Đằng sau một vụ việc ầm ĩ kéo dài

Xin chỉ duy nhất một lần nhắc tên vụ việc ầm ĩ kéo dài kể trên để chúng ta cùng hiểu ví dụ điển hình được nêu ra ở đây là gì. Đó chính là vụ bà CEO Nguyễn Phương Hằng, với những livestream cả năm trời qua gây náo loạn dư luận xã hội. Sau khi vụ việc này kết thúc, chúng ta nên rút ra kinh nghiệm gì, và nên có những hành động cụ thể nào.

Sau vụ việc ầm ĩ kéo dài này, có ai dám chắc rằng ở một thời điểm nào đó trong tương lai sẽ không xảy ra thêm một vụ tương tự? Thực tế, kể từ khi mạng xã hội trở nên phổ biến toàn cầu, đã có rất nhiều thay đổi trong hoạt động truyền tải thông tin. Từ truyền thông truyền thống, truyền thông phi truyền thống đã chiếm lĩnh thị trường.

Những mạng xã hội như Facebook, Twitter… đã đẩy báo chí chính thống vào thế khó, cả trong hoạt động nghiệp vụ của nó lẫn cả trong thương mại. Người đọc đã tìm đến mạng xã hội nhiều hơn, không chỉ vì tính tiện dụng của chúng mà bởi lẽ, ở đó, họ tin rằng mình được đọc những thứ "hợp khẩu vị" của mình. Nhưng điều đáng ngại, mà rất nhiều năm qua nhiều chính phủ đã phải lên tiếng, chính là các thông tin hợp khẩu vị kia mang bao nhiêu phần trăm sự thật, và mục đích của chúng là gì.

Người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar là nạn nhân của những nội dung thù hằn trên Facebook và họ đã khởi kiện đòi bồi thường 150 tỷ đô la vì những gì mình phải gánh chịu.

Một cuộc livestream hôm nay nếu khai thác đúng trọng tâm ''khẩu vị'' đám đông có thể thu hút lượng người xem trực tiếp cùng lúc (CCU) vượt trội chỉ số người xem của bất kỳ chương trình truyền hình trực tiếp nào. Đó chính là mối đe dọa cực kinh khủng đối với truyền thông chính thống. Từ đó dẫn tới 2 hệ lụy lớn.

Thứ nhất, khi truyền thông chính thống không thể "bán" được cho độc giả, khán giả của mình, họ sẽ phải khai thác thương mại từ quảng cáo. Khai thác này dẫn tới việc họ dễ bị chi phối bởi các thế lực tư nhân là các tổ chức kinh tế, các tập đoàn, các công ty và khó tránh khỏi chuyện đưa tin theo ý muốn của tổ chức kinh tế ấy.

Thứ hai, các nội dung truyền thông mạng xã hội hút khách hoàn toàn có thể biến chủ nhân nội dung thành người tạo tầm ảnh hưởng (KOLs) và đặt họ vào một vị thế có khả năng dẫn dụ đám đông đến với những thông tin sai lệch, hoặc được cố tình định hướng có lợi cho cá nhân ấy hoặc nhóm lợi ích của cá nhân ấy, mà nguy hiểm nhất là ý đồ xách động đám đông tạo ra các bất ổn xã hội.

Trước những nguy cơ đe dọa đến an ninh xã hội như vậy, đường lối duy nhất mà chúng ta cần phải thực hiện chính là quy trách nhiệm của đơn vị cung cấp nền tảng trước một tòa án, bằng những khởi kiện, với các yêu cầu bồi thường siêu khủng đủ để vừa cảnh báo lẫn cảnh cáo người dùng và nền tảng, đồng thời vừa buộc chặt nghĩa vụ kiểm soát thông tin của các nền tảng này.

Chuyện đưa một nền tảng ra tòa, đặc biệt là những nền tảng được xem là đại gia công nghệ toàn cầu (Big Tech) kiểu như Meta (Facebook) có thể khiến nhiều người cười khẩy, nghĩ là mơ hồ và điên rồ, nhưng thực tế không phải vậy. Đã có những chính phủ kiện các đại gia đầu sỏ này ra tòa và nếu chúng ta tham gia vào cuộc chơi chung của các chính phủ trên thế giới hiện nay, khi đối đầu các đại gia công nghệ, chắc chắn chỉ có lợi và không chậm chân.

