Đằng sau những tai nạn chết người của Hollywood
Súng đạn, kể cả khi là đạo cụ, là thứ vô cùng nguy hiểm. Một viên đạn 'giả' bên trong cũng chứa đầy thuốc súng được nắp chặt bằng một cục bông. Trong trường hợp tai nạn xảy ra, cục bông không giết chết người thì cũng khiến họ bị bỏng nặng do khí nóng từ nòng súng thoát ra.
Chính vì thế mà trọng trách của các chuyên viên quản lý đạo cụ súng đạn là vô cùng lớn. Họ là người đứng giữa đoàn làm phim và tử thần. Và khi họ không hoàn thành công tác, hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng, đơn cử như trong tai nạn đáng tiếc vừa mới xảy ra trên trường quay bộ phim “Rust”.
Sai lầm không thể cứu vãn...
Một khẩu súng xuất hiện trên màn ảnh bạc, nhưng trên trường quay lại có tới tận ba, bốn khẩu súng khác nhau cho từng hoàn cảnh. Trong trường hợp khẩu súng chỉ để làm cảnh, diễn viên sẽ sử dụng khẩu súng giả chỉ có vỏ ngoài.
Để đảm bảo an toàn họ chỉ sử dụng khẩu súng bắn đạn giả khi có cảnh bắn súng. Và trước đó, những khẩu súng này đã được nhân viên quản lý đạo cũ và trợ lý đạo diễn kiểm tra kỹ lưỡng. Trong trường hợp hiếm hoi phải dùng đến súng thật, đạo diễn chỉ có thể cho phép diễn viên nổ súng khi không có bất kỳ ai khác trong tầm nguy hiểm. Như vậy có nghĩa là, cảnh quay chỉ có độc một nhân vật.
Trong lịch sử Hollywood đã từng xảy ra những vụ bất cẩn đối với đạo cụ súng đạn dẫn đến cái chết thương tâm. Lý Quốc Hào, con trai huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long, chết trong khi đang quay bộ phim “The Crow” vào năm 1993. Khẩu súng đạo cụ gây ra cái chết của anh trước đó có một viên đạn thật bị kẹt lại trong nòng.
Chuyên viên quản lý súng đạn không kiểm tra kỹ. Và tất nhiên là đã không phát hiện ra viên đạn bị kẹt nên khi bạn diễn của Lý Quốc Hào sử dụng cát tút giả, viên đạn bắn ra găm vào bụng nạn nhân. Lý Quốc Hào mất vì vết thương ở bụng và chấn thương sọ não khi ngã xuống đất. Đây là vụ việc khiến Hollywood phải tiến hành cải tổ lại toàn bộ quy trình quản lý đạo cụ súng đạn.
Vậy nhưng không rõ vì lý do gì mà trên phim trường “Rust”, việc kiểm tra lại để “lọt lưới” một khẩu súng Colt thật, không phải đồ bắn đạn giả. Khẩu súng được tài tử gạo cội Alec Baldwin sử dụng trong một cảnh quay hành động. Khi ông nổ súng, viên đạn đã lên nòng sẵn ngay lập tức giết chết nữ quay phim Halyna Hutchins và làm bị thương đạo diễn Joel Souza đứng gần đó.
Hannah Gutierez-Reed, nhân viên quản lý đạo cụ chịu trách nhiệm trong vụ tai nạn.
Một nhân viên dàn đèn kể lại: “Chuyện xảy ra vào ngày thứ 12 trong kế hoạch quay phim 21 ngày. Lúc gần trưa Alec Baldwin có quay một cảnh đấu súng. Ông ấy sẽ vừa bắn vừa chạy ra khỏi nhà thờ. Trước khi cảnh quay bắt đầu, Alec Baldwin tập rút súng ra khỏi bao. Tôi nhớ là trước khi đưa súng cho ông ta, trợ lý đạo diễn có hô “súng giả”. Mọi chuyện xảy ra nhanh quá, tôi không kịp nhìn rõ, chỉ biết rằng quay phim Halyna Hutchins đang đứng sửa soạn ống kính thì bất ngờ ngã ngửa ra sau, kéo theo cả đạo diễn Joel Souza đứng bên cạnh. Trước khi có người gọi xe cứu thương thì Halyna đã tử vong rồi!”.
