạp.
"Ukraine biết cách chiến đấu để phòng thủ nhưng không biết cách tấn công và tôi nghĩ họ không được huấn luyện đủ về cách tiến hành một cuộc phản công thực sự để giành lại lãnh thổ", chuyên gia Maloof cho hay. Theo ông: "Họ không có đủ binh lính - đó là lý do thứ nhất. Lý do thứ hai là nguồn cung trang thiết bị không được duy trì liên tục. Tỷ lệ tiêu hao trang thiết bị cao tới nỗi Mỹ cũng không thể cung cấp chúng đủ nhanh chóng cho Ukraine".
Ukraine có khả năng chiến đấu trong xung đột cường độ cao?
Theo nhà quan sát Maloof, một nhân tố không thể không kể tới là Ukraine hoàn toàn thiếu khả năng tiến hành một chiến dịch phản công hiệu quả trên không.
"Mỹ thậm chí không nghĩ đến một cuộc tấn công nếu không có các phương tiện trên không để vô hiệu hóa các hệ thống liên lạc, kiểm soát chỉ huy trước khi đưa quân đội vào chiến đấu. Những điều chúng ta đang chứng kiến ở đây gần như là sự lặp lại của Thế chiến I - đó là chiến tranh chiến hào. Thật ngạc nhiên về cách họ bị sa lầy ở đây. Ý tôi là đây không phải là giải pháp cho một cuộc phản công hiệu quả", nhà phân tích chính sách an ninh này nhấn mạnh.
Bất chấp các tuyên bố từ giới lãnh đạo quân sự phương Tây về việc cung cấp tiêm kích F-16 và xe tăng M1 Abram, cũng như tăng số lượng các đơn vị Ukraine được huấn luyện theo tiêu chuẩn NATO, hiệu quả hỗ trợ quân sự của phương Tây đang gặp phải nhiều vấn đề. Cùng lúc đó, Mỹ và đồng minh chưa sẵn sàng cân nhắc thỏa thuận hòa bình khi cho rằng chính quyền Kiev nên đạt được lợi thế trên chiến trường. Tuy nhiên, quân đội Ukraine hiện đang đối mặt với tổn thất và thương vong không nhỏ sau 2 tháng phản công.
Mặc dù phía Ukraine chưa đưa ra số liệu cụ thể nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu hồi tháng trước cho biết, từ khi bắt đầu phản công, Lực lượng Vũ trang Ukraine đã tổn thất hơn 26.000 quân, 21 chiến đấu cơ, 5 trực thăng, 1.244 xe tăng và xe bọc thép, trong đó có 17 xe tăng Leopard, 5 xe tăng hạng nhẹ AMX do Pháp sản xuất, 914 phương tiện đặc biệt, 2 hệ thống phòng không và 25 hệ thống tên lửa phóng loạt.
Trong những điều kiện trên, theo các chuyên gia, Ukraine không có khả năng tiến hành tấn công chớp nhoáng vào Crimea cũng như một cuộc phản công trên quy mô lớn.