Đằng sau những con số
Từ năm 2011, Việt Nam đã kết thúc Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng và thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng trong giai đoạn 2011-2020 theo cơ chế chương trình mục tiêu quốc gia.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam liên tục được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, khi tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc tăng từ 39,7% năm 2011 lên 40,84% năm 2015 và năm 2020 ước đạt khoảng 42%. Đến nay, tổng diện tích rừng trên cả nước là 14,609 triệu ha, trong đó, diện tích rừng tự nhiên là 10,292 triệu ha; rừng trồng là 4,317 triệu ha.
Cần phải khẳng định, để đạt tỷ lệ che phủ rừng như hiện nay là sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, cũng như sự đồng lòng của nhân dân. Nhiều địa phương có tỷ lệ che phủ rừng cao hơn 50% như Tuyên Quang, Bắc Kạn, Yên Bái, Nghệ An... Người dân ở các địa phương cũng đã có ý thức bảo vệ rừng hơn, giúp chúng ta yên tâm hơn với việc thực hiện công tác này trong thời gian tới.
Nhưng theo nhiều chuyên gia, con số trên chưa cho thấy rõ giá trị nội tại của rừng và chưa làm yên lòng người dân khi lũ lụt, sạt lở đất, biển xâm thực vẫn diễn ra với cấp độ ngày càng nghiêm trọng. Bởi, chất lượng rừng không chỉ căn cứ vào tỷ lệ che phủ của rừng, mà phải tính đến tỷ lệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Giá trị của 7,801 triệu ha rừng sản xuất khác hẳn với giá trị của 2,161 triệu ha rừng đặc dụng hay 4,646 triệu ha rừng phòng hộ, vì rừng sản xuất gần như không có tác dụng hữu hiệu trong bảo vệ nguồn nước, hệ sinh thái, phòng chống xói mòn...
10 năm qua, trung bình mỗi năm toàn quốc trồng được khoảng 230 nghìn ha nhưng có 215 nghìn ha là rừng sản xuất. Tất nhiên, diện tích rừng trồng mới không thể bù đắp được giá trị của hàng chục nghìn ha rừng nguyên sinh đã bị mất đi hoặc thay thế vào đó là các cây công nghiệp có giá trị kinh tế, do hệ sinh thái, đa dạng sinh học đã bị phá vỡ.
Trước xu hướng nhiều địa phương tính diện tích cây công nghiệp dài ngày vào tính độ che phủ rừng, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ lo ngại về con số 42% tỷ lệ che phủ rừng hiện nay. Những cây công nghiệp dài ngày đúng là có độ che phủ, nhưng không mang tính bền vững, đặc biệt, không có tính đa dạng sinh học và không thể giúp chống mưa lũ, hay trở thành hồ chứa nước ngầm như rừng nguyên sinh, rừng đặc dụng. Thực tế cho thấy, việc chuyển rừng nghèo sang trồng cao su đã gây hậu quả nặng nề: rừng mất, cây cao su không còn, hệ sinh thái cũng mất.
Mặc dù chưa có con số thống kê đầy đủ về những hậu họa của việc để suy giảm diện tích rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, nhưng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thừa nhận, tình trạng phá rừng để trồng cây công nghiệp, làm nương rẫy, việc trồng rừng thay thế và các dự án sử dụng đất rừng để phát triển kinh tế - xã hội... chính là nhân tố rất quan trọng gây sạt lở đất khi lũ lụt xảy ra.
Mặt khác, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thực hiện dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên trên toàn quốc từ năm 2016, diện tích rừng trồng mới là nguồn nguyên liệu chủ yếu cho công nghiệp chế biến gỗ. Với sản lượng gỗ năm 2020 tăng 4 lần so với năm 2011; giá trị xuất khẩu lâm sản tăng bình quân 5,6%/năm (năm 2020 ước đạt 18 tỷ USD), nhiều ý kiến khẳng định, nếu chỉ dựa vào khai thác rừng trồng khó có thể đạt được mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu lâm sản lên mức 20 tỷ USD từ năm 2021. Và tất nhiên, rừng tự nhiên không thể tránh khỏi bị khai thác, xâm hại...
Thế nên, người dân không khỏi băn khoăn khi đến thời điểm này, công tác bảo vệ và phát triển rừng trong giai đoạn tới vẫn chưa được định hướng rõ ràng, với những giải pháp căn cơ và tầm nhìn dài hạn hơn cho vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dang-sau-nhung-con-so-post435003.html