Đằng sau những công bố khoa học quốc tế

Nghiên cứu và công bố khoa học là một quá trình được các nhà khoa học trẻ Việt Nam ở nước ngoài ví như 'cuộc chạy marathon' không hạn định, tạm quên đi sự thụ hưởng, thời gian dành cho cuộc sống riêng và chấp nhận sự đánh đổi không báo trước.

Thích nghi với trạng thái “kiệt sức”

Trao đổi với PV Tiền Phong khi đang ngồi trên tàu điện di chuyển đến phòng nghiên cứu, nghiên cứu sinh tiến sĩ Nguyễn Anh Hào - ngành Hóa của trường ĐH Washington (Mỹ) nói rằng, anh chỉ có 15 phút để nói về chủ đề này. Sau đó, anh sẽ “cách ly” với điện thoại và những công việc ngoài lề khi bước vào phòng nghiên cứu.

Anh Hào lý giải, đó là nguyên tắc để giữ được sự tập trung tuyệt đối với cường độ làm việc căng thẳng từ 7h sáng và về nhà lúc 20h. Bởi theo lộ trình học tiến sĩ trung bình từ 4 đến 5 năm, nếu 2 năm đầu không có kết quả, không có công bố khoa học hoặc phải đổi công trình nghiên cứu, nghiên cứu sinh sẽ bị trượt dài, không có kết quả và ảnh hưởng đến tâm lý.

Nghiên cứu sinh Nguyễn Anh Hào (thứ 3 từ phải sang) cùng nhóm nghiên cứu tại trường ĐH Washington, Mỹ

Nghiên cứu sinh Nguyễn Anh Hào (thứ 3 từ phải sang) cùng nhóm nghiên cứu tại trường ĐH Washington, Mỹ

“Học tiến sĩ hay nghiên cứu khoa học như một cuộc chạy marathon. Hành trình ấy thử thách sự kiên nhẫn, dũng cảm của chính tôi. Đôi khi, tôi lại cảm thấy bị dồn việc, ngay cả khi không có ai đặt áp lực nhưng tôi vẫn muốn hoàn thành công việc cho nhanh. Có thời điểm chọn một đề tài nghiên cứu, thầy cô khích lệ, bản thân có khả năng nhưng phải đánh đổi bằng việc thức sớm, ngủ muộn cả năm không đạt kết quả mong đợi sẽ dễ hụt hẫng và nản, rơi vào kiệt sức”, anh Hào chia sẻ.

“Sự hy sinh, đánh đổi về sức khỏe, thời gian cho một công bố khoa học không có dự báo, công thức chung để đo đếm và lường trước. Đặc biệt, trong môi trường nghiên cứu ở nước ngoài, muốn thực sự có dấu ấn, tôi càng phải đánh đổi và hy sinh nhiều hơn”.

TS. Kiều Trung Hiếu, ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore)

Ngay cả việc dành thời gian về thăm gia đình cũng khiến anh Hào không ít băn khoăn, tự cảm thấy có lỗi với các giáo sư vì nghỉ 1-2 tuần. Bản thân anh cũng không quen với cảm giác “được nghỉ ngơi”. Việc đặt ra ranh giới giữa nghiên cứu và đời sống, sức khỏe tinh thần cá nhân thực sự là một thách thức với anh.

Với TS. Trần Lê Hưng, nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm - mô phỏng trong xây dựng và hạ tầng, Trường ĐH Kỹ sư Thủ đô Paris (Pháp), con đường nghiên cứu khoa học như một hành trình bền bỉ đi tìm lối đi riêng và tạo nên dấu ấn.

Nhớ lại thời điểm năm thứ nhất là nghiên cứu sinh (2017), chàng trai trẻ duy trì thời gian biểu hoạt động về đêm nhiều hơn ban ngày. Ngày ấy, anh cùng nhóm 3 bạn làm nghiên cứu với 3 đề tài khác nhau. “Ban ngày từ 14h đến 18h chiều, nhóm làm việc tại phòng lab. Nhiều hôm từ 18h chiều đến 5h sáng hôm sau tôi bắt tay vào nghiên cứu, bởi đó là khoảng thời gian yên tĩnh nhất trong ngày”, anh Hưng kể.

Với hướng nghiên cứu ứng dụng trong kỹ thuật công nghệ xây dựng, công bố phải được kiểm chứng bằng việc đối sánh với các số liệu đo thực tế, mô hình lý thuyết (hoặc sử dụng mô phỏng số) và làm nổi bật được cái mới.

Để có một công bố khoa học trên tạp chí Q1, TS. Hưng sẽ mất từ 6 tháng đến 1 năm để chờ đợi, hoặc có khi nhiều hơn. Thời gian tùy thuộc vào nhiều yếu tố như tính cấp thiết đề tài, số lượng người, ý kiến phản biện...

TS. Trần Lê Hưng, Trường ĐH Kỹ sư Thủ đô Paris (Pháp)

TS. Trần Lê Hưng, Trường ĐH Kỹ sư Thủ đô Paris (Pháp)

“Việc bị từ chối xuất bản nhiều lần cũng gây ảnh hưởng đến tâm lý, tốn nguồn lực làm lại số liệu, thí nghiệm. Đối với nghiên cứu có tính thực nghiệm cao, phải mất thời gian dài để quan sát hiện tượng, một số hiện tượng có khi chỉ xuất hiện sau nhiều năm”, TS. Hưng cho biết.

Hành trình gan dạ và can trường

Gần 2 năm với 38 lần lênh đênh trên biển, TS. Kiều Trung Hiếu - hiện nghiên cứu tại ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore), mới có 130 nghìn mẫu dữ liệu, tạm đủ phát triển một công bố khoa học quốc tế. “Đó là một hành trình gan dạ và can trường”, TS. Hiếu nói.

Ấp ủ việc tìm ra một phương tiện toàn diện để tạo phương pháp giúp giám sát hoạt động môi trường biển, cảnh báo, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, TS. Hiếu đã dành hơn 2 tháng đi học lái drone (máy bay không người lái), 4 tháng đi thực địa thường xuyên trên biển và những chuyến đi nhỏ lẻ trong 2 năm. Sau mỗi lần đi biển anh lại ốm “dặt dẹo”.

“Mỗi lần đi phải được cấp phép bởi chính phủ. Bay drone ở đất liền thì chụp được ảnh, có cây, có nhà, khi ghép được các ảnh với nhau sẽ hình dung được các khối dữ liệu, bản đồ. Nhưng khi bay ra biển, chỉ toàn mênh mông là nước, ảnh chụp từ trên cao khiến các phần mềm đều không xử lý được”, TS. Hiếu cho biết.

Muốn xử lý được dữ liệu, TS. Hiếu đã mất thêm một thời gian, nguồn lực để lập trình ra ứng dụng xử lý ảnh chụp từ trên biển, từ đó mới bắt tay vào nghiên cứu chính, phân tích dữ liệu. Kết quả từ nghiên cứu của anh đã được trao giải Sáng tạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông Singapore năm 2023 và được cấp bằng độc quyền sáng chế.

CHÂU LINH

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dang-sau-nhung-cong-bo-khoa-hoc-quoc-te-post1608516.tpo