Đằng sau kế hoạch táo bạo đưa chíp vào não người của Elon Musk
Tháng 7 vừa qua, CEO của Tesla, tỷ phú Elon Musk đã công bố con chíp có thể cấy vào não người để kết hợp giữa con người và trí tuệ nhân tạo. Công ty của ông đã thử nghiệm thành công con chíp này trên loài khỉ, khi con khỉ cấy chíp có thể điều khiển được máy tính. Sau công bố của Musk, nhiều nhà khoa học đã có những phân tích và phản biện về kế hoạch táo bạo này.
Năm 2016, Musk đồng sáng lập một công ty công nghệ thần kinh có tên là Neuralink. Công ty này hoạt động thầm lặng cho đến năm 2017, khi tờ Wall Street Journal đưa một tin gây sốc là Musk thành lập một công ty nhằm hợp nhất máy tính với bộ não con người.
Phát triển những con chíp não là một lĩnh vực gây tò mò cho Musk, người đang điều hành công ty thám hiểm không gian SpaceX và và Công ty The Boring, nơi mà Musk hy vọng sẽ tạo ra hệ thống giao thông ngầm cho các thành phố.
Musk vốn lo sợ và hay phàn nàn về một ngày nào đó, trí tuệ nhân tạo sẽ lấn át và làm lu mờ vai trò của loài người. Ông đã thành lập một tổ chức nghiên cứu chung có tên là OpenAI, nhưng Neuralink có mục đích rõ ràng hơn là tạo ra một thiết bị được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo AI có thể tương tác với não bộ của con người.
Vào tháng 7 vừa qua, Musk và các thành viên điều hành Neuralink đã giới thiệu một công nghệ mà họ đã phát triển. Bí mật lớn được tiết lộ là một con microchip cực nhỏ có thể được cấy vào đằng sau tai của con người với các sợi dây dẫn siêu nhỏ có các điện cực gắn vào não, có khả năng ghi lại hoạt động của bộ não và kích thích trở lại nó.
Musk đã thổi phồng công nghệ này khi cho rằng, ngoài việc sử dụng với những người có vấn đề về thần kinh hay bị rối loạn, công nghệ này có thể kích hoạt con người cộng sinh với trí tuệ nhân tạo.
Ông cũng cho rằng công nghệ này đã có những thành công nhất định khi có một con khỉ gắn chíp vào não đã có thể điều khiển được máy tính. Sau công bố này, một số nhà khoa học đã đưa ra phản biện về kế hoạch đưa chíp vào não người để kết hợp con người với trí tuệ nhân tạo của tỷ phú Musk.
Trước đó, các nhà khoa học đã từng tạo ra các thiết bị có khả năng diễn giải hoạt động của não bộ và kích thích trở lại các tế bào thần kinh trong não. Một chứng minh đáng nhớ là vào năm 2012, các bệnh nhân liệt có thể điều khiển một cánh tay robot. Tuy vậy, Elon Musk không muốn đi theo những gì đã có.
Phản biện về điều này, Giáo sư trợ giảng sinh học thần kinh học Andrew Hires ở đại học Californiacho rằng: “Thông báo của ông Musk chắc chắn có vài điểm được thổi phồng và một số khía cạnh có tính thực tế”. Theo Giáo sư Andrew Hires, trong bài thuyết trình của mình, Neuralink đã cải thiện các công nghệ đã có ở ba khía cạnh quan trọng.
Một là, dây dẫn mềm có thể di chuyển trong não bộ mà không gây nguy hại
Với các dây dẫn mà thiết bị của Newralink công bố có sử dụng, ông Hires cho rằng chúng mềm đến mức có thể chuyển động. “Việc họ sử dụng các sợi linh hoạt là sự đổi mới đáng kể nếu họ cố gắng đưa chúng đến với người sử dụng”, Hires nói. Mỗi sợi mảnh hơn một sợi tóc lại có gắn điện cực, vừa phát hiện hoạt động của não bộ lại có thể kích thích nó.
“Các sợi cứng gắn trong não gây ra nhiều nguy hại bởi bộ não có thể di chuyển loanh quanh”, Hires nói và nhấn mạnh rằng não rất mềm. Dây dẫn mềm như cách mà Neuralink mô tả có thể là giải pháp tốt cho tất cả các thiết bị sẽ sử dụng trong một thời gian dài được gắn trong não bộ của con người mà ít có khả năng gây viêm nhiễm hoặc làm hỏng các mô.