Diễn viên Alec Baldwin cho đến lúc này vẫn còn kín tiếng. Trong một thông cáo báo chí hiếm hoi của mình, ông tuyên bố: “Sở cảnh sát Santa Fe khuyên đoàn làm phim nên hạn chế liên lạc với truyền thông để đảm bảo công tác điều tra. Điều duy nhất tôi có thể nói vào lúc này rằng, đây là một sự cố nghìn lần có một!”. Vị diễn viên còn cho biết thêm, ông đã gọi điện cho gia đình nạn nhân để xin lỗi và chia buồn.
Về phía đoàn làm phim, hai người chịu trách nhiệm trực tiếp cho sự cố là nhân viên quản lý đạo cụ súng Hannah Gutierez-Reed và trợ lý đạo diễn Dave Halls. Họ đều thừa nhận không kiểm tra kỹ đạo cụ, gây ra nhầm lẫn giữa súng thật và súng giả. Khẩu súng gây ra án mạng là đồ cổ từ thời Viễn Tây được sử dụng làm đạo cụ trong một đoạn quay cận cảnh trước đó. Hiện cảnh sát vẫn chưa cho biết vì sao trong khẩu súng thật lại chứa viên đạn thật.
Đứng từ ngoài nhìn vào, Hannah Gutierez-Reed đã phạm những sai lầm cơ bản nhất trong ngành. Bất kỳ chuyên viên quản lý đạo cụ nào cũng biết phải lưu trữ đạo cụ ngăn nắp trong những thùng chứa có dán nhãn đầy đủ. Với những công cụ nguy hiểm như vũ khí (súng và đạn) hay pháo hoa, các bộ phận phải được tách riêng ra. Chuyên viên còn phải giữ gìn và cập nhật danh sách những ai đã sử dụng đạo cụ để tiện việc phát hiện vấn đề.
Diễn viên Alec Baldwin gọi điện sau khi rời khỏi đồn cảnh sát.
Hỏng từ cả một quy trình
Toàn bộ những thiếu sót nói trên trở nên dễ hiểu khi nhìn lại toàn bộ quá trình làm phim. Đoàn làm phim đã nhiều lần than phiền và khiếu nại về môi trường làm việc cực nhọc. Họ phải làm việc nhiều giờ liền dưới nắng nóng sa mạc Santa Fe. Đấy là chưa kể khoảng thời gian để đi lại giữa khách sạn và phim trường.
Các diễn viên đóng thế tỏ ý không vừa lòng về việc họ phải đảm nhận nhiều cảnh quay nguy hiểm mà không nhận được khoản phụ trợ nào. Nói chung người may mắn nhất trong đoàn làm phim chỉ bị chậm lương hai tuần, còn những người khác đều bị chậm hơn một tháng.
Riêng về vấn đề an toàn, một nhân viên đoàn làm phim giấu tên nói với tờ LA Times như sau: “Trước khi có người chết đã xảy ra ba vụ bất cẩn nổ súng. Điều hãng phim đáng lẽ nên làm là dành riêng ra một buổi phổ biến và tập huấn an toàn cho đoàn làm phim, thế mà họ cứ tiếp tục quay coi như không có chuyện gì xảy ra. Hiện nay cảnh sát đã đóng cửa phim trường, nhưng tôi biết rằng họ vẫn đang bí mật quay tại nơi khác!”.
Toàn cảnh hiện trường vụ tai nạn.
Tức giận trước sự cẩu thả và keo kiệt của nhà sản xuất, đoàn làm phim đã đồng loạt đình công. Thay vì nghiêm túc nhìn lại bản thân, hãng phim lại thuê một loạt người khác thế chỗ những ai đang đình công, trong đó có Hannah Gutierez-Reed.