Giữa tháng 3 vừa rồi, Ủy ban cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng Australia (ACCC) đã chính thức khởi kiện Meta (tập đoàn sở hữu Facebook) về việc lan truyền các tin giả, các thông tin cố tình dẫn dụ người dùng thông qua việc sử dụng các quảng cáo rác có hình ảnh các nhân vật công chúng ở quốc gia này.

Trước vụ khởi kiện này, chính phủ Anh cũng kiện Meta dựa trên luật "Cạnh tranh 1998" của Vương quốc này vì lý do tương tự như ACCC, đồng thời thêm lý do lạm dụng dữ liệu cá nhân người dùng Anh quốc. Chính phủ Anh cáo buộc Meta và yêu cầu một khoản bồi thường 3,1 tỷ USD kèm theo các yêu cầu kiểm soát nghiêm ngặt đầu ra thông tin trên nền tảng của Meta.

Song song với hai vụ kiện này, EU và Anh cũng đang tiến hành điều tra việc Meta ngấm ngầm bắt tay với Google, vì việc này đi ngược lại luật "chống lũng đoạn" của các quốc gia thành viên của họ. Và tiền sử thì Google cũng như Facebook cũng đã từng dính các án phạt rất nặng sau khiếu kiện của các chính phủ châu Âu cách đây vài năm. Sau các khiếu kiện ấy, hoạt động của Facebook ở châu Âu đã "hiền" hơn hẳn. Trước kia, các thông tin kích động thù hằn, xách động hỗn loạn xã hội ở châu Âu trên các nền tảng như Facebook, youtube cũng nhiều không kém gì như ở Việt Nam và nhiều nước khác hôm nay.

Các nước ASEAN hiện đang chủ trương mong giữ sự bình ổn môi trường xã hội để tập trung phát triển và hợp tác kinh tế. Và để né luật, không ít các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới hiện khai thác rất nhiều doanh thu ở thị trường Việt Nam lại đang đặt trụ sở của chi nhánh khu vực ở các nước khác tại ASEAN như Singapore, Malaysia…

Vậy thì nếu Việt Nam kêu gọi các nước bạn cùng tham gia một vụ khởi kiện "lịch sử" đối với các nền tảng này do họ thiếu chặt chẽ kiểm soát nội dung, gây ra rất nhiều xáo động xã hội Việt Nam nói riêng và các quốc gia láng giềng nói chung suốt nhiều năm qua, khả năng giành được ưu thế là rất lớn, bởi đây không chỉ là tiếng nói đơn lẻ của một chính phủ, một quốc gia.

Thêm vào đó, với rất nhiều bằng chứng, dẫn chứng mà chúng ta thu thập được suốt nhiều năm vừa rồi, với những vụ kiểu như vụ ầm ĩ kéo dài đã được nhắc ở trên, cộng hưởng với việc các nền tảng ấy cũng đang tạo ra nhiều tác động tiêu cực lên đời sống xã hội của nhiều quốc gia tiên tiến, văn minh trên toàn cầu, áp lực công lý lên họ chắc chắn sẽ không nhỏ.

Thực chất, cả thế giới hiện nay đều sử dụng mạng xã hội với những tiện dụng mà nó mang lại nhưng gần như tất cả các chính phủ đều nhận thức rõ nó như một con "quái vật" cần đồng lòng được thuần hóa. Nhược bằng không, quyền lực trong tay giới chủ đầu tư của các mạng xã hội ấy sẽ rất lớn, thậm chí có thể vượt trội cả quyền lực của một vài chính phủ ở một vài quốc gia nào đó.

Tham gia vào cuộc chơi chung để "thuần hóa con "quái vật" mạng xã hội này" là thứ chúng ta nên làm sớm, làm ngay, nhất là khi chúng ta đang được chứng kiến quá nhiều những biến cố đáng lo ngại trên toàn cầu mà chính các nội dung trên mạng xã hội đã góp tay vào đó một phần không hề nhỏ.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/dang-sau-mot-vu-viec-am-i-keo-dai-i650303/