“Công nghệ này chỉ mới ra mắt một hoặc hai năm. Cũng có thể các dây dẫn linh hoạt này ít tin cậy, ít chắc chắn, có thể nó sẽ đứt, Hires phân vân.
Còn Tiến sĩ Rylia Green ở Đại học Hoàng gia London lưu ý, vật liệu được sử dụng để tạo ra các sợi này là một loại polyme được sử dụng khá phổ biến trong lĩnh vực này. Cô cũng đã nhận thấy các điện cực được làm bằng vàng nhưng mới chỉ ở mức độ nghiên cứu thay vì sẵn sàng cho việc đưa vào não bộ con người.
Hai là, một “máy may” sẽ thay thế cho bác sĩ phẫu thuật
Một vấn đề lớn với các dây dẫn mềm này là chúng rất khó trong việc luồn vào não bộ, và với vấn đề này Neuralink đã sáng chế một cách mới. Các đầu dò sẽ được đưa vào não bộ bởi một thiết bị tựa như một cái máy may khi sử dụng một kim cứng để đưa các sợi này vào vị trí khoảng 1mm từ bề mặt não bộ hoặc vỏ não.
Giáo sư Hires nói, ý tưởng về loại “máy may” này là rất mới và là một sự thay đổi đáng kể. Bản thân ông đã từng thực hiện việc đưa các thiết bị tương tự vào não bộ con chuột bằng tay. “So với việc làm việc này bằng tay thì những thứ này rất tốt. Thật khó để có một bàn tay đủ vững vàng để làm những việc như vậy theo cách thủ công”, ông nói.
Ông Hires đặc biệt ấn tượng với một tính năng của chiếc máy này khi hoạt động trong điều kiện não bộ con người không cố định một chỗ. “Hơi thở, nhịp tim là hai yếu tố có thể làm não bộ chuyển động nhẹ”, ông cho biết. Chức năng này được gọi là hiệu chỉnh chuyển động thực tế, và nó hoạt động bằng cách quay video các mạch máu của não dưới kính hiển vi, sau đó sử dụng một robot để điều chỉnh kim di chuyển cùng với các mạch máu đó.
Ba là, một con chíp siêu mạnh để biên dịch hoạt động của não bộ
Vũ khí cuối cùng trong “kho” của Neuralink là con chíp có thể thông dịch được hoạt động của não bộ được thu thập qua các điện cực.
“Có một vấn đề khi thu thập các tín hiệu điện ra khỏi bộ não là nó rất nhỏ. Và khi đi qua một dây dẫn mỏng thì càng dễ bị biến dạng bởi tạp âm xung quanh vì chúng ta có rất nhiều loại nhiễu điện tạp âm. Và nếu muốn thu thì chỉ có cách khuyếch đại và số hóa tín hiệu này càng gần với nguồn thu càng tốt”. Hires nói. “Với những gì họ tiết lộ thì con chíp của họ dường như đã có bước tiến vượt qua sự mong đợi. Nó cho phép bạn có thể thu nhận thông tin với độ chính xác cao. Việc này giống như việc bạn nâng cấp từ một chiếc TV có độ phân giải tiêu chuẩn lên độ phân giải cao vậy”.
Còn với Tiến sĩ Rylia Green thì điều thú vị không phải là bất kỳ khía cạnh nào trong cả ba công nghệ của Neuralink có tính đột phá, mà chính là cách chúng kết hợp với nhau. “Tất cả các khía cạnh đó đã được phát triển trong một thời gian dài, nhưng thật là tuyệt vời khi chúng kết hợp được với nhau trong cùng một thiết bị”.
Đừng quá mong đợi khi đã thành công trên khỉ
Cho dù Musk hào hứng khi nói với khán giả tại buổi thuyết trình của Neuralink là công nghệ này cho phép một con khỉ có thể “điều khiển một máy tính bằng não của nó” nhưng cả Giáo sư Hires và Tiến sĩ Green đều không ngạc nhiên hay ấn tượng về việc này.
“Con khỉ không truy cập internet mà chỉ điều khiển con trỏ để di chuyển quả bóng tiếp cận tới mục tiêu. Bản thân Musk đã không đưa ra bất kỳ chi tiết nào về việc thử nghiệm với linh trưởng của Neuralink trong buổi thuyết trình vào tháng 7 vừa qua. Đây là điều mà bạn có thể thực hiện với giao diện máy điện não truyền thống. Tôi không ngạc nhiên khi họ thực hiện được điều này”, Giáo sư Hires nói.
