Đằng sau những phép màu trong động đất Thổ Nhĩ Kỳ, Syria
Chia sẻ với Zing, chuyên gia nhận định việc nạn nhân bị mắc kẹt sống sót 5-11 ngày sau động đất là điều hiếm thấy và phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan.
Phần lớn cuộc giải cứu diễn ra trong 24 giờ đầu tiên sau thảm họa. Khi thời gian trôi qua, cơ hội sống sót sẽ giảm dần. Các đội tìm kiếm và cứu nạn cũng sẽ cân nhắc dừng lại sau ngày thứ năm đến ngày thứ bảy, theo AP.
Tuy nhiên, các đội cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng kiến nhiều "phép màu" khi nỗ lực giải cứu các nạn nhân bị chôn vùi dưới đống đổ nát sau trận động đất 7,8 độ đêm 6/2.
Hơn 10 ngày sau thảm họa, họ vẫn tìm thấy những người sống sót. Một trong số đó là Hakan Yasinoglu, khoảng 40 tuổi. Ở thời điểm được đưa lên mặt đất, ông Avci vẫn đủ tỉnh táo gọi điện thoại cho gia đình, sau đó đoàn tụ với vợ và con gái mới sinh trong bệnh viện.
“Việc con người sống sót lâu như vậy (khi mắc kẹt dưới đống đổ nát) là điều hiếm thấy, mặc dù nó từng xảy ra sau một số trận động đất”, ông Ilan Kelman, giáo sư về Thảm họa và Sức khỏe, thuộc Viện Giảm thiểu Rủi ro, Thảm họa và Viện Y tế Toàn cầu, Đại học College London, nhận định với Zing.
“Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc hỗ trợ các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn cho đến khi chắc chắn rằng những người sống sót không còn bị mắc kẹt. Tuy nhiên, sống sót trong thời gian dài như vậy phần lớn là nhờ vào may mắn”, ông nói thêm.
Yếu tố duy trì sự sống
Theo ông Kelman, không gian bị mắc kẹt phải đủ oxy hoặc không khí lưu thông, nhưng không quá nhiều để giúp nạn nhân tránh bị chết cóng trong thời tiết lạnh giá mà khu vực miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền Bắc Syria đang trải qua.
“Bụi cũng có thể làm những người sống sót chết ngạt. Bên cạnh đó, vết thương của họ phải không quá rộng và không bị nhiễm trùng. Họ cần đủ khỏe mạnh để tồn tại với lượng nước và thức ăn hạn chế, hoặc may mắn uống nước mưa thấm qua hay mắc kẹt cùng thức ăn”, ông lý giải.
Ngoài ra, vị chuyên gia cho rằng để nạn nhân cầm cự được lâu hơn, những trận động đất và dư chấn sau đó không thể khiến các tòa nhà sụp đổ thêm, cũng như không thể xảy lũ lụt hoặc hỏa hoạn sau động đất.
“Mẹo sinh tồn quan trọng nhất trong trận động đất là ở trong một công trình không bị sụp đổ. Vì chúng ta không thể luôn mang theo bình oxy, thức ăn và nước uống trong vài ngày”, ông Kelman nói.
“Nếu khi tòa nhà sụp đổ, chúng ta may mắn còn khỏe mạnh về thể chất, hãy sẵn sàng vượt qua sự căng thẳng về tinh thần trong thời gian chờ đợi đội giải cứu dù biết rằng bản thân có thể chết bất cứ lúc nào và người thân có thể đã không qua khỏi”, ông nhấn mạnh.
Khi bị mắc kẹt trong đống đổ nát và chờ giải cứu, nhiều nạn nhân động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ đã phải đưa ra những lựa chọn khó khăn, chẳng hạn uống nước tiểu của bản thân hay ăn bất cứ thứ gì xung quanh.
Song giáo sư Kelman cho rằng hành động này có thể mang đến một số rủi ro bao gồm suy dinh dưỡng và ngộ độc.
“Nước tiểu của chúng ta không thể cung cấp tất cả chất lỏng mà chúng ta cần. Một số người có thể ăn trái cây ôi thiu hoặc côn trùng sống, nhưng những người khác không thể tiêu hóa thực phẩm này. Hơn nữa, liệu chúng ta có sẵn sàng tự tay giết chuột và sau đó ăn sống chúng không?”, ông cho biết.
