Đằng sau những tấm huy chương vàng lịch sử

Sau 3 kỳ SEA Games liên tiếp, bóng rổ Việt Nam đã thành công trong việc giành huy chương, và đổi màu huy chương từ đồng sang vàng. Đằng sau tấm huy chương vàng lịch sử tại Campuchia của các cô gái tuyển bóng rổ nữ 3x3 Việt Nam là bài học về sự kiên định, nỗ lực không ngừng nghỉ trong thể thao.

Nỗ lực không ngừng

Không có môn thể thao nào “khó nhằn” như bóng rổ ở Đông Nam Á, bởi lẽ hầu hết các quốc gia đều nhập tịch các tuyển thủ hàng đầu, với chiều cao vượt trội từ khắp nơi trên thế giới. Điển hình là chủ nhà Campuchia.

Các cô gái tuyển 3x3 tạo nên lịch sử cho bóng rổ Việt Nam.

Các cô gái tuyển 3x3 tạo nên lịch sử cho bóng rổ Việt Nam.

Tại SEA Games 31, bóng rổ Campuchia để thua trong tất cả các trận đấu, từ nội dung 3x3 tới 5x5, cả nam lẫn nữ. Nhưng chỉ cần 12 tháng để họ thay đổi hoàn toàn cục diện ở sân chơi khu vực. Đội bóng rổ nam của Campuchia đang càn quét mọi đối thủ với những ngôi sao nhập tịch, thậm chí không cần có gốc gác của quốc gia này. Ba ngôi sao của tuyển 3x3 nam Campuchia là Darrin Dorsey, Brandon Peterson và Sayeed Pridgett. Cả ba đều trưởng thành từ bóng rổ đại học Mỹ và thi đấu chuyên nghiệp từ lâu.

Tương tự như vậy, tuyển bóng rổ nữ 3x3 của Campuchia cũng bao gồm toàn những cái tên “máu mặt” như Brittany Dinkins, Meghan Simmons và Mariah Cooks. Trong số này, Meghan Simmons từng được chọn ở lượt thứ 26 tại WNBA Draft 2014 trước khi bị New York Liberty thanh lý hợp đồng vào phút chót. Hiện tại, cô đang khoác áo Besiktas của Thổ Nhĩ Kỳ.

Bóng rổ Việt Nam không nằm ngoài cuộc chơi chung, nhưng chúng ta chỉ triệu tập các cầu thủ gốc Việt, hoặc Việt kiều. Sau cùng, nỗ lực của bản thân các cầu thủ và ban huấn luyện mới là điều quyết định. Chiến thắng của tuyển nữ 3x3 tại SEA Games 32 là phần thưởng tuyệt vời cho nỗ lực không ngừng nghỉ của cả một tập thể. Đây là thành quả của sự cố gắng và quyết tâm của toàn thể đội bóng trong suốt thời gian qua với những mục tiêu và định hướng rõ ràng.

Trương Thảo Vy, Trương Thảo My, Huỳnh Thị Ngoan và Nguyễn Thị Tiểu Duy đã ghi tên vào lịch sử bóng rổ Việt Nam, và họ hoàn toàn xứng đáng với điều đó. Trương Thảo Vy và Trương Thảo My là hai chị em sinh đôi có bố mẹ là người Việt Nam. Họ sinh sống tại Mỹ và khoác áo đội bóng rổ đại học hùng mạnh Gonzaga.

Trong mùa giải 2022/23 vừa kết thúc, Trương Thảo Vy (Kaylyne Trương) chính là chủ công của đội Gonzaga. Hậu vệ sinh năm 2001 ghi trung bình 15,9 điểm/trận, đạt thành tích cao nhất sự nghiệp. Trong khi đó, Trương Thảo My trải qua mùa giải đáng quên vì chấn thương, nhưng cô đã kịp trở lại trước thềm SEA Games 32.

Tìm kiếm những nhân tài gốc Việt như Trương Thảo Vy và Trương Thảo My là điều mà Việt Nam đã triển khai từ lâu, không chỉ trong bóng rổ. Với bóng đá và một số môn thể thao đỉnh cao khác cũng vậy. Đây là kế hoạch hoàn toàn hợp lý, hợp thời bởi lẽ bất cứ người con xa xứ nào muốn cống hiến cho quê hương đều sẽ có cơ hội. Ngược lại, các đội tuyển thể thao Việt Nam sẽ gia tăng chất lượng chuyên môn và sức cạnh tranh, từ đó hướng đến những chiến công chưa từng có như tấm huy chương vàng bóng rổ tại SEA Games 32.

Thành công của tuyển nữ bóng rổ 3x3 có thể giúp Việt Nam tập trung nhiều hơn vào hướng đi này. Tất nhiên, việc tìm kiếm, tuyển chọn và phát triển các tài năng trong nước vẫn là ưu tiên hàng đầu, nhưng lực lượng “ngoại binh” có thể tạo ra một luồng sinh khí hoàn toàn mới cho các đội tuyển.

Vượt khó giành vinh quang

Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, ông Đặng Hà Việt chia sẻ: “Chúng ta đã làm được, quá hạnh phúc, khi tiếng còi chưa vang lên nước mắt tôi đã trào ra rồi. Tôi cảm thấy rất xúc động, rất tự hào và không biết nói gì hơn nữa. Đây là sự nỗ lực hết sức của tập thể ban huấn luyện cũng như các VĐV, bởi vì chúng ta đã biết trình độ bóng rổ nữ khu vực Đông Nam Á đã lên rất cao, đặc biệt các đội đã có những cầu thủ nhập tịch.

Như 4 VĐV của đội tuyển 3x3 nữ Campuchia họ đều là cầu thủ nhập tịch và rất nổi tiếng, đã tham dự nhiều giải đấu quốc tế. Điều đó tạo nên sự cạnh tranh đặc biệt mà chỉ cần sơ sẩy là chúng ta không thể có được thành tích này. Vì vậy đây chính là tấm gương cho tất cả các VĐV Việt Nam nỗ lực phấn đấu, nỗ lực vươn lên, vượt qua khó khăn để mang về thành tích tốt nhất cho đất nước”.

Trước khi các cô gái bóng rổ gây tiếng vang, vận động viên Phạm Tiến Sản đã khiến giới mộ điệu khu vực ngỡ ngàng khi bảo vệ thành công tấm HCV nội dung Duathlon (chạy-đạp-chạy). Phạm Tiến Sản đã đánh bại cả VĐV nhập tịch châu Âu của chủ nhà Campuchia, Mickael Chamond. Thành tích của VĐV quê Bắc Giang là 54 phút 39 giây, nhanh hơn đối thủ 5 giây.

Đáng chú ý, xe đạp của Phạm Tiến Sản nổ lốp ngay trước khi ban tổ chức đóng cổng đăng ký của VĐV tranh tài, nhưng điều này không thể ngăn cản anh giành chiến thắng.

Ở đường đua Duathlon của nữ, Nguyễn Thị Phương Trinh cũng tạo kỳ tích khi giành huy chương bạc. Đây là thành tích ngoài mong đợi của Phương Trinh, bởi lẽ cô phải đối đầu với một loạt VĐV nhập tịch Anh, Úc. Chính vì vậy, cô đã bật khóc nức nở sau khi về đích.

Sau hình ảnh truyền cảm hứng của Nguyễn Thị Ninh ở ngày thi đấu đầu tiên tại SEA Games 32, đoàn thể thao Việt Nam tiếp tục giành những tấm huy chương đặc biệt như thế.

An Khánh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/dang-sau-nhung-tam-huy-chuong-vang-lich-su-i692688/