Chuyên viên quản lý đạo cụ vũ khí này mới 24 tuổi và chỉ vừa mới hoàn thành bộ phim đầu tiên mình góp mặt là “The Old Way” (có sự tham gia của hai tài tử Clint Howard và Nicolas Cage). Có thông tin ngoài lề cho biết, Hannah nhận được công việc do bố của cô, Thell Reed, vừa là người nổi tiếng làm nghề này vừa là bạn cũ của Alec Baldwin.
Nguyên nhân gì đã khiến hãng phim làm những việc trên? Một trong những bên chi tiền cho bộ phim là BondIt Media Capital. Quỹ đầu tư này chuyên rót vốn cho các bộ phim hành động hạng B, trong đó nổi tiếng nhất là “Hard Kills” (nam diễn viên Bruce Willis đóng chính) và “Wash Me in the River” (tài tử Robert de Niro đóng chính). BondIt Media Capital không trực tiếp chi tiền của mình ra mà đi vay hay thậm chí bán “cổ phần” bộ phim để có kinh phí sản xuất. Với mô hình vốn kiểu này, chắc chắn họ sẽ tìm mọi cách để cắt giảm chi phí làm phim.
Phản ứng mạnh mẽ
Tai nạn trên trường quay “Rust” chỉ là một trong số nhiều câu chuyện liên quan đến vấn đề lao động tại Hollywood. Nhiều người không biết, nhưng điều kiện lao động trên các phim trường Mỹ vô cùng khổ cực, nhất là với những chuyên viên không ở trong nghiệp đoàn. Nhà sản xuất làm tội làm tình họ bao nhiêu, họ cũng phải chịu vì chỉ cần ho he một tí là họ bị đuổi.
Công đoàn Liên minh Lao động quốc tế ngành Kịch & Điện ảnh (gọi tắt: IATSE) đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ hành động của nhà sản xuất phim “Rust” khi họ đồng loạt đuổi việc nhân viên đoàn làm phim rồi thuê người không có chuyên môn thay thế.
Người phát ngôn của IATSE tuyên bố: “Hãng phim El Dorado phải chịu toàn bộ trách nhiệm về sự cố đáng tiếc này. Không ai chấp nhận được việc họ đặt lợi nhuận lên trên tính mạng con người cả. Nếu gia đình người đã mất muốn đưa vụ việc ra tòa, IATSE sẵn sàng giúp đỡ họ về mặt nhân chứng, vật chứng và tư vấn pháp lý!”.
Một số khẩu súng được sử dụng làm đạo cụ trong phim của Hollywood.
Giới báo chí cũng giữ thái độ tương tự. Tờ New York Times đã viết những dòng như sau: “Không lúc nào thiếu những người trẻ tuổi, có tài năng và niềm đam mê được khao khát cống hiến cho điện ảnh cả. Vấn đề là chỉ sau vài năm trong nghề, phần lớn đều “bỏ của chạy lấy người”.
Cái cách làm phim vắt kiệt sức lao động của các hãng phim khiến các tài năng quay ra chán ghét chính ngành điện ảnh. Họ lo sợ không nhận được tiền lương là đủ rồi, nay còn phải canh cánh nỗi lo không biết có chết vì tai nạn không nữa… Nếu không tiến hành thực hiện ngay các biện pháp an toàn lao động trên phim trường, rất có thể Hollywood sẽ đánh mất cả một thế hệ nhà làm phim”.
Trong khi cảnh sát còn đang tiếp tục điều tra, công đoàn và những người ủng hộ đã xuống đường biểu tình phản đối tình trạng mất an toàn lao động trên trường quay. Đồng thời, họ yêu cầu chính quyền có biện pháp buộc các hãng phim phải tuân thủ quy trình đã được Bộ Lao động Mỹ đề ra.
Hiện chưa có phản ứng gì từ chính quyền bang California hay chính quyền liên bang ở Washington D.C. cả. Cho dù đây là những yêu sách nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong quần chúng, nhiều nhà quan sát tỏ thái độ bi quan trước sức mạnh của bộ máy “vận động hành lang” của Hollywood. Rất có thể vấn đề quản lý an toàn đạo cụ súng đạn sẽ còn ở trong thế bế tắc trong tương lai gần.