Bên cạnh nguồn thức ăn, nước uống và không khí, việc tìm cách phát tín hiệu với thế giới bên ngoài cũng là yếu tố quan trọng.
Chia sẻ với ABC, tiến sĩ Stephen Morris, phó giáo sư khoa cấp cứu tại UW Medicine với kinh nghiệm ứng phó thảm họa quốc tế, cho biết các nạn nhân cần la hét hoặc tạo tiếng ồn để báo cho nhân viên cứu hộ khẩn cấp.
“Được tìm thấy thực sự là cách sống sót duy nhất. Vì vậy, việc tìm cách giao tiếp, tạo ra tiếng ồn lặp đi lặp lại thông qua va chạm vào những vật thể xung quanh (là điều cần làm)", ông nói.
Tiến sĩ Morris cho biết thêm trong các trận động đất trước đây, có những trường hợp người sống sót thậm chí còn tiếp cận điện thoại di động và có thể gọi điện hoặc nhắn tin để mọi người biết rằng họ đang cần được giải cứu.
Cần được chăm sóc về thể chất lẫn tinh thần
Theo giáo sư Kelman, trong quá trình giải cứu nạn nhân, đội cứu hộ cũng cần lưu ý nhiều yếu tố.
“Chẳng hạn, nếu một phần cơ thể của nạn nhân bị đè bẹp trong trận động đất, hoạt động giải cứu phải được thực hiện cực kỳ cẩn thận: Việc giải phóng bộ phận cơ thể này có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng khắp cơ thể gây nguy hiểm đến tính mạng”, ông cảnh báo.
Tương tự, đội cứu hộ cũng cần kiểm tra thân nhiệt của nạn nhân có quá lạnh hay quá nóng, sau đó ngay lập tức sử dụng thiết bị hỗ trợ tiên tiến để ổn định thân nhiệt, vị chuyên gia cho hay.
Ngoài ra, lực lượng cứu hộ cũng cần trả lời nhiều câu hỏi về tình hình sức khỏe của nạn nhân.
“Nạn nhân thiếu nước và dinh dưỡng ở mức độ nào, họ có cần truyền dịch tĩnh mạch hay không? Mức độ bụi trong phổi là bao nhiêu? Họ có những tổn thương thể chất nào khác và tình trạng nhiễm trùng có được kiểm soát?”, ông Kelman liệt kê.
Ngay cả khi thoát khỏi đống đổ nát, rủi ro sức khỏe đối với các nạn nhân vẫn rất lớn.
“Sau khi được giải cứu, nạn nhân có thể đối mặt với rủi ro về thể chất và tinh thần. Về mặt thể chất, họ có những vết thương cần chữa lành, một số người có thể bị cắt cụt chi do va chạm hoặc tê cóng gây chấn thương”, ông nói.
Do đó, ông Kelman cho rằng việc đánh giá sức khỏe sau giải cứu là tối quan trọng. “Đội cứu hộ cần ngay lập tức bàn giao nạn nhân cho cơ sở chăm sóc y tế nâng cao. Tại đây, nạn nhân có thể được đánh giá về thể chất, tinh thần và tiếp nhận hỗ trợ cần thiết”, ông nói với Zing.
Bên cạnh đó, vị giáo sư từ Đại học College London chia sẻ các loại vi khuẩn cũng là rủi ro lớn khi các vật trung gian truyền bệnh xuất hiện (chẳng hạn bệnh Lyme hay sốt rét).
“Các nạn nhân cần cẩn trọng với nguy cơ nhiễm trùng sau chấn thương, chú ý bù nước và rèn luyện thể chất để cải thiện sức khỏe sau nhiều ngày thiếu thức ăn và không thể di chuyển”, ông lưu ý.
“Về mặt tâm lý, họ có thể đau buồn vì những người thân đã mất, nhà cửa bị phá hủy hay tình trạng mất việc. Việc trở lại cuộc sống bình thường cần sự hỗ trợ về sức khỏe tâm thần”, ông nhấn mạnh.