Đằng sau những bài viết về đời sống công nhân

Với đặc thù của nghề báo, đặc biệt là những phóng viên theo dõi lĩnh vực lao động - việc làm, họ giống như những 'con ong' cần mẫn, tận tụy gắn bó với cơ sở, đời sống công nhân để rồi cho ra nhiều tác phẩm báo chí có giá trị, phản ánh cuộc sống và bảo vệ quyền lợi người lao động. Nhân dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023), những phóng viên theo dõi mảng lao động - việc làm có những phút trải lòng về công việc của mình.

Sau khi tốt nghiệp đại học vào giữa năm 2018, Xuân Trường vào làm việc cho Báo Dân Sinh ở thành phố Hồ Chí Minh – nơi tập trung đông đảo công nhân, người lao động. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh không ngại gian khó mà thâm nhập vào các khu trọ, khu công nghiệp để tiếp xúc với công nhân, thu thập tư liệu và cho ra các bài viết mang hơi thở cuộc sống. Từ đó đến nay, anh đã mài giũa và trở thành một cây bút chuyên nghiệp về lĩnh vực lao động – việc làm.

“Lửa nghề tôi vẫn giữ từ lúc sinh viên đến bây giờ. Vì vậy, khi bước vào nghề báo mà còn làm ở mảng lao động – việc làm, tôi không ngần ngại xông pha, bất chấp mưa hay nắng chỉ cần có phản ánh của người dân là tôi sẵn sàng đến nơi nghe chia sẻ của họ. Nhiều năm lăn lộn với nghề, dù chưa phải nhiều nhưng cũng đủ để tôi hiểu thêm được nhiều điều…”, Xuân Trường chia sẻ.

Phóng viên Mỹ Quỳnh (bên trái) trò chuyện với người lao động khó khăn vì dịch Covid-19.

Phóng viên Mỹ Quỳnh (bên trái) trò chuyện với người lao động khó khăn vì dịch Covid-19.

Từ công nhân, nông dân… cho đến những người có chức cao vọng trọng, Xuân Trường đều đã tiếp xúc. Mỗi người, mỗi lĩnh vực ở những vị trí xã hội khác nhau mang đến cho anh những cảm nhận về những sắc màu khác nhau của cuộc sống… Từ những cảm nhận đó, Xuân Trường đã viết lên nhiều câu chuyện phản ánh về hiện thực cuộc sống, những câu chuyện này trở nên sống động hơn bao giờ hết khi có rất nhiều chất liệu để kết hợp.

“Là một phóng viên trẻ được theo đúng nghề mà mình đam mê thì mình luôn sẵn sàng đối mặt với những khó khăn, thử thách, nguy hiểm. Và nhiều khi chính tôi cũng không hiểu vì sao mình lại yêu nó đến như vậy? Tôi thích những cuộc hành trình, đi và viết! Trong thời gian tới, tôi sẽ đi nhiều hơn, “dấn thân” hơn viết nhiều hơn để ngày càng hoàn thiện bản thân và cho ra những tác phẩm báo chí hay, mang hơi thở cuộc sống phục vụ độc giả”, Xuân Trường cho biết.

Xuất thân là một phóng viên lĩnh vực giáo dục, nhưng do yêu cầu của công việc, Mỹ Quỳnh (báo Dân Việt) bén duyên sang lĩnh vực lao động – việc làm, đến nay đã gần 2 năm chị gắn bó với lĩnh vực này. “Ban đầu phụ trách lĩnh vực này tôi cũng thấy khá vất vả vì các chính sách của người lao động tôi chưa hiểu hết, chính vì vậy để có thêm kinh nghiệm tôi phải xin đi theo các phóng viên đi trước để học hỏi, từ đó đúc kết riêng cho mình một cách làm, cách tiếp cận phù hợp”, Mỹ Quỳnh nói.

Trải lòng với chúng tôi, Mỹ Quỳnh cho biết, khi theo lĩnh vực lao động – việc làm, phóng viên luôn đón nhận được sự chào đón của các công nhân, người lao động… những người luôn muốn nói lên nỗi lòng của mình. Nhất là khi đến với các khu trọ, từng câu chuyện được công nhân chia sẻ không ngớt, kèm theo đó là sự hi vọng của họ đặt vào những nhà báo như Mỹ Quỳnh. Họ mong rằng, qua ngòi bút của nhà báo thì nỗi niềm của họ sẽ phần nào được các cơ quan liên quan giải quyết.