Còn Tiến sĩ Green thì cho rằng, thực hiện được việc này cũng có thể được coi là ấn tượng hoặc khác biệt khi mà thiết bị này rất nhỏ và được sử dụng các vật liệu khác nhau, nhưng chúng đã đưa ra và hiển thị được dữ liệu.
Cách sử dụng hay nhất của Neuralink: Cho cánh tay giả có cảm giác
Trong khi tỷ phú Elon Musk rất muốn thúc đẩy sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo và ý thức của con người thì cả Giáo sư Hires và Tiến sĩ Green lại thấy hào hứng với những lợi ích trước mắt mà công nghệ này có thể mang lại. “Ứng dụng đầu tiên mà bạn có thể hình dung là kiểm soát thần kinh một cánh tay giả cho một bệnh nhân bị liệt”, ông Hires nói. Tiến sĩ Green cũng đồng tình với điều này và bổ sung, nó có thể sử dụng cho các bệnh nhân mắc hội chứng tự kỷ giúp họ kiểm soát tốt hơn.
Cho dù việc điều khiển các cánh tay robot bằng thần kinh đã được thực hiện từ năm 2012, công nghệ của Neuralink có thể tạo ra một bước tiến lớn, đó là phản hồi chạm, đôi khi còn gọi là phản hồi xúc giác. Về mặt lý thuyết, điều này có thể thực hiện được nếu các con chíp của Neuralink thu thập được thông tin vùng não nào bị kích thích khi chúng ta chạm vào và tương tác với thế giới bên ngoài. Khi đó các điện cực sẽ sử dụng các thông tin này để kích thích ngược trở lại não bộ của những người đang sử dụng cánh tay robot.
“Các tín hiệu điện tử của Neuralink không nhất thiết phải kích thích một cách chính xác nhất đến tế bào thần kinh để tạo ra cảm giác do khả năng thích ứng của não bộ”, Giáo sư Hires nói. “Tôi nghĩ đây là một hy vọng hoàn toàn có thể, theo thời gian, vỏ não có thể học lại và tổ chức lại các mô hình kích thích tín hiệu điện. Miễn là nó có mối quan hệ đồng bộ giữa những gì bạn đang làm và những gì đang diễn ra trong não”.
Mục tiêu kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo và con người của Elon Musk có thể thất bại
Cả hai nhà khoa học Hires và Green đều nghi ngờ về mục tiêu của tỷ phú Elon Musk là một ngày nào nó Neuralink sẽ kết hợp được ý thức của con người và trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, Giáo sư Hires cũng không loại bỏ nó hoàn toàn. Hires nói, để đạt tới mức độ tích hợp với trí tuệ nhân tạo, dường như Musk đang bước đến một vùng đất giả tưởng, nhưng cũng khó mà dự đoán công nghệ sẽ thay đổi thế nào trong hai mươi năm tới.
Theo ông, khi đó các điện cực phải đạt đến độ chính xác để có thể kích thích từng nơ-ron thần kinh và quan trọng hơn là phải hiểu rõ hơn về chính bộ não. “Chúng ta vẫn chưa hiểu quy tắc mà não bộ tái tổ chức để học mọi thứ”, Hires nói. Còn Green thì chỉ ra những vấn đề liên quan đến đạo đức trong thế giới mà Neuralink kết nối giữa trí tuệ nhân tạo và não bộ con người. Đây sẽ là trở ngại lâu dài trước khi Neuralink cố gắng đưa trí tuệ nhân tạo vào bộ não của con người.
“Cuộc phẫu thuật sẽ có nguy cơ rất cao khi mà cố đưa bất kỳ một thiết bị nào vào não người và rất rắc rối nếu lựa chọn người khỏe mạnh bình thường để làm việc này”, Tiến sĩ Green nói. “Con người chỉ làm điều này khi mà họ có những hạn chế nghiêm trọng ảnh hưởng đến cuộc sống của họ và việc làm này sẽ làm cuộc sống của họ tốt lên. Còn làm việc này để cho vui thì không phải là một ý tưởng tuyệt vời”.
“Không loại trừ khả năng công nghệ của Neuralink sẽ trở thành hiện thực và có thể được áp dụng. Nó hoàn toàn có thể xảy ra trong cuộc đời của Elon Musk”, Giáo sư Hires nói.
HOÀNG DƯƠNG
Theo Insider