“Điều mình nhớ nhất là trong đợt dịch Covid-19 đã tìm được nhiều công nhân mất việc đang tá túc tại một khu trọ miễn phí ở quận 12. Sau khi bài viết đăng trên báo lập tức được nhiều bạn đọc hỗ trợ quần áo, thực phẩm, sữa và cả tiền bạc để mình trực tiếp trao cho họ. Sau đó, các cấp chính quyền của Thành phố cũng vào cuộc tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm mới giúp họ ổn định cuộc sống. Không vui sao được khi nhìn thấy những nụ cười, những ánh mắt hạnh phúc của những cảnh đời bất hạnh đã được giúp đỡ thông qua bài viết của mình”, Mỹ Quỳnh kể.

Bên cạnh những niềm vui, Mỹ Quỳnh cũng gặp không ít khó khăn khi viết về lĩnh vực lao động – việc làm. Cụ thể như có nhiều công nhân, lao động ngại nói về cuộc sống vì sợ ảnh hưởng đến công ty , gia đình…, hoặc khi nhiều nhân vật hay, nhưng không cho chụp ảnh, không cho đăng thông tin lên báo nên đôi khi phải bỏ đề tài. Có lúc phóng viên phải tranh thủ buổi tối để đến các khu trọ gặp công nhân vừa tan ca, phỏng vấn nhân vật. Hoặc cũng có lúc, phóng viên bị hiểu lầm là những người xấu…

“Mình cho rằng đã theo mảng này thì cần có sự đồng cảm với công nhân, người lao động. Muốn vậy phải đến tận nơi để gặp gỡ, trò chuyện, thậm chí ở cùng họ để thấu cảm được cuộc sống cũng như tâm tư của người công nhân; hạn chế việc gọi điện phỏng vấn qua điện thoại…”, Mỹ Quỳnh chia sẻ.

Lĩnh vực lao động - việc làm là một mảng khá vất vả, nhưng với Phương Ngân (phóng viên báo Lao động) thì nó cũng có nhiều niềm vui. Mỗi khi nhận được thông tin người lao động bị ép tăng ca liên tục nhưng không được trả đủ quyền lợi, họ đấu tranh đòi quyền lợi thì bị chủ cho nghỉ việc,... Phương Ngân đều có mặt ngay để phản ánh kịp thời. Đồng thời, phối hợp cùng với các cơ quan chức năng đấu tranh bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho người lao động.

Trong thời gian vừa qua, kinh tế TP.HCM gặp nhiều biến động, các công ty trong lĩnh vực may mặc liên tục sa thải hàng nghìn nhân sự. Khiến nhiều công nhân rơi vào cảnh khó khăn, thiếu thốn… lúc này, những phóng viên như Phương Ngân lại có mặt, chạy xe máy hàng chục cây số từ trung tâm TP.HCM để đến với các khu trọ ở quận Bình Tân, Củ Chi chia sẻ nỗi lòng của họ. Không còn gì trong tay, công nhân chỉ còn hi vọng vào báo đài để ai đó có thể thấy được sự khó khăn của họ mà cho họ cơ hội việc làm mới.

Với nỗ lực không ngừng bằng hàng chục bài viết, Phương Ngân góp phần giúp cho hàng nghìn công nhân bị sa thải tìm được việc làm mới thông qua kết nối với trung tâm dịch vụ việc làm, các công ty cần tuyển dụng và các cơ quan chức năng. Đối với Phương Ngân, khi viết được các bài báo giúp được công nhân thì đó như là món quà tinh thần giúp chị vượt qua hết khó khăn, tiếp tục gắn bó với nghề phục vụ độc giả.

Phương Ngân cho rằng, mỗi phóng viên phụ trách lĩnh vực này còn có cơ hội học hỏi, trau dồi kiến thức chuyên môn và phải tự biến mình thành “chuyên gia” trong lĩnh vực lao động. Từ đó, tiếp tục bám sát thực tiễn đời sống người lao động để phát hiện những bất cập trong việc thực hiện chính sách, đóng góp ý kiến từng bước hoàn thiện chính sách pháp luật, hướng đến mục tiêu vừa bảo vệ quyền lợi lâu dài vừa bảo đảm an sinh xã hội.

Minh Tuấn

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/dang-sau-nhung-bai-viet-ve-doi-song-cong-nhan-157300.html